Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai có 4 mũi thi công cầu và 6 mũi thi công đường. Tất cả đều trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ.
Gói thầu số 4 dài 16 km đi qua thành phố Long Khánh và các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất của tỉnh Đồng Nai. Gói thầu được thi công đầu năm 2021, thuộc một trong 4 gói thầu xây dựng toàn tuyến dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, tổng chiều dài 99 km đi qua tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Tổng mức đầu tư toàn dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây hơn 12.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.
Chủ đầu tư gói thầu số 4 là Ban quản lý dự án Thăng Long, nhà thầu thi công là Liên danh Tổng công ty Thăng Long và Tổng Công ty Xây dựng cao tốc giao thông 6. Trong ảnh là công nhân đang gia cố nền cao tốc, đoạn gần điểm đầu gói thầu thứ 4 qua địa bàn thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Đại diện đơn vị thi công cho biết phần nền cao tốc trong toàn gói được triển khai khá chủ động trên cơ sở nguồn nguyên vật liệu đã có. Cấu trúc địa chất vùng cao tốc đi qua được đánh giá khá vững, ít lún.
Anh Quyết, nhân viên kỹ thuật, đang kiểm tra cao độ cầu vượt quốc lộ 56 thuộc địa bàn thành phố Long Khánh. Sau đó, công nhân sẽ đổ bê tông mặt cầu đoạn đường này.
Cầu vượt quốc lộ 56 đang được thi công phần mặt cầu, đạt khoảng 80% khối lượng công việc. Nếu điều kiện thuận lợi, khoảng 2 tháng tới, phần xây dựng của hạng mục này hoàn tất để bàn giao cho đơn vị thảm nhựa.
16 km cao tốc thuộc gói thầu số 4 có 4 mũi thi công cầu và 6 mũi thi công đường, tất cả đều trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ.
Các đoạn tuyến cao tốc đang được thi công mặt đường, gia cố xi măng và rải cấp phối đá dăm. Hiện trạng mặt cao tốc đang dần hình thành và kết nối các mũi thi công với nhau.
Mỗi ngày, hàng chục công nhân, kỹ thuật viên duy trì công việc trên công trường. Trang thiết bị, hệ thống máy cơ giới thi công đường cơ bản đảm bảo yêu cầu.
1,1 km đoạn cao tốc thuộc Km 92 qua địa bàn xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, đã được thảm bê tông nhựa. Đây cũng là mũi thi công đạt tiến độ tốt nhất gói theo kế hoạch.
Cầu vượt cao tốc tại Km 91+721 thuộc địa bàn xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, được thi công cơ bản hoàn thành. Sắp tới, cầu sẽ được thảm nhựa và xây lắp thêm một số hạng mục phụ. Toàn gói thầu số 4 có tổng cộng có 10 cầu vượt, tất cả đều đang trong giai đoạn triển khai thi công.
Kinh phí thực hiện gói thầu số 4 khoảng 900 tỷ đồng, hiện đạt khoảng 30% khối lượng công việc, cơ bản đảm bảo yêu cầu tiến độ.
Đơn vị thi công đẩy nhanh tập kết vật liệu xây lắp nền cao tốc tại nhiều đoạn tuyến. Theo đại diện chủ đầu tư, toàn bộ 16 km đường cao tốc thuộc gói thầu số 4 sẽ hoàn thành vào đầu năm 2023.
Cầu vượt cao tốc tại Km 97+450 thuộc địa bàn xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, chưa thể đẩy nhanh thi công vì còn vướng giải phóng mặt bằng mố A1. Đây là một vườn cao su của người dân chưa nhận phương án đền bù.
Điểm cuối cao tốc gói thầu số 4 thuộc xã lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, giao với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện hữu. Đây là một trong 2 nút giao của gói thầu, đang dần triển khai thi công.
Cùng với gói thầu số 4, ba gói thầu còn lại của dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận vẫn đang khẩn trương thi công. Dự án cao tốc có thiết kế mặt đường rộng 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h. Cao tốc dự kiến hoàn thành cuối năm 2022, có vai trò kết nối giao thông liên vùng Đông Nam bộ, tạo động lực để các địa phương đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội.
Trước đó, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã kiểm tra, đôn đốc công tác thi công cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây hồi tháng 2/2022.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, ban quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng dự án và tiết kiệm nhất có thể.
Ngọc Anh