Cao tốc Bắc – Nam sẽ lọt vào tay ai?
Có 16 nhà đầu tư Trung Quốc dự sơ tuyển cao tốc Bắc – Nam. Trong khi Hàn Quốc có 5. Chỉ có 2 từ Pháp. Singapore, Phillipines mỗi nơi có 1. Việt Nam đông nhất, có tới 29 Doanh nghiệp, nhưng đa số là liên danh, và liên danh với Trung Quốc. Với tình thế doanh nghiệp Trung Quốc áp đảo như vậy, liệu điều gì sẽ xảy ra trong cuộc mở thầu tới đây?
Hãy nhìn lại bức ảnh khe nứt trên Sân vận động Mỹ Đình. Nó xuất hiện vào năm 2004, chỉ 2 năm sau khánh thành, một kết quả từ Nhà thầu Trung Quốc. Khi đó có rất nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ, trong đó có ba nhà thầu lớn: Philipp Holzmann AG International (Đức) và Hanoi International Group (HISG – Trung Quốc), Lemma (Mỹ) nhưng không trúng thầu. Dự án này đã rơi vào tay Trung Quốc vì bỏ thầu thấp nhất để trúng, nhưng sau đó đủ lý do để kéo dài, để đội vốn, để ăn bù.
Với giá trúng thầu 53 triệu USD, thấp nhất trong số các nhà thầu tham gia dự án SVĐ Mỹ Đình năm 2001, HISG của Trung Quốc sau này “kiếm lại” bằng cách bán thầu. Đại ý cứ mỗi m3 dầm móng, bán cho thầu phụ với giá 55,78 USD, HISG bỏ túi 32,8 USD. Mỗi tấn cốt thép dầm móng, bán với giá 408,1 USD, nhà thầu TQ này cũng ăn không 125,01 USD.
Ăn đến mức dù hợp đồng yêu cầu “toàn bộ thiết bị vật tư có xuất xứ từ Tây Âu và Mỹ”, nhưng sau này, Thanh tra phát hiện 94% thiết bị bị thay đổi với trị giá 17 triệu USD. 5,495 triệu USD (chiếm 30% tổng giá trị gói thầu thiết bị) thậm chí còn không biết nó từ nguồn nào?
Nó tệ đến mức, ông Hà Quang Dự – nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao sau này than thở: Giá như hồi ấy không chọn nhà thầu Trung Quốc mà chọn nhà thầu Âu, Mỹ thì hàng năm ngành thể thao không đến nỗi phải bỏ ra hàng tỉ đồng để sửa sân như suốt những năm qua.
Nếu Mỹ Đình chưa đủ ép phê, thì sau đó vẫn còn nhiều bài học kinh nghiệm như Cát Linh- Hà Đông hay Bauxite Tân Rai, Nhân Cơ chình ình ra đó. Tân Rai, Nhân Cơ, sau nhiều lần điều chỉnh tổng vốn đầu tư lần lượt tăng lên 15.400 tỉ đồng và 16.800 tỉ đồng chậm lần lượt 6 năm và 4 năm. Cát Linh- Hà Đông sau 10 năm, vốn đầu tư đội kỷ lục giờ mỗi tác dụng… che nắng cho xe máy.
Từng có những con số thống kê như sau: 62 dự án xi măng của Việt Nam triển khai theo hình thức BOT, có tới 49 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu; 16/27 dự án BOT nhiệt điện do các công ty của Trung Quốc làm tổng thầu.; 90% các dự án tổng thầu EPC của VN rơi vào tay Trung Quốc, trong đó, chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim, đáng chú ý, có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, với giá trị hàng tỷ USD.
Một câu hỏi đặt ra là: Vì sao nhà thầu Trung Quốc thường xuyên không hoàn thành hợp đồng đúng hạn, chất lượng các công trình không bảo đảm, giá thành các công trình thường tăng cao hơn dự kiến, không sử dụng nhân công Việt Nam, song có tới 90% dự án phát triển nguồn điện và 80% dự án phát triển hạ tầng giao thông vẫn được giao cho các nhà thầu Trung Quốc ?
Phải chăng vì 2 lý do chính: Thứ nhất là các cơ quan quản lý, đặc biệt là các cơ quan cấp phép cho các dự án đã không hoàn tất trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các dự án. Thứ hai, các nhà thầu Trung Quốc hối lộ những cơ quan quản lý dự án để được bao che. Do đó chính người Việt Nam làm hại chính đất nước của mình.
Trở lại với Mỹ Đình, hãy tra Google để biết số phận người chịu trách nhiệm trực tiếp là ông Lương Quốc Dũng. Ông Dũng là Phó chủ nhiệm Uỷ ban TDTT phụ trách xây dựng cơ bản phục vụ Seagames 22 . Công luận thời đó vẫn luôn đòi phải thanh kiểm tra những công trình đó, bởi vì nhiều cái chưa gì mà đã xuống cấp quá, ví dụ như là mặt sân Mỹ Đình này, rồi thì nhà thi đấu Phú Thọ… đấy. Thế nhưng ông Dũng lại vào tù không phải vì cái đống sắt có tên là Mỹ Đình mà là vì tội “hiếp dâm trẻ em”. Tức ông Dũng chỉ là nhọ thôi chứ đa số các đồng chí về làm người tử tế rồi.
Và đấy cũng là câu trả lời cho việc nếu có thêm một đống sắt vụn mang tên Cao tốc Bắc – Nam thì đó cũng là chuyện bình thường ở huyện và cũng chả có ông to mặt lớn nào phải đứng trước vành móng ngựa chỉ vì đổi mấy chục triệu đô lấy một đống sắt vụn đâu.
(Theo Bút Danh)