Cảnh sát Mỹ bắt giữ hơn 500 người quá khích phản đối vụ George Floyd

Thành Nhân 31/05/2020 11:42

Biểu tình phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota, dẫn tới cái chết của một người đàn ông da màu tên là George Floyd đã lan rộng ra ít nhất 30 thành phố lớn ở Mỹ.

Cảnh sát thành phố Philadelphia khống chế một người biểu tình hôm 30/5. Ảnh: AP.

Biểu tình phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota, dẫn tới cái chết của một người đàn ông da màu tên là George Floyd đã lan rộng ra ít nhất 20 thành phố lớn trên khắp nước Mỹ.

Nhiều nơi, biểu tình đã biến thành các vụ bạo loạn đường phố buộc cảnh sát phải trấn áp.

Hãng tin CNN cho biết trong đêm 29/5 (giờ địa phương), cảnh sát thành phố Houston, bang Texas đã bắt giữ gần 200 người biểu tình quá khích. Theo cơ quan cảnh sát sở tại, những người này sẽ bị cáo buộc gây rối trật tự trị an nơi công cộng. Ngoài ra, 4 sỹ quan cảnh sát đã bị thương nhẹ trong các cuộc xô xát với người biểu tình và 8 xe của cảnh sát bị hư hại.

Biểu tình đang lan rộng ở nhiều thành phố của Mỹ để phản đối tình trạng đối xử bất công với người da màu. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, cảnh sát thành phố Minneapolis đã bắt giữ ít nhất 50 đối tượng có hành vi gây rối, kích động bạo lực đường phố. Sở cảnh sát thành phố cho biết hơn 2.500 nhân viên an ninh đã được triển khai để đảm bảo trật tự trị an nội đô.

Tại Los Angeles, cảnh sát đã bắn đạn cao su trấn áp đám đông giận dữ châm lửa đốt xe của lực lượng hành pháp. Tại Chicago và New York, cảnh sát và người biểu tình cũng xảy ra xô xát và hơn 100 người đã bị bắt.

Thị trưởng Minneapolis, Jacob Frey đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm sau 3 đêm liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng và bạo lực tại thành phố lớn nhất bang Minnesota miền Trung Tây nước Mỹ này. Lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 20h00 hôm trước đến 6h00 hôm sau, bắt đầu từ tối 29/5, tại tất cả các địa điểm công cộng, bao gồm mọi ngả đường trong thành phố. Vi phạm lệnh giới nghiêm có thể bị phạt tiền đến 1.000 USD hoặc bị phạt tù 90 ngày.

Cùng ngày, tại thành phố St. Paul giáp Minneapolis, Thị trưởng Melvin Carter (Men-vin Các-tơ) cho biết đã ký một sắc lệnh trình trạng khẩn cấp địa phương, theo đó cũng áp đặt giới nghiêm từ 29/5.

Biểu tình Atlanta, Georgia, Mỹ ngày 29/5 sau cái chết của ông George Floyd. Ảnh: Anadolu Agency

Thành phố Minneapolis đã bị hư hại nghiêm trọng sau 3 đêm biểu tình và bạo động, nhiều nơi xảy ra hỏa hoạn và cướp bóc. Trong khi đó, tại thành phố St Paul, hơn 170 cửa hàng đã bị cướp phá trong đêm.

Công dân Mỹ gốc Phi George Floyd đã tử vong ngày 25/5 sau khi bị 4 cảnh sát Mỹ bắt giữ. Một đoạn video cho thấy một cảnh sát da trắng, được cho là Derek Chauvin, đã đè cổ Floyd xuống đất bằng đầu gối trong gần 8 phút, trong khi Floyd nằm sấp, bị còng tay và nói rằng anh ta không thở được. Floyd tử vong không lâu sau đó tại một bệnh viện địa phương. Chauvin đã bị bắt giữ với cáo buộc giết người cấp độ 3 và ngộ sát.

Người biểu tình đối đầu cảnh sát ở thành phố Nashville hôm 30/5. Ảnh: CNN.

Mỹ triển khai vệ binh quốc gia ở thủ đô giúp bảo vệ Nhà Trắng

Lực lượng Vệ binh Quốc gia ở Washington, D.C. ((DCNG) báo cáo cho tổng thống nhưng được kích hoạt theo chỉ đạo của Bộ trưởng Lục quân, CNN đưa tin sáng 31/5.

“DCNG luôn sẵn sàng trợ giúp các cơ quan liên bang và thủ đô bảo vệ nhân mạng và tài sản. DCNG được huấn luyện và trang bị đặc biệt cho nhiệm vụ này”, thiếu tướng William Walker nói.

Hai đêm qua người biểu tình tập trung gần Nhà Trắng, để phản đối cảnh sát gây ra cái chết của người đàn ông da màu George Floyd.

25 thành phố ở 16 bang áp đặt lệnh giới nghiêm

Người biểu tình tránh hơi cay của cảnh sát khi tham gia cuộc bạo động phản đối việc một người đàn ông da màu bị cảnh sát sát hại tại Minneapolis, Minnesota, Mỹ ngày 28/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thị trưởng thành phố Los Angeles, ông Eric Garcetti, vừa mở rộng lệnh giới nghiêm ra toàn thành phố (trước chỉ ở khu trung tâm). Lệnh giới nghiêm yêu cầu tất cả mọi người trong thành phố ở trong nhà từ 8h tối đến 5h30 sáng.

Thị trưởng thành phố Philadelphia, ông Jim Kenney, cũng vừa ký sắc lệnh áp đặt lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn thành phố, bắt đầu từ 8h tối đến 6h sáng.

Đến nay, ít nhất 25 thành phố ở 16 bang khắp nước Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm.

Sau khi George Floyd (46 tuổi) chết trong tay cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota (bị cảnh sát đè chân lên cổ), các cuộc biểu tình phản đối lan ra ít nhất 30 thành phố, nhiều người bị bắt với tội danh gây bạo loạn.

Hơn 80% số người bị tống vào tù (bị tạm giam) ở Minneapolis với cáo buộc bạo loạn hoặc các tội danh liên quan bạo loạn trong 2 ngày qua là cư dân Minnesota, CNN đưa tin sáng 31/5, dẫn dữ liệu của Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Hennepin.

Thành Nhân

Đọc nhiều