Chả ông nào dại bưng bít thông tin bệnh Covid-19 cả!
Cho đến thời điểm này, thông tin 16/16 ca bệnh Covid-19 đã khỏi, Việt Nam nỗ lực khống chế được dịch được các cơ quan và tổ chức quốc tế ghi nhận, nhưng vẫn không tránh khỏi sự hồ nghi của cư dân mạng. Tôi nghĩ rằng hệ thống chính trị Việt Nam không việc gì phải “tự ái” vì điều đó.
Thực tế, đa phần họ đã lặng lẽ làm việc của mình hướng tới mục tiêu tối thượng là bảo vệ nhân dân. Cần phải có một lời khen ngợi cho nội các của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với khẩu lệnh “không ai bị bỏ lại phía sau” đã làm tốt việc phòng ngừa.
Nên nhớ rằng đối với đặc thù của Việt Nam nếu để rơi vào tư thế “chống” bệnh, nguy cơ vỡ trận là điều có thể. Dù dư luận trên mạng đồn thổi không mấy tích cực nhưng kế hoạch cách ly, lập bệnh viện dã chiến đã được làm tốt. Đặc biệt là công tác đó được thiết lập trước khi làn sóng người dân đổ về từ “ổ dịch mới” Hàn Quốc.
Khen một lãnh đạo rất khó, chê một lãnh đạo cực dễ trong bối cảnh niềm tin vào chính quyền bị bào mòn nhiều ở Việt Nam. Nhưng những thông tin đồn thổi không thể bẻ cong sự thật.
Với tân Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ, dù bị truyền thông trách móc, những vẫn có một phản xạ đẹp là khoác áo blouse vào khu vực cách ly, tốt hơn nhiều quan chức dân tuý hoặc những kẻ chỉ biết chê nơi phòng lạnh.
Dù nhiều quan chức địa phương còn bị động, hoặc phát ngôn chưa khéo léo trong thời điểm nhạy cảm hiện nay bị cư dân mạng suy diễn đủ thứ chuyện, gây nghi ngờ. Nhưng mục tiêu chung vẫn được thực hiện kiên trì.
Mặc cho đã có rất nhiều người tung tin đồn, gây hoang mạng dư luận, khiến cho người dân nghi ngờ Chính quyền bưng bít thông tin. Nhưng nếu chúng ta bình tĩnh suy nghĩ thì không có chuyện chính quyền bưng bít thông tin, bởi những lý do sau:
(1) Chính quyền có muốn bưng bít cũng không được! Vì sao? Vì mỗi một ca nhiễm bệnh thì cả một e kíp bác sĩ, điều dưỡng, và cả e kíp xét nghiệm của các trung tâm xét nghiệm. Nếu có lệnh bưng bít thì liệu một ai đó có thể bịt miệng được tất cả những người trên không?;
(2) Nếu một ai đó ra lệnh bưng bít, thì các bác sĩ phải làm sai lệch hồ sơ bệnh án, đây là một tội rất nặng, liệu các bác sĩ họ liều mình, đánh đổi sự nghiệp của mình để phục vụ một lệnh của ai đó được không? Và tất cả bác sĩ ở Việt Nam đều ngoan ngoãn nghe lệnh của một ai đó được không? Nếu vỡ lở ra thì toi. Chả ông bác sĩ nào dại cả!
(3) Và đặc biệt là tất cả gia đình bệnh nhân đều biết chuyện, liệu có một ai đó đủ quyền lực bịt miệng hết gia đình nhà người ta không? câu trả là là KHÔNG!
Ví dụ gần đây nhất đã chứng minh điều đó. Mấy ngày qua, trên mạng xã hội đồn thổi thông tin chị N.A.P (27 tuổi, ở Nha Trang, Khánh Hòa) bị bệnh và qua đời tại Bệnh viện 115 (TP.HCM) vào ngày 27.2 là do dịch Covid-19 làm nhiều người hoang mang, thậm chí còn suy diễn là chính quyền bưng bít.
Ngay sau đó gia đình cô gái đã vô cùng bức xúc và lên tiếng. Ông N.C, bố của chị N.A.P cô gái qua đời do suy hô hấp, cho biết: “Trong lúc tang gia bối rối thì nhiều người không quen biết lại liên tục làm phiền, tôi rất bực mình. Con tôi chết, nguyên nhân là gì thì Bệnh viện 115 (TP.HCM) cũng đã trả lời công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông rồi, ấy thế mà trên mạng có rất nhiều đồn thổi rất bậy bạ… Tôi rất đau lòng! Mong các nhà báo tử tế hãy công khai sự thật trên báo để dư luận khỏi hoang mang”, ông C. nói thêm.
Chị của N.A.P thì chia sẻ: “Gia đình chúng tôi không kém hiểu biết đến mức em P. bị chết vì dịch Covid-19 mà giấu. Nếu che giấu sự thật thì người bị ảnh hưởng trước tiên là gia đình chúng tôi rồi đến xóm giềng”.
“Tôi xin nói rõ em tôi chết là bị bệnh, suy hô hấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết ấy. Vì là đang trong thời điểm dịch Covid-19 nên bệnh viện cho cách ly ban đầu là điều bình thường. Mong các nhà báo nói đúng sự thật này để những người thiếu thông tin không có cơ hội để suy diễn và đồn đoán nữa”, chị của N.A.P nói thêm.
Đấy, những kẻ to mồm đang kêu gào trên mạng họ có biết gia đình nạn nhân nghĩ gì không? Phải chăng niềm tin vào chính quyền đang bị bào mòn cũng một phần xuất phát từ những thông tin đồn thổi ác ý này?
Hàng loạt thông tin và hình ảnh của quân đội và công an tham gia vào nhiệm vụ cách ly phòng dịch đã giúp cho niềm tin được củng cố, phần nào.
Đúng là qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau. Kẻ thì tha hồ tung tin đồn thổi làm loạn xã hội, còn hệ thống chính quyền, bệnh viện, bác sĩ, bộ đội, công an thì ra sức kiểm soát tình hình.
Sự ngờ vực của nhân dân là điều có thể hiểu được, kể cả vẫn tồn tại những cá nhân, quan chức trục lợi thì chúng ta cũng phải thấy một sự thật là đất nước vẫn còn nhiều lãnh đạo coi trọng tính mệnh nhân dân hơn tất cả. Vì đơn giản lãnh đạo cũng là dân !
Nam Phong