Cao trào “trưởng thôn ăn tiền lũ của người dân”
“Trước đây, hộ bà Hoàng Thị Phước, thôn Trung Minh thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Quảng Châu. Nhà chỉ có vài sào ruộng, chồng mất sớm, một mình phải gồng gánh nuôi 4 đứa con nên gia đình bà Phước nhiều năm thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Vì nghèo, toàn bộ các con của bà Phước đều học xong cấp 3 là nghỉ học để kiếm kế sinh nhai.
Tuy nhiên, do cơ hội việc làm ở địa phương không nhiều, Đàm Quang Tính (con trai đầu của bà Phước) quyết định vào tận miền Nam làm thuê. Khác với người anh cả, sau khi học xong cấp 3, Đàm Minh Hiền (con trai thứ 3) lấy vợ rồi táo bạo bàn với mẹ thế chấp toàn bộ tài sản để hai vợ chồng cùng tham gia xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Tài sản gia đình thế chấp không đủ, Hiền nhờ mẹ vay mượn thêm…
Bà Phước tâm sự: “Nhờ chí thú làm ăn và khéo tiết kiệm, chỉ hơn một năm sau, hai vợ chồng Hiền đã trả hết tiền vay ngân hàng. Không những thế, vợ chồng Hiền còn tạo điều kiện giúp cho vợ chồng anh trai Đàm Đức Hạnh (con thứ 2) và vợ chồng Đàm Thái Hòa (em út) cùng sang lao động ở Đài Loan.
Gia đình bà Phước là một minh chứng điển hình cho hàng trăm trường hợp ở huyện Quảng Trạch nhờ tham gia xuất khẩu lao động mà trở nên khá giả trong những năm gần đây.”
Đó là một đoạn trong bài viết “Quảng Trạch: Tạo đột phá trong xuất khẩu lao động”, đăng vào đầu tháng 3/2019 trên báo Quảng Bình.
Bài báo trên còn có đoạn mở đầu trịnh trọng: “Xác định xuất khẩu lao động là động lực quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển…, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các địa phương ở huyện Quảng Trạch đã vào cuộc rất tích cực, tạo nhiều đột phá trong công tác xuất khẩu lao động”.
Quảng Trạch chính là huyện có xã Cảnh Hóa, thôn Ngoạ Cương mà hai ngày nay đột nhiên vang danh trên báo chí và truyền thông xã hội Việt Nam.
Xã Cảnh Hóa là xã thuộc khu vực III theo quyết định của thủ tướng chính phủ. Con số này nêu ra các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên, đường trục chính chưa phải là đường nhựa hay đường bê tông, chưa có trường học bất cứ cấp nào đạt chuẩn quốc gia, 20% số hộ trở lên chưa có nước sinh hoạt sạch, 40% số hộ trở lên chưa có nhà vệ sinh đúng chuẩn của Bộ Y tế.
Phải chọn con đường xuất khẩu lao động, nói trắng ra là bán sức làm thuê tay chân ở nước ngoài để thoát đói nghèo là động lực quan trọng để giải quyết việc làm, chứng tỏ vùng này không có gì ngoài vất vả.
Trong trích dẫn ở đầu bài, bà Hoàng Thị Phước chồng mất sớm, có 4 đứa con ly hương cả 4. Trong khi chờ các con gom nhặt thêm tiền từ việc lao động ở nước ngoài, bà sống một mình tại quê.
Sống một mình tại quê không giống với sống một mình ở thành phố. Ở thành phố hàng xóm không biết mặt biết tên nhau là bình thường, nhưng ở quê, một thôn hay một xóm có khi chỉ gồm vài dòng họ. Gia đình này là họ hàng của gia đình kia, quan hệ chằng chịt nhiều đời. Bà Phước vắng chồng con, nhưng vẫn còn anh chị em, cháu chắt chung quanh để nương tựa. Nếu không, như truyền thống người Việt, chắc chắn một trong những người con của bà còn ở lại Việt Nam sẽ đón bà về ở cùng để chăm sóc lẫn nhau.
Mối liên hệ làng xóm chặt chẽ này, người sinh ra và lớn lên tại thành phố khó có thể hiểu.
Sống ở nông thôn, ai cũng phải biết câu “tối lửa tắt đèn” “tình làng nghĩa xóm”. Nhà cửa ở nông thôn không phải là một pháo đài kín mít như thành phố mà thông thống, các nguồn sinh nhai phổ biến như gia súc gia cầm và nông sản cũng lộ thiên ngoài trời. Đến mùa, hầu như cả xóm, cả thôn đều cả ngày ngoài đồng, trong nhà chỉ còn trẻ con hay ông bà già. Cho nên mỗi nhà đều có ý thức trông nom, nhìn ngó, canh giữ cho nhau để đảm bảo an ninh chung. Nếu không thế, trộm cắp vào được một nhà thì tha cả làng.
