Cao tốc ĐBSCL nỗ lực để về đích

Bích Ngân 16/12/2024 10:45

Chiều 15.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, làm việc, đôn đốc 2 dự án (DA) cao tốc trục ngang và trục dọc tại ĐBSCL, gồm tuyến Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc (An Giang) – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Các bộ ngành, địa phương đang nỗ lực xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc tại ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần linh hoạt thay đổi phương thức thi công chủ động, tích cực hơn, bằng mọi giá phải đưa cao tốc Cần Thơ – Cà Mau về đích đúng tiến độ.

Tại tuyến cao tốc trục dọc, Thủ tướng đi thị sát hiện trường tại 3 nút giao IC3, IC4 và IC5 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thuộc dự án Cần Thơ – Cà Mau; trong đó, IC4 là nút giao giữa 2 tuyến Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc (An Giang) – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Báo cáo với Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết DA đường cao tốc Bắc – Nam phía đông, giai đoạn 2021 – 2025, đoạn Cần Thơ – Cà Mau đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ. Đến giữa tháng 12, dù đã huy động 234 mũi thi công, 3.000 nhân lực, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp, song tiến độ thi công DA cao tốc Cần Thơ – Cà Mau vẫn đang chậm tiến độ so với kế hoạch.

Cụ thể, được khởi công ngày 1.1.2023 và dự kiến hoàn thành vào 31.12.2025, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, đến nay, DA mới chỉ đạt khoảng 94% tiến độ so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là khó khăn về nguồn vật liệu san lấp và đá dăm, cùng với đó là còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Mặc dù đã đạt 100% GPMB tuyến chính, song DA vẫn còn vướng mắc 200 m phạm vi bãi rác thuộc tuyến nối IC2-QL1 (thuộc TP.Cần Thơ), chậm 2 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Trong công tác thi công, tiến độ tổng thể vẫn đang chậm 6% so với kế hoạch, thậm chí một số nhà thầu chậm tiến độ 12 – 14,7%.

Đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (đại diện liên danh nhà thầu) cho rằng khó khăn lớn nhất là nguồn cung cấp vật liệu san lấp vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng; đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang xem xét lại việc công bố giá cát quá cao, gấp 1,4 lần so với mặt bằng chung các địa phương khác để tránh vượt tổng mức đầu tư dự án.

Tương tự, đại diện Tập đoàn Định An, nhà thầu đoạn Hậu Giang – Bạc Liêu dài 39 km, cho biết bên cạnh cát thì đá dăm cũng rất đáng lo ngại. “Vấn đề cốt tử vẫn là vật liệu, sau cuộc họp này mà Đồng Nai không cấp đá dăm cho trục dọc Cần Thơ – Cà Mau thì 100% vật liệu đá sẽ thiếu, không đủ cho giai đoạn sau gia tải triển khai phần móng mặt. Bên cạnh đó là mỏ đá Antraco ở An Giang kết thúc năm nay không hoạt động thì cũng sẽ gây ra tình trạng thiếu trầm trọng ảnh hưởng cả cao tốc trục dọc Cần Thơ – Cà Mau và trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng”, đại diện Tập đoàn Định An nói.

Hiện tại, dù xác định được nguồn cung, nhưng công suất khai thác cát, đá ở các địa phương vẫn còn hạn chế do vướng mắc về thủ tục cấp phép. Trong đó, cát còn thiếu 3,39 triệu m³ để hoàn thành gia tải và công suất mới chỉ đáp ứng 30%; đá dăm còn thiếu 1,8 triệu m³ trong khi cần hoàn thành gia tải vào tháng 12.2024. Riêng việc khai thác cát biển hiện cũng gặp nhiều khó khăn do biển động.

Để đáp ứng tiến độ, Bộ GTVT đề nghị các địa phương, các đơn vị liên quan tập trung, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ cung ứng cho DA.

Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp cần hoàn thành thủ tục tăng trữ lượng khai thác cho các mỏ đã hết hạn, đảm bảo cung ứng 0,476 triệu m³ cát. An Giang nhanh chóng điều chỉnh công suất nạo vét sông Vàm Nao và hoàn thành thủ tục cho phép khai thác trở lại trong tháng 12.2024, cung ứng 0,63 triệu m³ cát. Cùng với đó là sớm khởi động lại mỏ đá Antraco trong tháng 12 này. Tỉnh Tiền Giang khẩn trương hoàn thành thủ tục cấp phép mỏ Bình Đức với trữ lượng 0,6 triệu m³. Tỉnh Vĩnh Long cần tăng công suất 3 mỏ cát từ 1.250 m³/ngày lên 1.660 m³/ngày trong tháng 12.2024. Cuối cùng là Bến Tre hiện đã hoàn thành thủ tục cấp phép 2 mỏ cát với trữ lượng 2 triệu m³.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà thầu tận dụng thời tiết thuận lợi, huy động thiết bị để khai thác cát biển. Riêng về vật liệu đá dăm, hiện mỏ Antraco (An Giang) có trữ lượng, chất lượng tốt nhưng dừng khai thác từ tháng 6.2024. Đến nay, lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết đã rà soát để khởi động lại mỏ, trong cuối tháng 12 này sẽ báo cáo Bộ

