129138
category
404894

Câu trả lời rõ ràng nhất cho luận điệu “Thủ tướng là người phát ngôn của Bắc Kinh”

Thế Khoa 29/06/2020 15:45

Nhân việc mới đây, trên trang Dân làm báo đăng tải bài viết “Nguyễn Xuân Phúc: Phát ngôn nhân bán chính thức của Bắc Kinh” của tác giả Vũ Đông Hà, đã “đổi màu” lời phát biểu về tình hình biển Đông của người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, khiến người dân hiểu sai vấn đề, Thế Khoa xin mạo muội có một số suy nghĩ xin chia sẻ cùng bạn đọc…

Trước tiên, nói về câu phát biểu của Thủ tướng rằng: “chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp hơn tình hình, thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế, đặc biệt là thực hiện tốt DOC, khôi phục đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp”, bị Vũ Đông Hà suy diễn là “khi kêu gọi các quốc gia “kiềm chế” các hành vi xấm lấn thể hiện bản chất và chủ trương hèn với giặc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói riêng và tập thể lãnh đạo ĐCS nói chung”. Thì xin lỗi nói thẳng là tác giả chẳng hiểu gì về phát biểu của người đứng đầu Chính phủ, hoặc hiểu nhưng đang cố tình bẻ lái câu nói này. Nói như suy nghĩ của Đông Hà, việc “Thủ tướng kêu gọi kiềm chế trên biển Đông là hèn” thì chẳng lẽ người đứng đầu Chính phủ phải hô hào các nước hãy tiếp tục các hành vi xâm lấn, bành trướng ư? Hay là kêu gọi các nước bất chấp luật pháp quốc tế, cứ thế lao vào đánh nhau, xảy ra xung đột? Như vậy mới được gọi là dũng cảm, đúng không thưa tác giả?

Hình ảnh bài viết xuyên tạc câu nói của Thủ tướng trên trang “Dân làm báo”

Cả thế giới đều thấy được sự ngang ngược, phi lý của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian qua, nhưng không phải vì thế mà Việt Nam đứng ra kêu gọi cộng đồng ASEAN mở ra cuộc chiến tranh, cùng nhau phản đòn bằng vũ lực được. Như vậy chúng ta có khác gì Trung Quốc, khi sử dụng mưu hèn, kế bẩn đâu. Chúng ta có thể đáp trả bằng cách dựa vào sức mạnh đoàn kết, của chứng lý, chính nghĩa, xây dựng biển Đông thành khu vực biển hợp tác, phát triển, an ninh và an toàn, chứ không phải bằng chiến tranh. Thêm nữa, thời gian qua cả Việt Nam và cộng đồng ASEAN đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với Trung Quốc, đây chính là “vòng kim cô” để khóa dã tâm nuốt trọn biển Đông của nước này, nếu bây giờ xảy ra xung đột há chẳng phải mọi công sức bao nhiêu năm trời đổ xuống sông xuống bể hay sao?

Tàu KN-463 của Chi đội Kiểm ngư 4 làm nhiệm vụ trực bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư trường – ngư dân khai thác thủy sản… tại khu vực đảo Đá Lớn (Trường Sa, Khánh Hòa).

Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020, có thể thấy Việt Nam đã gương mẫu, hành động vì hòa bình, an ninh khu vực, tận dụng vị thế, tiếng nói để kêu gọi các nước kiềm chế, tránh xảy ra xung đột trên biển Đông. Bài phát biểu của người đứng đầu Chính phủ đã làm nổi bật trách nhiệm của Việt Nam trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, cũng như trong việc đối diện với những thách thức an ninh của khu vực. Bởi khi Thủ tướng thẳng thắn nêu bật vấn đề biển Đông tại hội nghị, Việt Nam không chỉ thể hiện sự tin tưởng của Việt Nam đối với các thành viên trong ASEAN về việc tìm kiếm giải pháp chung, mà còn đánh bại âm mưu của Trung Quốc trong việc chia rẽ đại gia đình ASEAN để họ dễ bề thâu tóm biển Đông.

