Cảnh giác với lừa đảo mùa dịch Covid-19
Bán thẻ chống dịch Covid-19; vào tận nhà phun thuốc phòng dịch để tìm cách chiếm đoạt tài sản; giả dạng bán khẩu trang giá sỉ qua mạng… là những chiêu trò lừa đảo đang xuất hiện tại nhiều nơi
Thời gian qua, Công an các tỉnh, thành liên tục phát hiện, xử nhiều vụ việc lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thông tin cá nhân. Vì quá lo lắng và thiếu hiểu biết, nhiều người trở thành nạn nhân của bọn tội phạm này.
Thẻ chống dịch giá 280.000 đồng
Ngày 17-3, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết cơ quan này vừa ra quyết định xử phạt hành chính 14,5 triệu đồng đối với Nguyễn Thị Th. (SN 1981; ngụ xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) do hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; đăng mạng xã hội nội dung sai sự thật để quảng cáo, bán hàng hóa.
Trước đó, ngày 23-2, tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP Huế, lực lượng công an phát hiện Th. lừa bán thẻ diệt virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 cho chị Ngô Thị Thúy Ph. (ngụ xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Qua kiểm tra, công an phát hiện Th. mang theo 35 thẻ ghi “made in Japan”, giống loại thẻ rao bán tràn lan trên mạng. Th. không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của những tấm thẻ trên; đồng thời khai nhận đã đăng thông tin bán thẻ trên Facebook cá nhân với giá 280.000 đồng/thẻ. Trên Facebook người này quảng cáo đây là thẻ đeo chống virus khi mở bao là có clor dioxide có thể khử trùng, khử mùi và có thể loại bỏ virus.
Cuối tháng 2 vừa qua, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) phối hợp với lực lượng QLTT bắt giữ một đối tượng bán thẻ diệt virus kháng bệnh trên địa bàn quận này. Người này bị bắt quả tang mang theo 300 thẻ diệt virus gây bệnh. Đối tượng khai nhận mua lậu loại thẻ này rồi rao bán trên mạng với giá 200.000-300.000 đồng/thẻ. Để dễ dàng lừa người mua, thẻ được quảng cáo có thể làm sạch không khí xung quanh, ngăn chặn vi khuẩn, virus có hại như virus SARS-CoV-2.
Trước nạn rao bán thẻ chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cảnh báo đây là hành vi lừa đảo. Hiện chưa có thông tin chính thức nào từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch xác nhận việc đeo những tấm thẻ trên là ngăn chặn được dịch bệnh.
Mồi nhử từ mã độc máy tính
Công an TP Hà Nội vừa cảnh báo tình trạng phát tán mã độc ẩn dưới các tập tài liệu liên quan đến dịch Covid-19. Các mã độc này cho phép hacker làm hư hại, chỉnh sửa hoặc sao chép dữ liệu, thậm chí can thiệp vào hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính của người dùng. Các đối tượng sẽ sử dụng thông tin này như mồi nhử để thực hiện các hành vi tội phạm. Một số ngân hàng cũng đã cảnh báo việc phát tán mã độc này đến khách hàng.
Ở mức độ lừa đảo thấp hơn nhưng khá phổ biến đó là nạn lợi dụng sự thiếu hiểu biết, chủ quan và cả lòng tham của người dân để lừa đảo bán dụng cụ y tế, khẩu trang y tế…
Công an tỉnh Hải Dương vừa ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Đặng Thị Bích Thùy (1992, trú tại phường Trần Phú, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cuối tháng 2-2020, cơ quan công an nhận được đơn trình báo của anh Bùi Công Nam và Ngô Ngọc Đông về việc bị một đối tượng quen trên mạng xã hội tên là Thùy, nhân viên bán hàng điện thoại tại Hà Nội nói có thể cung cấp 80 thùng khẩu trang y tế với giấy tờ đầy đủ, giá 3,2 triệu đồng/thùng, đề nghị 2 anh tìm mối để bán hàng. Vì hám lợi, Nam và Đông đã chuyển tiền đặt cọc 650 triệu đồng và bị Thùy chiếm đoạt.
Tại Lạng Sơn, trong khi cộng đồng đang dồn lực để phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì một số đối tượng lại lợi dụng dịch bệnh để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình, Công an TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đang điều tra, truy tìm một số đối tượng đến nhà đặt vấn đề phun thuốc phòng dịch Covid-19. Theo trình báo của 3 hộ dân, nhóm người này nghi có hành vi lừa đảo, tìm cách vào nhà để chiếm đoạt tài sản. Công an TP Lạng Sơn cảnh báo người dân hết sức cảnh giác, khi phát hiện các đối tượng nghi vấn lừa đảo cần báo ngay cho lực lượng công an nơi gần nhất để kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.
Dễ dàng sụp bẫy kẻ gian
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM) nhìn nhận nạn lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gia tăng thời gian gần đây xuất phát từ sự lo lắng của người dân. Bên cạnh đó là vì ham lợi trước mắt, cả tin và thiếu hiểu biết, một số người dễ dàng sụp bẫy kẻ gian. Với nạn lừa bán khẩu trang y tế, chiêu trò phổ biến là lập Facebook giả, sử dụng tên giả để rao bán khẩu trang qua mạng, sau khi nhận tiền chuyển khoản là… biến mất.
Theo luật sư Toàn, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, lừa đảo không những vi phạm nghiêm trọng luật pháp mà còn bị lên án về mặt đạo đức, chuẩn mực trong cuộc sống. Tùy vào tính chất, mức độ phạm tội, số tiền lừa đảo mà kẻ phạm tội sẽ bị buộc tội theo các khung hình phạt quy định tại điều 174, Bộ Luật Hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án lên đến 20 năm nếu lừa từ 500 triệu đồng trở lên. Ngoài mức phạt án tù, các cá nhân lừa đảo còn bị phạt bổ sung lên đến 50 triệu đồng.
Nếu một cá nhân nào đó thu gom khẩu trang đã qua sử dụng, tái chế để tung ra thị trường thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Mua bán hàng giả” hoặc tội “Lừa dối người tiêu dùng”. P.Dũng
Huy Thanh/ NLĐ