Chân dung 5 Phó Thủ tướng và Bộ trưởng tuổi Nhâm Dần

Phạm Hùng 03/02/2022 08:20

Trong số 27 thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, có 5 thành viên năm sinh tuổi Nhâm Dần (1962). Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, Cánh Cò xin giới thiệu về chân dung 5 vị lãnh đạo này.

Ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ

Ông sinh ngày 20/10/1962, quê Hải Phòng; Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Quản lý kinh tế. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XII.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

Trong quá trình công tác ông từng giữ chức Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng; Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hải Phòng.

Ngày 8/4/ 2021, ông được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 11 phê chuẩn giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 22/04 /2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 593 về việc phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ông Lê Văn Thành phụ trách theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tá quan trọng của Chính phủ như: Công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thương mại-xuất nhập khẩu, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường; Chỉ đạo bảo đảm năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Các công trình trọng điểm quốc gia; các dự án đầu tư xây dựng cơ bản theo phân cấp của pháp luật; Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất…; Công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

Thời gian qua, Phó Thủ tướng đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành của nhiều dự án quan trọng như tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đường Vành đai 3 TP.HCM, mở rộng sân bay Điện Biên,… Ngoài ra, ông cũng có những chỉ đạo quan trọng trong việc thực hiện Đề án xây dựng thị trường carbon trong nước và Quy hoạch điện,…

Ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Ông sinh ngày 16/10/1962, ở Hà Nội; Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Quan hệ quốc tế. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thành Sơn.

Trong quá trình công tác ông từng là Trợ lý Bộ trưởng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông được Chủ tịch phong hàm Đại sứ năm 2011. Trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ông có hơn 5 năm là Thứ trưởng Thường trực của Bộ này.

Với hơn 30 năm trong ngành ngoại giao, ông kinh qua nhiều vị trí công tác: Nghiên cứu quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại, kinh tế và đàm phán quốc tế.

Ông Bùi Thanh Sơn bắt đầu bước chân vào ngành ngoại giao từ tháng 9-1987 với vị trí là cán bộ nghiên cứu tại Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao. Ông trải qua nhiều cương vị công tác trong ngành hơn 30 năm.

Trong bài viết “Đường lối đối ngoại Việt Nam được đặt ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, ông Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam cần tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.

“Độc lập tự chủ vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng của đối ngoại Việt Nam. Chỉ có độc lập tự chủ, chúng ta mới có thể hội nhập quốc tế thành công, phát huy đầy đủ thế mạnh, phục vụ lợi ích quốc gia-dân tộc, xử lý được các mối quan hệ quốc tế phức tạp trong môi trường đầy bất định, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay”.

Ông cũng khẳng định, Việt Nam không theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi mà thúc đẩy lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông sinh ngày 24/7/1962, quê Bắc Ninh; Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Kỹ thuật, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Kỹ sư Viễn thông Vô tuyến.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII.

Trong thời gian công tác trước khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông phục vụ trong quân đội. Trải qua nhiều chức vụ và các cấp bậc, sau đó ông mang quân hàm Thiếu tướng, giữ chức Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Bộ Quốc phòng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tháng 7/2018, ông được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đến tháng 10/2018, ông được Quốc hội phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021; ông tái cử chức vụ này tại nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2026.

Ngoài chức Bộ trưởng, ông còn kiêm chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng cam kết rằng: “Nếu công nghệ không “giải” được những nỗi đau của đất nước thì sẽ từ chức”. Ông nhấn mạnh rằng:  “Chúng tôi – những người làm trong lĩnh vực công nghệ số, luôn có niềm tin rằng công nghệ số giải được rất nhiều những bài toán khó tồn tại lâu dài với nhân loại, với Việt Nam”.

Một trong những câu nói nổi bật truyền động lực cho giới trẻ của Bộ trưởng là: “Việc trung bình thì tạo ra người trung bình. Việc khó thì tạo ra người giỏi. Việc vĩ đại thì tạo ra người vĩ đại”. Đặc biệt, quan điểm của Bộ trưởng, đó là: “Báo chí cách mạng Việt Nam phải góp phần khơi dậy khát vọng đó. Đó là sứ mệnh mới của báo chí cách mạng. Khát vọng lớn, giấc mơ lớn thì tạo thành sức mạnh tinh thần. Sức mạnh tinh thần nhân lên sức mạnh vật chất. Chưa từng có quốc gia nào, dân tộc nào “hóa rồng, hóa hổ” mà không có sức mạnh tinh thần”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông bình chọn là 1 trong 10 nhân vật ngành CNTT Việt Nam tiêu biểu vì có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành này trong giai đoạn 2000 – 2009.

Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH

Ông sinh ngày 6/6/1962, quê Hà Nam; Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân; Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Quản lý Hành chính công, Cử nhân Luật. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung.

Trong quá trình công tác ông từng giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Ngoài nước; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy rồi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.

Hiện ông là Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH và là nhiệm kỳ thứ hai đảm nhiệm chức vụ này.

Năm 2021, đại dịch bùng phát mạnh chưa từng có. Trong bối cảnh đó, ngành LĐ-TB-XH đã có những đóng góp quan trọng cho an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, trong đó có sự khẩn trương, quyết liệt giải ngân nhanh chóng ngân sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đặc biệt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là người có quyết tâm cao với việc chuyển đổi số, sẵn sàng thực hiện mà theo như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chính là người khích lệ, truyền cảm hứng cho mình quyết tâm chuyển đổi số.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ  

Ông sinh ngày 26/8/1962, quê Bến Tre; Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân; Trình độ chuyên môn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vật lý. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII và XIV.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Trong quá trình công tác ông khởi đầu sự nghiệp là cán bộ giảng dạy và nhiều năm công tác tại Đại học quốc gia TP,HCM. Ông từng giữ chức Chánh Văn phòng rồi Phó Giám đốc, Phó Giám đốc Thường trực Đại học quốc gia TP.HCM. Sau đó ông giữ chức Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Đại học quốc gia TP.HCM.

Trên cương vị này, ông đã có hai quyết sách ưu tiên trong hoạt động điều hành của mình là xây dựng thành công khu đô thị đại học và đưa chất lượng giáo dục đại học của trường mình quản lý lên tầm cao mới. Kết quả Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đứng trong nhiều bảng xếp hạng đại học uy tín nhất của khu vực và thế giới như: Top 701-750 trong bảng xếp hạng QS World; Top 101-150 trong bảng xếp hạng 50 Under 50 – top các trường đại học trẻ dưới 50 tuổi;… Đặc biệt, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh hiện đứng đầu tại Việt Nam ở hai tiêu chí quan trọng của QS Asia là Danh tiếng học thuật và Danh tiếng với nhà tuyển dụng. Hai tiêu chí này của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được xếp thuộc top 100 đại học hàng đầu châu Á. Với những đóng góp cho sự phát triển giáo dục đại học và khoa học công nghệ, ông Huỳnh Thành Đạt đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008, hạng Hai năm 2018.

Ông được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tháng 11/2020, của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 và tái cử chức vụ này ở nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2026.

Khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đã cho rằng: Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông nhấn mạnh: ” Chỉ có phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Phạm Hùng 

Đọc nhiều