8
category
335694

Cát Linh-Hà Đông: Công nghệ Trung Quốc, chất lượng châu Âu?

30/11/2019 21:23

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc nhưng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương thích với tiêu chuẩn của châu Âu.

Ngày 29/11, tại hội nghị An toàn giao thông toàn quốc năm 2019, Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, theo đánh giá của tư vấn thẩm định của Pháp, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc nhưng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương thích với tiêu chuẩn của châu Âu.

Theo ông Trường, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến đưa vào vận hành thương mại từ cuối năm 2019, sau khi Bộ GTVT nghiệm thu sẽ bàn giao cho công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) vận hành khai thác.

Trước khi đưa vào khai thác, dự án phải được đánh giá chứng nhận an toàn. Tư vấn Pháp sẽ thực hiện và cơ bản đánh giá theo đúng tiêu chuẩn thế giới đã cam kết, bao gồm quy trình vận hành và bảo dưỡng, các kịch bản vận hành, biểu đồ chạy tàu, quy trình xử lý sự cố, nhiệm vụ các chức danh…

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông

“Việc quản lý vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông theo đúng tiêu chuẩn thế giới đảm bảo rằng tuyến vận hành an toàn ở mức độ rất cao do các tiêu chuẩn này đã được kiểm nghiệm rất lâu dài tại các nước có hệ thống đường sắt phát triển, chứng minh tính chính xác của tiêu chuẩn”,tờ VietNamnet dẫn lời ông Trường cho hay.

Ông Trường cũng nói thêm, sau thời gian vận hành thử toàn hệ thống, về cơ bản nhân sự Việt Nam đã đáp ứng các công việc được giao, trực tiếp vận hành 11 chuyên ngành, các chuyên gia nước ngoài chỉ giám sát.

“Lúc đầu cũng có chút lo lắng, nhưng qua thực tế vận hành thử chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận vận hành”, ông Trường nói.

Đây là thông tin khá bất ngờ bởi chỉ cách đó hai tháng, khi làm việc với Tổng thầu phía Trung Quốc và Bộ GTVT, tư vấn Pháp chỉ ra vướng mắc nằm ở việc thiếu hồ sơ, hồ sơ chưa đầy đủ và xem đây là nguyên nhân để mất thêm nửa năm hoặc lâu hơn nữa mới đưa được tuyến đường vào vận hành thương mại.

Cụ thể tư vấn Pháp chỉ rõ: “Dự án không bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng, không đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và không đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định”.

Ngoài ra, phía Bộ GTVT cũng thừa nhận, dự án chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu…

Về các thiết bị đã lắp đặt, Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp được đầy đủ các chứng chỉ, hồ sơ… để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống; chưa hoàn thành đề cương vận hành chạy thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy tử (thông tin tín hiệu, hệ thống bán vé…) để đồng bộ hóa làm cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.

Chưa hết, cùng với những vướng mắc về mặt kỹ thuật, thủ tục hồ sơ thì ngành đường sắt được cho là còn phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân sự.

Một thông tin được Chủ tịch UBND TP Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung tiết lộ khiến nhiều người lo ngại, theo đó, ông Chung cho biết khoảng 28% trong gần 1.000 nhân viên được đào tạo để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã bỏ việc vì dự án chưa thể hoạt động.

Mặc dù ngành đường sắt giải thích, số lao động đã nghỉ việc đều là những lao động phổ thông, đơn giản và đã được tuyển bổ sung nhưng thông tin vẫn chưa thể khiến dư luận yên tâm.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được khởi công tháng 10/2011 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2014, một năm sau chính thức khai thác, tuy nhiên sau đó dự án lùi tiến độ vận hành đến tháng 6/2016, rồi tiếp tục lùi đến cuối năm 2016, cuối quý 2/2017. Sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng), dự án lùi đến tháng 10/2017, rồi đến tháng 2/2018, cuối năm 2018.

Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019 nhưng tiếp tục lỡ hẹn.

Mới đây, sau nhiều lần thị sát, chỉ đạo Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan sớm khắc phục các vướng mắc, đưa dự án vào khác thác trong năm nay.

An An/Đất Việt

Đọc nhiều