Câu chuyện cơ chế nhìn từ vụ bác sĩ Tuấn “tim”

Công Luân 19/04/2023 06:48

Những ngày gần đây, thông tin về vụ xét xử bị cáo Nguyễn Quang Tuấn – cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nôị gây xôn xao dư luận. Nhất là hình ảnh gầy rộc với mái tóc bạc trắng của ông Tuấn khiến rất nhiều đồng cảm. Bởi vậy đã có một luồng ý kiến cho rằng ông Tuấn là “nạn nhân của cơ chế”. Tuy nhiên…

Ông Nguyễn Quang Tuấn

Theo cáo trạng, giai đoạn 2016 – 2017, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 5 năm 2016 tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi 223 mặt hàng, có trị giá hơn 247 tỷ đồng; 4 gói thầu năm 2017 được áp dụng theo hình thức chỉ định thầu rút gọn mua 538 mặt hàng, trị giá trên 347 tỷ đồng.

Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch của các Công ty Hoàng Nga và Kim Hòa Phát, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn chỉ đạo nhóm cán bộ của Bệnh viện Tim Hà Nội can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Nhóm ông Tuấn thông đồng với nhóm đại diện hai doanh nghiệp này để “dàn xếp” từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại, số lượng vật tư khác mà các doanh nghiệp sẽ bán cho Bệnh viện Tim.Hành vi thông thầu đã gây thiệt hại gần 54 tỷ đồng.

Trước tòa, luật sư của bị cáo Nguyễn Quang Tuấn bào chữa rằng, cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nôị vượt rào để cứu sống bệnh nhân vỡ tim. Và chính bản thân ông Tuấn bị rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nếu không làm trái quy định thì bệnh viện sẽ đóng cửa. Với sự nghiệp và danh tiếng đã gầy dựng cộng thêm lời bào chữa của luật sư, tất cả sẽ rất tuyệt vời nếu như ông Tuấn không nhận 10.000 USD tiền cảm ơn từ hai doanh nghiệp đấu thầu. Và nếu như vậy thì câu chuyện xét xử đã ở chiều hướng khác.

Trên một phương diện khác, ông Tuấn không phải là mới thực hiện nhiệm vụ quản lý. Căn cứ vào thông tin được công bố rộng rãi thì ông ấy có tới 10 năm làm giám đốc tính tới thời điểm bị bắt. Có nghĩa không phải là một người giỏi chuyên môn mà được điều sang tay ngang làm quản lý. Cũng không phải là thiếu kinh nghiệm quản lý dẫn đến làm trái quy định.

Chính vì thế, xét theo 2 khía cạnh trên thì việc đổ lỗi cho cơ chế khiến đất nước mất đi một người tài giỏi trăm năm có một là khiêng cưỡng. Bởi thực tế cho đến thời điểm hiện tại kể từ khi ông Tuấn bị bắt các cơ quan y tế cũng chưa từng phải bó tay trước bất cứ ca mổ tim nào. Thứ nữa, nếu xét về công và tội thì cần phải rạch ròi. Không thể lấy cái tốt để xóa nhòa và bào chữa cho những cái xấu. Cũng như không thể nói một người có 10 năm quản lý lại bị chính 2 chữ quản lý đưa vào tù tội.

“Vượt rào” thời nào cũng có, nhưng mục đích thì khác nhau. Có những lãnh đạo “vượt rào” được ghi danh thiên thu nhưng cũng có những người bước vào tù tội. Cái ranh giới giữa lợi ích chung và lợi ích riêng nó rất mỏng manh. Chính vì vậy, bản thân người làm lãnh đạo một khi có ý định “vượt rào” thì cũng đã phải có đủ bản lĩnh về chính trị và phẩm chất. Có nghĩa là đủ kiến thức để bảo vệ mình trước những quy định của pháp luật và để bản thân không bị cám dỗ bởi những viên đạn bọc đường. Nếu vi phạm pháp luật mà không hề có dấu hiệu tư lợi cá nhân tin chắc rằng không ai mà dám xét xử!

Đúng là Việt Nam chưa có một quy chế rõ ràng về việc bảo vệ cho cán bộ dám nghĩ dám làm. Nhưng không có nghĩa là bất cứ cái gì cũng đổ lỗi cho cơ chế. Và cũng là lúc nên có một bộ luật giúp cán bộ dám nghĩ dám làm. Một tín hiệu đáng mừng là vừa qua trước cú sốc kinh tế, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã xin thí điểm và thực hiện một số vấn đề, trong đó có việc vận dụng Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm… Đây sẽ là một trong những văn bản pháp lý đầu tiên giúp cho nỗi oan “cơ chế” được xóa bỏ. Và cũng là để những cán bộ đã và đang sai phạm không vin vào lý do cơ chế để phạm tội.

Công Luân

Đọc nhiều