128036
category
586520

Cảnh sát hình sự hướng dẫn cách chống trộm, cướp đột nhập dịp Tết

30/01/2022 07:11

Nhiều trường hợp, các đối tượng trộm cướp sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị truy đuổi hoặc thậm chí giết người khi gia chủ phản kháng trong khi mục đích ban đầu của chúng chi là trộm tài sản.

Ảnh minh họa

Tội phạm đột nhập nhà dân hay trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, cửa hàng để trộm, cướp tài sản có nguy cơ gia tăng và thường rộ lên trong mùa du lịch hoặc dịp Tết. Hầu hết kẻ gian chọn thời điểm gây án về đêm, lúc rạng sáng để tránh bị phát giác.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, kẻ gian thường đột nhập vào nhà lúc đêm khuya hoặc khi phát hiện nhà vắng chủ, nhà không khóa cửa ra vào, cửa tum, cửa sổ, hoặc khóa không cẩn thận. Chúng dùng các loại đồ nghề dễ dàng tìm thấy trên thị trường để phá cửa, từ cửa cuốn, cửa kính, hay bẻ song sắt cửa sổ, cửa sắt.

Đáng chú ý, tội phạm trộm cắp nói chung và loại chuyên đột nhập vào cơ quan, doanh nghiệp, cửa hàng và hộ dân có sử dụng két sắt để đập phá két lấy tài sản.

 

Trộm thường lợi dụng cây, cột điện, tường nhà để leo trèo, đột nhập. Đồ họa: Hà Ninh.

Về thủ đoạn hoạt động, đơn vị nghiệp vụ của Công an Hà Nội phân tích kẻ đột nhập thường đi theo nhóm từ 2 người trở lên bằng xe máy. Trước khi gây án, chúng dành thời gian quan sát để tìm sơ hở, thiếu sót tại nơi định đột nhập như có camera không, tường rào dễ đột nhập không, đột nhập từ hướng nào để vạch kế hoạch gân án.

Mục đích ban đầu của kẻ gian là trộm cắp tài sản, nhưng nhiều trường hợp, hung thủ sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện và truy đuổi hoặc thậm chí giết người khi bị gia chủ phản kháng.

Để không bị kẻ gian lợi dụng, cảnh sát hình sự gợi ý một số kỹ năng ứng phó, đối mặt với tội phạm trộm, cướp. Tuy nhiên, nhà chức trách đề nghị người dân chủ động phòng ngừa trước.

1. Nâng cấp các biện pháp bảo vệ, những góc khuất, góc tối tại nơi cư trú phải lắp đèn chiếu sáng, gắn camera quan sát có độ phân giải cao; đảm bảo đủ số mắt giám sát được tình hình hoạt động trong và ngoài khuôn viên, đồng thời ghi lại được chứng cứ phạm tội của kẻ đột nhập.

2. Thường xuyên kiểm tra độ an toàn của cửa sổ, cửa chính, cửa thông gió để kịp thời tu sửa, khắc phục hư hỏng, xuống cấp. Cửa thông gió cần có thanh sắt chắn ngang; các loại cửa, cổng ra vào nên lắp loại khóa chắc chắn, tránh bị cắt phá.

Trom, cuop dip Tet anh 2
Tang vật Công an Hà Nội thu giữ sau vụ cướp nổ súng lấy 200 triệu đồng ở huyện Thạch Thất hồi đầu tháng 1. Ảnh: Hoàng Lam.

3. Hạn chế, không để lượng lớn tiền mặt tại nhà hoặc trong két sắt. Khi mua két phải tìm hiểu, chọn loại chính hãng, có uy tín, đảm bảo chất lượng, tránh để kẻ gian dễ dàng phá hỏng.

4. Cơ quan, doanh nghiệp, cửa hàng cần trang bị camera để quan sát tình hình hoạt động trong và ngoài khuôn viên; nâng cấp tường rào bảo vệ, có dây kẽm gai phía trên để chống đột nhập; lực lượng bảo vệ thường xuyên quan sát màn hình camera, kịp thời phát hiện ngay dấu hiệu nghi vấn để có biện pháp xử lý.

5. Khi phát hiện kẻ gian đột nhập, trường hợp người dân chỉ có một mình thì có thể ghi nhớ đặc điểm nhận dạng của kẻ gây án để trình báo cơ quan chức năng. Nếu có nhiều người thì nên tìm thêm sự hỗ trợ, giúp sức giữ nghi can tại chỗ để thông báo công an nơi gần nhất.

6. Người tham gia giao thông dịp Tết không nên sử dụng điện thoại khi đi xe máy để vừa đảm bảo an toàn giao thông, tránh trở thành nạn nhân của kẻ cướp giật. Trường hợp sử dụng điện thoại nên dừng hẳn, đỗ xe ở nơi an toàn.

7. Không nên đeo túi xách, nhiều trang sức có giá trị cao khi ra đường, nên để túi xách trong cốp xe, nếu đeo trang sức thì trang bị thêm áo khoác, khăn choàng để không lộ tài sản ra ngoài.

8. Trong một số vụ cướp giật tài sản, nếu phát hiện kẻ gian bỏ chạy thì người dân không nên truy đuổi đối phương vì dễ xảy ra tai nạn. Thay vào đó, nên chú ý quan sát đặc điểm của nghi can, phương tiện chúng sử dụng, biển số xe và trình báo công an ngay khi có thể.

Minh Ngọc

Đọc nhiều