Ai từng vào một thôn xóm nông thôn Việt Nam cũng rõ, người lạ mặt mới bước chân đầu làng thì cuối làng đã biết, đi đến đâu lập tức hàng chục hàng trăm ánh mắt đưa theo từng bước. Chưa kể sẽ có ngay ông chú bà thím nào đấy cất giọng hỏi liền người lạ từ đâu đến, muốn tìm ai, có việc gì. Có thể nói ở nông thôn, mỗi ngôi nhà đều là một chốt canh an ninh chung, mỗi người dân đều là một dân phòng tự nguyện.
Bên cạnh đó, làm nông không phải là công việc độc lập. Nó mất sức, cần có nhiều người cùng nhau làm mới kịp với thời tiết và mùa vụ. Khái niệm “đổi công”, “vần công” giờ đây xa lạ trong ngôn ngữ xã hội Việt Nam, nhưng đó vẫn là một nền tảng vận hành mô hình kinh tế lúa nước nhỏ lẻ ở các vùng nông thôn nghèo, đất ruộng ít không bõ chạy máy, và cũng không đủ tiền để chạy máy.
Sự ràng buộc họ hàng cộng với đặc trưng kinh tế nhiều đời góp phần tạo nên văn hóa đặc biệt ở vùng quê. Thâm tâm có thể không ưa nhau nhưng bên ngoài, ai cũng phải nhân nhượng và nhìn nhau mà sống thuận hòa, hoặc chí ít, không quá tách biệt. Tính cá nhân ở thôn quê không được đề cao, mà là tính tập thể. Sống ở quê mà không hòa hợp, chẳng chóng thì chầy sẽ bị tẩy chay ngầm hoặc công khai. Sự trừng phạt này ghê gớm không khác gì việc một tín đồ Thiên chúa bị rút phép thông công. Hoặc bán nhà đi hẳn nơi khác mà sống, hoặc, xin lỗi, thay đổi cách sống và mong dân làng chấp nhận.
Ở miền Trung thiên tai thường xuyên, luồng di cư ly hương lớn nhất cả nước, người ở lại cùng một xóm, một thôn càng hiểu sâu đạo lý này.
Khi con cái bỏ xứ đi làm xa hết, cha mẹ già ở quê cần dựa rất nhiều vào làng xóm. Nếu không, nước lụt lút làng ai là người đến kê giường, chạy heo gà lên tra? Ai giúp gặt hái, cất thóc, phơi thóc? Ai đưa thuyền đến cứu? Ai san sẻ miếng cơm manh áo? Ai vô vườn tỉa nhánh, leo nóc nhà đằn mái chống bão gió? Mái nhà bị trốc bay, con cái đi làm thuê Sài Gòn, Hà Nội, xuất khẩu lao động nước ngoài có về kịp để lợp lại? Nửa đêm đau bệnh, ai là người nấu cháo, mua thuốc, đưa đi cấp cứu? Nhà có tang ma giỗ chạp cưới hỏi, lạnh lùng với làng xóm thì ai đến chung vui chia buồn?
Hỏi, đã là trả lời.
Đây là vài hình ảnh trong Group Ngọa Cương-Lò Độc. Nhờ có 3G, wifi và facebook, người làng dù xa dù gần dễ dàng liên lạc, nắm tình hình và giúp đỡ nhau mau chóng.
Xem ảnh đủ biết sự tương trợ ở Ngọa Cương là tự nhiên và gắn bó ra sao.
Quay lại việc 69 suất quà cứu trợ bằng tiền mặt, 6 triệu đồng/suất mà ca sĩ Thủy Tiên phát cho người dân thôn Ngọa Cương, sau đó ban cấp phát thôn thu lại.
Thêm thái độ dọa dẫm của cô Thủy Tiên khi live stream “Không ăn được một đồng đâu… Tới số với chị”, báo chí và mạng xã hội khắp nơi ào ào mắng trưởng thôn Ngọa Cương, thậm chí ví von với cường hào ác bá.
Ngay lập tức, huyện Quảng Trạch yêu cầu trả lại tiền cho các hộ đã nhận. Uy tín của cô Tiên càng dâng cao như nước lũ.
