Cầu Cửa Hội đánh thức tiềm năng ven biển Nghệ An – Hà Tĩnh
Sau gần 2 năm thi công, Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, nối Nghệ An – Hà Tĩnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Công trình không chỉ rút ngắn khoảng cách 2 tỉnh mà còn đánh thức tiềm năng vùng ven biển vốn đang bị lãng quên lâu nay.
Những ngày này, các công nhân đang tập trung vệ sinh cầu Cửa Hội và chỉnh trang hệ thống ATGT để ngày 14/3 tới đây, Bộ GTVT sẽ tổ chức khánh thành, chính thức đưa cây cầu nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào sử dụng.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Nguyên, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Công ty CP 473, kiêm Phó ban điều hành công trường cho biết, cầu Cửa Hội được thi công bằng công nghệ EXTRADOSED (kết hợp giữa đúc hẫng cân bằng và dây văng), vừa đảm bảo mỹ thuật vừa giúp tiết kiệm chi phí xây dựng. Đây cũng là cây cầu đầu tiên ở Việt Nam tiến hành đúc hẫng nhịp dài tới 153m (các cầu trước chỉ 120m).
Còn theo ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Ban QLDA 6, công trình cầu Cửa Hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ là công trình cầu lớn thứ 4 nối đôi bờ sông Lam, mà còn thể hiện tình đoàn kết, chung sức của chính quyền, nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
“Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách T.Ư còn hạn chế, trước đòi hỏi cấp thiết của dự án, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã bố trí 500 tỷ đồng, trích từ ngân sách để cùng thực hiện đầu tư dự án. Quá trình thi công, các cấp chính quyền và nhân dân hai tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ trong công tác GPMB, nhường đất, dời nhà, tạo điều kiện cho nhà thầu mượn đường công vụ… Đây đều là những yếu tố quan trọng, quyết định tới tiến độ về đích của dự án”, ông Long nhấn mạnh.
Nghe tin cầu Cửa Hội hoàn thành, ông Lương Đình Tương (62 tuổi, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) chạy xe máy gần 20km để được tận tay sờ, tận mắt ngắm cây cầu.
“Nhà tôi ở Nghi Lộc nhưng anh em nội ngoại đều ở xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Trước đây, mỗi lần về quê, tôi phải chạy xe máy lên QL1, qua cầu Bến Thủy 1 rồi mới vòng xuống đường ven biển. Giờ có cầu Cửa Hội thì nhanh rồi, đỡ được hàng chục km”, ông Tương phấn khởi.
Một số người dân cho hay, hai phía Nghệ An và Hà Tĩnh đều có cảng cá. Nhiều hôm tàu vào, muốn mua ít cá sang bờ bên kia bán, ngư dân chỉ có nước mạo hiểm chèo đò qua khúc sông nơi cửa biển. Giờ thì khác rồi, tàu vào, tích tắc hải sản đã ở bờ bên kia sông.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết, cầu Cửa Hội góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua Nghệ An và Hà Tĩnh, kết nối với QL8A, QL1 và giảm tải giao thông cho QL1.
Nghi Xuân có 32km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp như: Xuân Thành, Cương Gián, Xuân Liên… Đây cũng là quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân Nguyễn Công Trứ, bậc thầy phong thủy Tả Ao.
Trong đề án xây dựng khu đô thị, tiến tới là TP phía Bắc Hà Tĩnh, Nghi Xuân đã quy hoạch các khu đô thị ven biển, khu du lịch, làng nghề, khu nông nghiệp chất lượng cao, khu công nghiệp…
“Cầu Cửa Hội sẽ đánh thức tiềm năng vốn có của địa phương, thu hút các nhà đầu tư xây dựng một thành phố di sản. Trong đó lấy yếu tố văn hóa làm cốt lõi, ngành du lịch và dịch vụ làm mũi nhọn. Những vùng phụ cận còn lại sẽ tập trung cho phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao và công nghiệp.
Ngoài ra, cầu Cửa Hội cũng sẽ kết nối vùng Nam Nghệ An với Bắc Hà Tĩnh, như kết nối cảng Cửa Lò, cảng biển quốc tế Vissai, cảng DKC và các Khu du lịch Cửa Lò, Bãi Lữ, FLC với khu du lịch bãi biển Xuân Thành… tạo nên một vùng phát triển Nam Nghệ – Bắc Hà mà Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định quy hoạch”, ông Nam nói.
Công trình cầu Cửa Hội khởi công ngày 15/2/2019 với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trái phiếu Chính phủ 450 tỷ đồng cùng 500 tỷ đồng vốn ngân sách hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Dự án có tổng chiều dài 5,27km, phần cầu dài 1.728,65m; bề rộng cầu nhịp chính 18,5m, bề rộng cầu dẫn 16m. Cầu do Ban QLDA6, Bộ GTVT làm đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công là Liên danh Công ty TNHH TM&XD Trung Chính – Công ty CP 473 – Công ty CP Xây dựng Tân Nam; Liên danh Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 – Công ty CP Phát triển XD&TM Thuận An.