TN-MT để triển khai thực hiện. Đối với nguồn đá dăm khu vực tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, các địa phương cũng cần xem xét hỗ trợ nguồn đá cho DA trọng điểm ở miền Tây.

Cho ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mặc dù hiện nay có những khó khăn nhưng nhất quyết không thay đổi tiến độ. Nhiệm kỳ này phải phấn đấu, quyết tâm hoàn thành khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL. Tới ngày 31.12.2025 phải thông toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông (từ Cao Bằng – Lạng Sơn đến Cà Mau). Theo Thủ tướng, đây là yêu cầu của đất nước, trông đợi của nhân dân. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, triển khai đoạn tuyến cao tốc từ TP. Cà Mau tới Đất Mũi (khoảng 80 km); giao Cà Mau triển khai với sự hỗ trợ, bố trí vốn của T.Ư, cố gắng khởi công trong năm tới.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tất cả hệ thống chính trị vào cuộc, nỗ lực làm xuyên tết, xuyên ngày nghỉ, “3 ca 4 kíp”. Các địa phương, đoàn thể, cơ quan cần tích cực hưởng ứng đợt cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.

Các nhà thầu phải chia sẻ với nhà thầu địa phương trên tinh thần hỗ trợ và hợp tác, cùng chiến thắng và cùng phát triển, để thực hiện nhanh cao tốc. Bên cạnh máy móc, những gì làm thủ công, có thể phát huy vai trò thanh niên, các lực lượng vũ trang, quân đội thì huy động hỗ trợ.

Thủ tướng cho biết so với hồi tháng 10, đến nay việc triển khai cao tốc Cà Mau – Cần Thơ đã có nhiều điểm tích cực, tiến độ trên công trường tốt hơn, đặc biệt là các tỉnh đã nỗ lực giải quyết khó khăn về nguyên vật liệu. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề về việc khai thác cát, giá cát ở Tiền Giang, An Giang, Đồng Nai. Lãnh đạo các địa phương này phải tập trung giải quyết sớm, đặc biệt là kiểm tra lại việc giao các mỏ cát cho doanh nghiệp tư nhân, không để xảy ra tình trạng đội giá, găm giá, thao túng thị trường.

Riêng với tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại ngay việc cấp phép các mỏ và giá cả nguyên vật liệu san lấp, xử lý nghiêm các cá nhân làm chậm và nhất là nếu có tiêu cực.

Bộ TN-MT khẩn trương hướng dẫn luật Địa chất và khoáng sản mới, cùng các bộ hướng dẫn cụ thể, phối hợp chặt chẽ, các địa phương liên quan phải hoàn thành thủ tục cấp phép cát, sỏi, đá trong tháng 12.2024. Thủ tướng yêu cầu không thể chủ quan, lơ là, phải đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công DA, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí.

So với kế hoạch năm 2024, tiến độ thực hiện cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đang chậm tiến độ, điều này sẽ ảnh đến toàn bộ tuyến đường cao tốc Bắc – Nam. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu cần thay đổi phương pháp thi công. Thay vì chờ gia tải như bình thường, thụ động chờ lún, thì khi thời tiết thuận lợi cần phải tìm biện pháp chủ động, tích cực hơn bằng tác động của con người, như tăng cường dùng xe lăn, xe lu, đóng cọc…

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, địa phương sớm hoàn thiện thủ tục để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bảo đảm đủ trữ lượng, công suất và tăng cường hơn nữa lực lượng nhân công, thiết bị, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung thi công bù lại phần chậm tiến độ. Về phần địa phương, thiếu gì cần gì để đạt được mục tiêu thì giải quyết ngay, vượt thẩm quyền thì báo cáo các bộ, ngành có liên quan, không được “im lặng” như vừa qua. Đặc biệt, các địa phương cần phải đặc biệt quan tâm đội ngũ kỹ sư, công nhân, người lao động trên công trường, nhất là trong dịp tết đến, xuân về.

Bích Ngân 

Đọc nhiều