128036
category
634995

Cảnh giác với phòng vé máy bay “ma” khi cao điểm đi lại dịp Tết

23/01/2024 10:38

Cũng như mọi năm, khi Tết Nguyên đán đến gần cũng là lúc các hoạt động tội phạm lừa đảo, lợi dụng nhu cầu đi lại của người dân để trục lợi. Nhưng những năm gần đây, nhu cầu mua vé máy bay tăng cao cùng sự phát triển của mạng xã hội, các hình thức lừa đảo mạo danh đại lý bán vé máy bay có dấu hiệu tăng mạnh với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Nhiều nạn nhân đã chịu hậu quả “tiền mất tật mang” khi bị vướng phải những chiêu lừa đảo vé máy bay. Do đó, người dân hãy lưu ý cảnh giác với những biểu hiện bất thường của các “đại lý vé máy bay giá rẻ” trên mạng xã hội.

Phòng vé máy bay “ma”

Phòng vé máy bay “ma” là một trong những thủ đoạn lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ phổ biến nhất hiện nay. Thủ đoạn này thường được các đối tượng xấu sử dụng vào mùa cao điểm du lịch, khi nhu cầu mua vé máy bay tăng cao.

Các đối tượng lừa đảo thường lập ra các trang web, fanpage, hoặc số điện thoại giả mạo các hãng hàng không hoặc đại lý vé máy bay uy tín. Các trang web, fanpage này được thiết kế giống hệt với các kênh chính thức để đánh lừa khách hàng.

Khi khách hàng liên hệ đặt vé, các đối tượng sẽ đưa ra các mức giá vé máy bay rẻ hơn rất nhiều so với giá niêm yết của hãng. Khi khách hàng truy cập vào các website giả mạo này, họ sẽ thấy các thông tin về giá vé, lịch bay, dịch vụ của các hãng hàng không.

Các đối tượng lừa đảo thường đưa ra các mức giá vé máy bay rẻ hơn rất nhiều so với giá niêm yết của hãng. Để tăng độ tin cậy, các đối tượng thường yêu cầu khách hàng đặt cọc trước một khoản tiền. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc với khách hàng và không xuất vé.

Giả mạo nhân viên của các đại lý uy tín

Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ phổ biến hiện nay. Thông thường, các đối tượng lừa đảo sẽ thu thập thông tin khách hàng bằng các đăng những bài quảng cáo bán vé máy bay giá rẻ dưới danh nghĩa là nhân viên của các công ty uy tín.

Khi khách hàng để lại tên và số điện thoại trên những bài quảng cáo này, các đối tượng lừa đảo nhanh chóng liên hệ với khách hàng, kết bạn qua facebook, zalo… tự xưng là nhân viên của đại lý và đưa ra mức giá “hời” cho các nạn nhân, kèm theo các “ưu đãi” hấp dẫn. Để tạo cảm giác tin cậy, các đối tượng thường sử dụng tên, logo, số điện thoại của các công ty uy tín trên tài khoản mạng xã hội của chúng.

Khi khách hàng đồng ý đặt vé, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền đặt cọc trước. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, các đối tượng lừa đảo sẽ cắt đứt liên lạc với khách hàng và không xuất vé.

Đặt vé “ảo”

Ngoài phương thức chiếm đoạt tiền trực tiếp, nhiều đối tượng tinh vi hơn dùng chiêu bài đặt vé rồi hoàn tiền. Theo đó, khi nạn nhân chuyển tiền, chúng vẫn tiến hành xuất vé rồi gửi thông tin cho khách.
Khi khách nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình.

Nhưng thực chất, sau đó ít ngày, chúng sẽ gửi yêu cầu tới hãng hàng không để xin hoàn vé. Việc hoàn vé sẽ được chấp thuận ngay nếu như người yêu cầu hoàn vé chính là người đặt vé. Bằng cách này, các đối tượng sẽ được hoàn lại phần lớn tiền vé đã trả và chỉ phải chịu mất một khoản phí hoàn vé nhỏ, khoảng 10% giá vé. Như vậy, mỗi tấm vé kẻ lừa đảo có thể bán đi bán lại cho hàng chục người.

Bên cạnh đó, người dân mua vé điện tử qua thẻ tín dụng cũng cần cảnh giác bởi các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự chủ quan của khách hàng để ăn cắp thông tin thẻ.

Những kưu ý quan trọng để không bị sập bẫy lừa đảo mua vé máy bay qua mạng

Để tránh mắc bẫy lừa đảo của các đối tượng xấu, khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách người dân lưu ý:

– Nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng. Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.

– Trước khi chuyển tiền cho bên bán, cần đọc kỹ thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay.

– Đặc biệt, khi mua vé người dân cần lấy phiếu thu, hóa đơn và các chứng từ kèm theo. Phiếu thu này được xem như một chứng từ, nên nếu xảy ra trục trặc, khách hàng có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình.

– Người dân nên xem xét kỹ hệ thống website của công ty bán vé, thông tin và thiết kế có chuyên nghiệp, rõ ràng hay không; có số điện thoại tổng đài không vì các hãng sẽ không sử dụng số điện thoại di động cá nhân để liên hệ với khách hàng.

– Đối với các trường hợp mua vé trên website cần đặc biệt lưu ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của hãng hoặc liên hệ trực tiếp với tổng đài nếu cần được giải đáp, hỗ trợ trực tiếp liên quan đến đặt chỗ, mua vé.

Hạnh Văn

Đọc nhiều