Nhưng, nhiều người dân ở chính thôn Ngọa Cương không vui vẻ như vậy. Họ cho hay do thôn ở gần sông, thường thường có lũ lụt và được cứu trợ nên từ nhiều năm nay người dân đã tự thỏa thuận với nhau, khi đoàn cứu trợ tới nếu tặng hàng hóa cho ai thì người ấy nhận. Nếu tặng tiền thì giao lại cho Ban cấp phát, để cuối tất cả đợt cứu trợ toàn thôn sẽ họp lại, căn cứ vào mức độ thiệt hại và hoàn cảnh của mỗi gia đình để chia lại số tiền đó.
Cơ sở để người dân đồng tình là, quà tặng của các đoàn rất khác nhau về số lượng, thôn 150 gia đình nhưng ví dụ nhóm của ca sĩ Thủy Tiên chỉ phát cho 69 hộ bị ngập nước từ 1 m trở lên. Các đoàn cứu trợ khác cũng tương tự. Sẽ có đoàn chủ yếu phát cho người già, phát cho phụ nữ, phát cho học sinh… Số tiền mọi năm cũng không quá lớn, thường thường ở mức 500.000 đ/hộ là tối đa.
Nhưng các hộ không bị ngập nước, có nhà cửa vững chắc hơn thì chính họ lại dùng nhà mình làm nơi tránh lũ tập thể cho bà con, thậm chí bỏ lương thực thực phẩm trong nhà ra nấu ăn cho những người tránh lũ. Do vậy họ cũng cần được bù đắp. Đó là sự công bằng, tính đến công sức cùng nhau của tất cả mọi người khi lụt bão. Nó không phải sự cào bằng thô thiển, và nó phù hợp hài hòa với cách sống ở thôn quê.
Nếu gia đình nào đó muốn giữ lại số tiền cho riêng mình, thì sau khi tổng kết toàn bộ đợt cứu trợ họ cũng sẽ không được nhận phần chia sẻ từ các gia đình khác. Quan trọng hơn, miếng ngọt không chia thì miếng đắng họ cũng sẽ phải ngậm một mình. Họ sẽ không được ai giúp đỡ khi cần.
Đó là luật ở làng. Nó phù hợp với những quần cư nhỏ, có phần tách biệt và có nhiều nền tảng quan trọng chung trong cuộc sống. Nó là một dạng hương ước, có thể so sánh với nội quy của Chung cư, hay của một doanh nghiệp vậy. Có thể ở nơi khác nó bị chê cười, nhưng tại nơi nó sinh ra, khi đã được số đông đồng thuận thì nó trở thành luật. Kẻ nào phá vỡ nó sẽ có những chế tài.
Công ty tôi còn có quy định mặc quần short đi làm vào thứ bảy. Mục đích là tạo không khí thoải mái khi phải làm việc cuối tuần. Không ai phản đối hết-hầu hết là thanh niên và làm việc trong môi trường sáng tạo nên càng thích phá cách. Tất nhiên có những người mặc khác- sao đây cũng không liên quan đến lợi ích, nên không tuân thủ cũng không sao cả.
Ở Vingroup, có những nội quy buộc nhân viên phải dùng xe máy hay xe hơi của công ty, nếu không sẽ không được giữ xe miễn phí.
Ở làng, ông trưởng thôn cũng chẳng phải quyền to chức trọng gì. Thực ra ông ta là cái dùi-ở trên gõ xuống, ở dưới đội lên. Ông không được tính là công chức viên chức để hưởng lương. Ông chỉ là người do dân tại chỗ bầu ra để thay mặt họ đốc thúc thực hiện các quy định chung.
Dân miền Trung vốn nổi tiếng ngang ngạnh, ưa lý sự, thẳng thắn đến mức thô kệch. Với bản tính đó, với sự thuận tiện của mạng xã hội hiện tại mà một ông trưởng thôn nho nhỏ có thể “đè đầu” 150 hộ dân cả thôn cộng với hàng trăm người con ly hương từng trải và hiểu biết, chỉ e là chuyện nằm mơ.
Rất tiếc, trong sự lên đồng của một nhóm to người xài facebook Việt Nam, do quá sợ hãi sẽ bị buộc tội “ăn không thiếu của dân cái gì”, chính quyền huyện Quảng Trạch đã vội vã xử lý cực kỳ dân túy.
Mong rằng việc làm nóng vội và non nớt này sẽ không châm ngòi bất hòa ở một làng quê nho nhỏ và yên bình. Càng thêm vô cùng mong nó sẽ không tạo thành tiền lệ xấu nơi những làng quê khác, khi hành trình của cô “Tiên lụt” vẫn đang kéo dài chưa biết ngày kết thúc.
Trần Trung
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả