127982
category
512350

Cấp cứu đột quỵ: 10 ngày rung chuyển… Bạch Mai

20/04/2021 06:57

Cách đây đúng một thế kỷ, nhà báo – nhà văn Mỹ John Reed viết cuốn “10 ngày rung chuyển thế giới”, nay tôi xin mượn ý tựa đề này viết về 10 ngày cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai vừa qua của tôi.

Tôi từ TP.HCM ra Hà Nội công tác, rồi đi Hà Giang cùng một lớp sinh viên Trường CĐ Du lịch Hà Nội, thì đột nhiên bị choáng và tê dần tay chân bên trái… Nhưng vào ngày cuối của chuyến đi nên tôi quyết định đi cùng xe đoàn về trong ngày, đến cuối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai thì bỏ xe đoàn sang xe taxi trực chỉ Trung tâm Đột quỵ (TTĐQ) – Bệnh viện Bạch Mai (đường Giải Phóng, Hà Nội) để cấp cứu, vì khi “có bệnh thì vái tứ phương”.

10 ngày rung chuyển… tôi

Theo mách bảo của ông bạn tôi là Tạ Quang Ngọc – nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản, thì ở Hà Nội “Ngoại nhất Việt Đức, nội nhất Bạch Mai”. Cũng theo bạn tôi thì: “Đã bị đột quỵ thì chỉ có đến Bệnh viện Bạch Mai là tốt nhất, yên tâm nhất, vì nơi đây có các bác sĩ cấp cứu đột quỵ và được đầu tư máy móc không đâu bằng”.

(gop) 10 ngày rung chuyển... Bạch Mai - Ảnh 1.
Bác sĩ thăm khám cho nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: N.V

Sự yên tâm của tôi bắt đầu xuất hiện sau khi thấy tôi không bị nằm khu cấp cứu A9 (nơi cách nhà xác vài bước chân) và lập tức xuất hiện ở thái độ đón bệnh nhân của mọi người ngay khi xe taxi chở tôi được hướng dẫn chạy gấp vào trong cổng. Ngay lập tức một anh bảo vệ chạy ra đỡ tôi xuống xe, dìu vào băng ca, đẩy vào phòng cấp cứu. Các bác sĩ và các điều dưỡng viên cũng lao ra đỡ tôi, rồi làm mọi biện pháp cấp cứu ngay. Sau khi có kết quả các xét nghiệm, với một cuộc hội chẩn nhanh chóng, các bác sĩ Việt, Trung với vẻ mặt ít nhiều lo lắng, đã đưa tôi vào nằm phòng bệnh nhân điều trị, dù tôi – kẻ sợ nằm bệnh viện nhất trên đời, nằng nặc xin về vì tôi đã mua vé máy bay để chiều hôm sau về nhà ở TP.HCM.

“Anh bị phù não, may mà đã cứu kịp, và may mắn là anh đã vượt qua 3 giờ đầu tiên nguy hiểm nhất” – các bác sĩ bảo tôi, bằng một giọng rất trách nhiệm và chuyên môn khiến tôi rút lại ý định đòi về nhà và ngoan ngoãn nằm im cho các điều dưỡng viên đẩy xe lên phòng bệnh.

Khi tôi nằm giường bệnh có hơi nghiêng ra mép giường, qua camera, các cô điều dưỡng “ăn trái cây thay cơm” ấy phát hiện ra ngay và dù nửa đêm cũng hai lần chạy xuống sửa lại thế nằm cho tôi. Chứng tỏ đôi mắt các cô trực tỉnh táo suốt đêm không chợp mắt.

Và thế là 10 ngày cấp cứu và điều trị tai biến của tôi tại Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu.

Người ta có câu: “Bói ra ma, quét nhà ra rác” quả không sai. Nhân bảo như thần bảo, đã đi khám bệnh là thế nào cũng tìm ra vài bệnh nữa mà muốn giấu các bác sĩ cũng không được. Tôi bị phát hiện thêm nhiều thứ bệnh mà bệnh nào cũng có nguy cơ “không chết cũng bị thương”, và các bác sĩ cũng cho điều trị luôn…

Với thói quen nghề nghiệp, tôi thường hay quan sát các bác sĩ và các điều dưỡng viên, thực tập sinh ở TTĐQ. Nếu tất cả những bác sĩ trẻ trung đẹp trai và thư sinh cùng các nữ điều dưỡng viên, thực tập sinh xinh đẹp nơi đây không mặc đồng phục y tế, có thể nhiều người sẽ tưởng họ là thành viên của một CLB công nghệ thông tin hay thời trang nào đó. Và đã có lúc tôi ngỡ trường y tuyển điều dưỡng viên phải có cả tiêu chuẩn… ngoại hình.

Nhưng đây lại là nơi phải điều trị 90% là bệnh nhân cao tuổi, song đội ngũ bác sĩ điều dưỡng rất trẻ, chắc người lớn tuổi nhất chỉ trên dưới 40 là cùng. Thế nhưng đội ngũ này có đến 10 bác sĩ, trong đó có cả các PGS, TS, bác sĩ chuyên khoa 2, có khoảng 30 điều dưỡng viên qua các lớp đại học và cao đẳng y tế. Đó là đội ngũ tinh nhuệ mới được tách ra từ khoa cấp cứu của bệnh viện, tuổi đời của TTĐQ mới 4 tháng, hoạt động theo phương thức “vừa chạy vừa xếp hàng”, vừa hoạt động tốt khâu chuyên môn cứu chữa bệnh nhân đột quỵ, vừa học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, vừa sắp xếp bộ máy, tự chủ tài chính, vừa hoàn thiện quy trình công việc, chăm lo đời sống nhân viên.

Những người tôi trân quý

(gop) 10 ngày rung chuyển... Bạch Mai - Ảnh 3.

Với đội ngũ còn quá ít ỏi và với TTĐQ mới 4 tháng tuổi của một Bệnh viện Bạch Mai hơn 100 tuổi này, nhất là với một toà nhà cũ kỹ chưa có cả thang máy vừa được sửa sang cải tạo lại để làm nơi cứu chữa mỗi tháng hơn 1.000 bệnh nhân đột quỵ… thì tất cả đang nằm trong triết lý “vạn sự khởi đầu nan”. Các bệnh nhân đều hiểu điều đó và ít ai than vãn kêu ca. Và ai cũng biết: Bệnh viện thì nhiệm vụ các bác sĩ cứu người là nhiệm vụ trên hết. Một điều dưỡng nam đẩy xe đưa tôi đi chụp não tâm sự: Mỗi lần nhân viên điều dưỡng đẩy xe bệnh nhân đi chụp thế này mất cả mấy tiếng, và đã thiếu điều dưỡng càng thiếu thêm. Nhưng khổ nổi, các phòng chụp lúc nào cũng chật cứng các băng ca và xe lăn xếp hàng, dù việc tổ chức cũng đã ổn hơn.

Sau 1 tuần, bệnh tình của tôi đã giảm rất nhanh. Trong thời gian điều trị, tôi được PGS – TS, bác sĩ 45 tuổi Mai Duy Tôn tặng cho cuốn sách gối đầu giường “Đột quỵ não” mà anh là tác giả. Cuốn sách này đã được tái bản 4 lần, chứng tỏ người ta quan tâm đến bệnh đột quỵ – sát thủ giết người số 1 này – như thế nào.

Ở đây, tôi được quản lý chế độ ăn uống chặt chẽ hơn bao giờ hết. Theo chỉ đạo của PGS – TS, bác sĩ Mai Duy Tôn – Giám đốc TTĐQ: “Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì: Tránh đưa thức ăn hoặc nước uống cho người bị đột quỵ não. Bởi vì bệnh nhân đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt. Do đó, cho người bệnh ăn hoặc uống có thể dẫn đến tình trạng nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi”.

Một thay đổi nữa mà tôi tò mò tìm hiểu và nhận ra là việc cho tiền các bác sĩ thật sự là câu chuyện đã lùi vào dĩ vãng. Sau khi tôi gửi tiền cảm ơn thì một bác sĩ vật lý trị liệu dứt khoát không chịu nhận. Còn cô điều dưỡng B.V.A – người từng định thi vào ngành báo chí sau lại chọn ngành điều dưỡng – thì nói đùa, nhiều bệnh nhân ra viện gửi tiền tặng TTĐQ đều không nhận, cao lắm là chỉ nhận giỏ trái cây họ tặng, bọn cháu được ăn trái cây no luôn. Vậy mà khi tôi nằm giường bệnh có hơi nghiêng ra mép giường, qua camera, các cô điều dưỡng “ăn trái cây thay cơm” ấy phát hiện ra ngay và dù nửa đêm cũng hai lần chạy xuống sửa lại thế nằm cho tôi. Chứng tỏ đôi mắt các cô trực tỉnh táo suốt đêm không chợp mắt.

Tôi cũng may mắn có TS – bác sĩ Đào Việt Phương là người điều trị chính. Ngoài sự ân cần và chuyên môn tốt của bác sĩ Phương, tôi còn nhớ mãi lời bác sĩ Phương dặn tôi: “Hãy biết lắng nghe cơ thể mình”. Đúng từng chữ một. Bao năm nay tôi lao vào công việc, chưa hiểu rõ cơ thể mình và bệnh tật của mình, nhất là nguy cơ bị đột quỵ mà những người trẻ cũng có thể mắc phải chứ không chỉ là ở người lớn tuổi.

Bác sĩ T.D.Y – người khởi đầu sự nghiệp và về nghỉ hưu cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, có chồng và con gái cũng làm bác sĩ tại bệnh viện này, khi đến thăm tôi, mỗi câu nói đều như có niềm tự hào khi được cống hiến tại đây.

Còn T.T.D, một cô bạn đồng nghiệp (công tác tại Đài PTTH Hà Nội) nói với tôi: Ai đã chính mình hoặc có người nhà vào nằm Bệnh viện Bạch Mai điều trị, thì chỉ có thể gọi các bác sĩ và điều dưỡng viên ở đây bằng hai từ: Ân nhân.

Và tôi xin kết thúc bài viết này bằng tâm sự của vợ tôi: “Hơn 10 ngày nuôi bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai tôi có nhiều trải nghiệm sâu sắc và hiểu rằng: Tôi thương quý tập thể bác sĩ và điều dưỡng viên Bệnh viện Bạch Mai không phải vì đã điều trị bệnh tình cho chồng tôi mà vì có quá nhiều thứ “trải nghiệm”. Về rồi, tôi bỗng thấy… nhơ nhớ giọng Bắc thiệt ngọt ngào của những bác sĩ, điều dưỡng, những kỹ thuật viên… hầu hết đều còn rất trẻ ở TTĐQ. Và tôi thấy những bước đi của bệnh viện Bạch Mai dần rõ ràng hơn. Trong nhiều vấn đề của y tế công cần cải thiện, khi khám bệnh thông thường tôi hay chọn dịch vụ, nhưng khi có bệnh thật sự mình chỉ có thể tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống y tế công, những bác sĩ giỏi giang của các bệnh viện tuyến đầu, tuyến cuối”.

Huỳnh Dũng Nhân

Đọc nhiều