Có thể thấy, Việt Nam đã tận dụng tốt quyền Chủ tịch của mình ở Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 để các nước thành viên đoàn kết, thống nhất trong các vấn đề an ninh khu vực, không vì lợi ích riêng của từng nước mà bỏ quên thách thức chung. Các nước phải có tầm nhìn khu vực, làm thế nào để tránh những xung đột không đáng có và những toan tính sai lầm có thể làm leo thang căng thẳng trên biển Đông; đồng thời cùng bàn cách để vùng biển khu vực, mọi ngư dân đều có lợi ích, mọi hoạt động đánh bắt cá hợp pháp trên biển đều được bảo vệ.

Tàu Trường Sa 14 thuộc lữ đoàn 955 (Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân) làm nhiệm vụ trực tại khu vực đảo chìm Trường Sa.
Tàu 561 của Bộ tư lệnh vùng 4 hải quân và tàu 740 của quân chủng hải quân làm nhiệm vụ tại khu vực đảo chìm Núi Le (Trường Sa)

Ấy vậy mà, qua ngòi bút méo mó của Vũ Đông Hà thì lời phát biểu của Thủ tướng lại thành “hèn với giặc” để gây lên làn sóng chỉ trích người đứng đầu Chính phủ. Không những thế, tác giả Đông Hà còn xuyên tạc rằng “Khi Trung Quốc xâm lược chủ quyền biển đảo nhưng Đảng, Nhà nước, Quốc hội – nói chung là cả hệ thống chính trị – không chống dám chống trả bằng bất kỳ hành động nào, dù là bằng lời nói thì đã là nhu nhược”. Thật không hiểu tác giả lươn lẹo, hay là “có tai giả điếc, có mắt như mù”, tỏ ra không biết thông tin thời sự, tình hình những gì đang diễn ra trong thời gian qua, khiến sự thật bị bóp méo vậy? Thế Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông thì gọi là gì đây thưa tác giả Đông Hà? Rồi cái giàn khoan Sao Vàng – Đại Nguyệt nặng gần 14.000 tấn đặt tại khu vực phía tây Bãi Tư Chính không phải là hành động khẳng định chủ quyền đất nước thì gọi là gì?

Cận cảnh chân đế giàn khoan 14.000 tấn mà Việt Nam hạ đặt thành công tại thềm lục địa phía Nam tổ quốc. Cột mốc hiên ngang trên biển của Việt Nam.

Không phải bỗng dưng trong năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, cũng là lúc cả Malaysia, Indonesia và Philipines cùng đồng thanh gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông… Đây là thắng lợi quan trọng của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao, lèo lái để cả khối ASEAN có được tiếng nói chung, giữa lúc biển Đông đang dầu sôi lửa bỏng. Sự thay đổi của ASEAN hiện nay, cho thấy vị trí, vai trò to lớn của Việt Nam – Chủ tịch ASEAN năm 2020, qua đó cũng khẳng định rằng, Việt Nam rất kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng nhiều phương thức khác nhau nhưng luôn giữ vững lập trường “Việt Nam mong muốn có hòa bình, hữu nghị trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển”.

Sự thay đổi của ASEAN hiện nay, cho thấy vị trí, vai trò to lớn của Việt Nam – Chủ tịch ASEAN năm 2020

Với những bước đi chiến lược như vậy xin hỏi Đông Hà là Thủ tướng hay các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam có hèn với giặc, hay sợ, không dám hành động để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước như lời các vị lâu nay rêu rao hay không? Chứng kiến hành động kiên quyết tổng tấn công Trung Quốc trên lĩnh vực ngoại giao và thực địa, đến ngay cả những chuyên gia thế giới cũng phải thừa nhận “Việt Nam là nước mạnh mẽ nhất trong đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền so với các quốc gia trong khu vực”. Do vậy, mọi lập luận kiểu “đâm bị thóc, chọc bị gạo” như Vũ Đông Hà và một số đối tượng đội lốt “yêu nước”, cho thấy động cơ đen tối, bôi nhọ uy tín của Thủ tướng, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, không thực sự vì lợi ích dân tộc.

Thế Khoa 

Đọc nhiều