Câu chuyện tinh giản biên chế và chỉ đạo dứt khoát của Thủ tướng

Thế Khoa 27/08/2019 17:48

Tinh giản biên chế thời gian qua vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, dù đã được “mổ xẻ” nhiều, giải pháp đưa ra không phải là ít, nhưng vẫn chưa chạm được tới đích. Quả là đáng lo lắng khi mà nguồn ngân sách nhà nước ngày càng eo hẹp, từng đồng thuế đóng góp từ mồ hôi nước mắt của dân đang phải cõng những suất biên chế dư thừa.

CP161029
Thủ tướng phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2020 là 253.517 người

Theo Bộ Nội vụ, năm 2018, cả nước tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014 được 40.500 người. Trong số đó có 86,3% hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi, 13,5% thôi việc ngay; 0,1% chuyển sang khu vực không hưởng lương ngân sách và 0,07% nghỉ đi học. Con số tinh giản đã nhỏ giọt rồi mà điều đáng bàn việc tinh giản biên chế mới chủ yếu là đối tượng về hưu trước tuổi, chưa tinh giản được đối tượng không bảo đảm yêu cầu công việc ra khỏi bộ máy. Dù con số tinh giản biên chế ở trên là nhiều nhưng chưa thực chất, điều mà người dân mong muốn là loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” thì vẫn chưa làm được và mục tiêu tinh giản biên chế 10% vào năm 2021 sẽ là thách thức lớn.

Trên thực tế, để thực hiện được tinh giản biên chế không phải là dễ, mà như lời ông Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia nói rằng “tinh giản biên chế có trăm mối của sự khó làm bởi động chạm đến con người và lợi ích; động đến anh đến tôi; là vướng trên vướng dưới”. Đó cũng là lý do vì sao giải pháp, nhiệm vụ tinh giản bao năm qua đã được đặt ra nhưng vẫn chưa chạm được tới đích.

Chính vì vậy, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính và biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2020 với tổng số 253.517. Trong đó, cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 108.368 biên chế; Cơ quan, tổ chức hành chính thuộc HĐND, UBND cấp tỉnh, huyện 142.767 biên chế; Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.068 biên chế; Tổng biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế; Công chức dự phòng là 628 biên chế.

Có thể thấy, hành động chốt, đưa ra từng con số cụ thể, yêu cầu nhiệm vụ cho từng cơ quan, tổ chức, địa phương của người đứng đầu Chính phủ là thể hiện quyết tâm cao trong việc ngăn chặn tình trạng tăng biên chế không kiểm soát trong thời gian qua. Có lẽ, thời gian tới, công tác đánh giá cán bộ, công chức sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch, việc cắt giảm sẽ đi vào thực chất hơn.

Nhiều lần, Thủ tướng đã nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi công chức phải làm mới bản thân mình theo hướng nâng cao trình độ kỹ năng và trên hết mỗi vị trí phải làm việc hiệu quả tối đa.

Nên nhớ rằng, một Chính phủ kiến tạo, phục vụ không thể có người dư thừa!

Thế Khoa

Đọc nhiều