Cao tốc bứt tốc
1.892 km đường bộ cao tốc đã được đưa vào sử dụng. Hai năm nữa sẽ thông toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam dài 2.063 km, tạo trục xương sống đưa Việt Nam phát triển vượt bậc
Sau khi huy động nhiều thiết bị máy móc, công nhân thi công gấp rút, ngày 31-12-2023, dự án đường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5 km đi qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã cơ bản hoàn thành thông xe tuyến chính.
Nhiệm kỳ đột phá hạ tầng giao thông
Cách đây hơn 1 tuần, ngày 24-12-2023, hai dự án giao thông quan trọng ở ĐBSCL cũng được khánh thành là cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Cũng trong ngày này, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ dài hơn 40 km chính thức đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian từ TP Tuyên Quang đi Hà Nội chỉ còn hơn 1 giờ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết 2023 là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể, trong năm này đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án; trong đó có 9 dự án đường bộ cao tốc dài hơn 475 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892 km.
9 dự án cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023, gồm: Tuyên Quang – Phú Thọ (40,2 km); Mai Sơn – Quốc lộ 45 (63,37 km); Quốc lộ 45 – Nghi Sơn (43,28 km); Nghi Sơn – Diễn Châu (50 km); Nha Trang – Cam Lâm (49 km); Vĩnh Hảo – Phan Thiết (100,8 km); Phan Thiết – Dầu Giây (99 km); cầu Mỹ Thuận 2 (6,61 km); Mỹ Thuận – Cần Thơ (23 km). Riêng tuyến đường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo thông xe tuyến chính vào ngày 31-12-2023 và dự kiến đưa vào khai thác ngày 30-4-2024.
Đặc biệt, trong năm 2023 có 26 dự án giao thông được khởi công. Trong đó, có 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn 2), các dự án đường bộ cao tốc trục Đông – Tây và các tuyến đường vành đai đô thị tại Hà Nội, TP HCM.
Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua (2021-2023), ngành giao thông đã tạo ra sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng. Nếu giai đoạn 2001-2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường cao tốc; giai đoạn 2011-2020 thêm 1.074 km thì chỉ trong khoảng 3 năm, gần 730 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài khoảng 2.063 km. Theo tiến độ, đến năm 2026 sẽ cơ bản nối thông toàn tuyến (trừ cầu Cần Thơ 2 sẽ hoàn thành sau năm 2026).
Trong năm 2024, Bộ GTVT sẽ hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021 km.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản: Đồng Đăng – Trà Lĩnh; Lạng Sơn – Cửa khẩu Hữu Nghị; Tân Phú – Bảo Lộc; Bảo Lộc – Liên Khương; Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình; Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình; Gia Nghĩa – Chơn Thành; TP HCM – Chơn Thành; TP HCM – Mộc Bài; Hòa Bình – Mộc Châu; Vành đai 4 TP HCM.
Đường mở đến đâu, thuận lợi đến đó
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành giao thông năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành những lời khen ngợi cho ngành GTVT.
Trong năm 2023, Bộ GTVT đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn khi khởi công 26 dự án; trong đó hoàn thành 20 dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao khi toàn ngành GTVT đã làm việc với một tinh thần hăng say, xuyên lễ, xuyên Tết, “vượt nắng, thắng mưa”, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, chỉ tiến không lùi, ba ca bốn kíp nên chỉ trong nửa nhiệm kỳ đầu đã hoàn thành trên 730 km đường cao tốc.
“Trong quá trình làm đã giữ được tinh thần vướng mắc cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ; vướng mắc ở đâu, ở đó phải tháo gỡ ngay và luôn” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Bộ GTVT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng với cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển hạ tầng, góp phần xóa đói giảm nghèo.
“Đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó. Đường đi đến đâu, người dân thuận lợi đến đó. Đường đi đến đâu khu công nghiệp, nông thôn phát triển theo” – Thủ tướng phấn khởi.
Dù vậy, Thủ tướng nhận định việc triển khai các dự án PPP giao thông còn chưa được như kỳ vọng. Thủ tướng cho biết nếu năm 2023, lần đầu tiên ngành GTVT khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc – Nam trực tuyến tại 12 điểm cầu thì ngay ngày đầu năm mới 2024 (1-1-2024), một dự án PPP mới là cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được khởi công. Tiếp đó sẽ là các dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, Ninh Bình – Thái Bình, Nam Định – Hải Phòng.
“Đây là 3 dự án rất quan trọng, qua 3 vùng kinh tế khác nhau. Trong đó, 1 vùng kinh tế khó khăn, 2 vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Hồng khu vực Hà Nội và Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên” – Thủ tướng chỉ rõ.
Bích Vân