Cảnh giác Trung Quốc hơn ở Biển Đông
Dữ liệu từ trang theo dõi tàu Marine Traffic ngày 16-4 cho thấy tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc và nhóm tàu hộ tống đang tiến về khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia.
Trước dịch bệnh, Trung Quốc vẫn xúc tiến những hành động hòng độc chiếm Biển Đông. Nhưng trong lúc cả thế giới đang căng mình chống dịch bệnh COVID-19, giới quan sát cũng bất ngờ với những hành động hung hăng và quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây.
Chuyển áp lực ra ngoài?
Dẫu đã mở cửa thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát đầu tiên dịch bệnh COVID-19, và bắt đầu khôi phục sản xuất sau dịch, kinh tế Trung Quốc vẫn chịu tổn thất nặng nề do COVID-19.
Những tranh cãi xuất hiện về nguồn gốc virus corona chủng mới gây dịch COVID-19 càng tạo áp lực lên giới lãnh đạo Trung Quốc. Và không ít chuyên gia cho rằng quấy phá Biển Đông trong đại dịch, ngoài yếu tố “tận dụng thời cơ”, còn là cách Trung Quốc chuyển áp lực ra bên ngoài.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về động cơ khiến Trung Quốc hung hăng “bất thường” trong giai đoạn đại dịch, TS Collin Koh Swee Lean – nhà nghiên cứu thuộc Chương trình an ninh hàng hải (Mỹ) – đề cập tới những khó khăn trong nước của Trung Quốc.
Ông cho rằng tại Trung Quốc – tâm dịch đầu tiên của COVID-19, giới lãnh đạo nước này cũng đang lo lắng về khó khăn kinh tế do đại dịch mang tới.
Trung Quốc đang làm những việc chính xác như những gì họ đã làm vài tháng trước. Việc làm như vậy trong đại dịch là đủ ích kỷ để gây tai tiếng.
Greg Poling (giám đốc AMTI – CSIS)
Theo đó, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc chịu tác động nặng nề do COVID-19 và cả tranh chấp thương mại với Mỹ, và kết quả là những bất ổn kinh tế sẽ tạo ra bất an.
Để khỏa lấp sự bất an đó, Trung Quốc không chỉ tranh thủ thể hiện sự mạnh mẽ trong đối ngoại, mà cùng lúc cũng muốn “dằn mặt”, đảm bảo các thế lực bên ngoài không lợi dụng thời cơ để phá hoại lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
“Về điểm này, Mỹ được coi là đối thủ hàng đầu, và các nước khác có khả năng khai thác thời cơ đó” – TS Collin Koh lập luận.
Tương tự, TS Zachary Abuza – giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ – cũng cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc cần thể hiện sự cứng rắn trong đối ngoại, giữa lúc xuất hiện không ít những chỉ trích về khả năng chống dịch cũng như minh bạch thông tin về dịch bệnh. “Vì vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải thể hiện quyết tâm và sức mạnh” – TS Abuza nói.
Kịch bản xấu nhất
Kịch bản xấu nhất cho Biển Đông là tất cả những hành động vừa qua của Trung Quốc không chỉ xuất phát từ mục đích “giữ hình ảnh”. Thay vào đó, có những ý kiến lo ngại Bắc Kinh thực sự đang thúc đẩy những hành động quyết đoán hơn hòng làm bá chủ ở Biển Đông.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Gregory Poling – giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải AMTI, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) – cho biết vấn đề hiện nay tập trung vào hai điểm.
Thứ nhất, các căn cứ của Trung Quốc giờ đây cho phép họ triển khai các tàu hải quân, hải cảnh và dân quân biển với số lượng nhiều hơn hẳn mọi bên tranh chấp khác cộng lại, và còn có thể triển khai hàng tuần hoặc hàng tháng ở những nơi xa nhất trong “đường chín đoạn”, còn gọi là đường lưỡi bò.
Vì vậy các hoạt động như triển khai tàu Hải Dương địa chất 8 suốt nhiều tháng liền lúc này là khả thi, không như những năm trước.
Bắc Kinh lúc này hung hăng quyết không còn nhân nhượng bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí nào của Việt Nam hay Malaysia ở Biển Đông, và sẽ giữ áp lực ấy cho tới lúc ngành công nghiệp khai thác năng lượng xa bờ của đối phương sụp đổ, hoặc Việt Nam và Malaysia phải chấp nhận khai thác chung với công ty quốc doanh Trung Quốc CNOOC.
Thứ hai, theo chuyên gia Greg Poling, hàng chục tàu chấp pháp Trung Quốc và hàng trăm tàu dân quân biển hoạt động mỗi ngày, và nhận lệnh phải hành xử hung hăng để khẳng định quyền lợi của Trung Quốc và quấy phá những nước láng giềng.
Gây thất vọng cho cộng đồng quốc tế
Trên Korea Times, nhà khoa học chính trị Nehginpao Kipgen – giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) thuộc Trường Quan hệ quốc tế Jindal (Ấn Độ) – nhận xét rằng Trung Quốc đã có những biểu hiện gây thất vọng trong khi khát khao làm lãnh đạo toàn cầu.
TS Kipgen, tác giả cuốn Chính trị của tranh chấp Biển Đông, viết như sau: “Đạo đức là một công cụ quyền lực để có liên minh và trở thành bá chủ thế giới. Đây là một trong những lập luận then chốt do chuyên gia chính sách quốc tế người Trung Quốc Yan Xuetong đưa ra trong cuốn sách Lãnh đạo và sự trỗi dậy của các cường quốc.
Theo TS Kipgen, đại dịch COVID-19 càng là lúc Mỹ và Trung Quốc thể hiện vai trò. Nhưng “sự áp đặt của Trung Quốc đối với chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông, tại thời điểm này, gửi một tín hiệu báo động cho các bên tranh chấp khác, và có lẽ là một cảm giác thất vọng cho cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn”.
Nhóm tàu HD8 vi phạm trong trường hợp nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 16-4, tiến sĩ Trần Công Trục – nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ – cho biết căn cứ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), nếu tàu Hải Dương địa chất 8 (HD8) và nhóm tàu hộ tống này thực hiện quyền tự do hàng hải, dù là di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển như Việt Nam và Malaysia hay vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa Malaysia và Việt Nam, thì chúng không vi phạm quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển.
Nếu các quốc gia ven biển ngăn chặn chúng, mà không chứng minh được chúng đã tiến hành các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền của quốc gia ven biển, thì có thể bị Trung Quốc kiện đòi bồi thường thiệt hại do việc cản trở quyền tự do hàng hải của các con tàu này.
Bởi vì, theo UNCLOS 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển, các quốc gia khác có 3 quyền: tự do hàng hải, tự do đặt dây cáp, ống dẫn dầu và tự do bay.
Tuy nhiên, nếu nhóm tàu Trung Quốc có các hoạt động như đánh cá, khai thác dầu khí, nghiên cứu khoa học mà không được cấp phép hay không có sự thỏa thuận thích hợp hay cố tình phá hoại, gây trở ngại cho các hoạt động kinh tế, nghiên cứu khoa học của các quốc gia có quyền chủ quyền, thì các quốc gia ven biển có quyền yêu cầu chấm dứt các vi phạm đó và có quyền bắt giữ để tiến hành các thủ tục tố tụng, xét xử tại các cơ quan tài phán có thẩm quyền các vi phạm này theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Theo thông tin từ Reuters và Marine Traffic, ngày 16-4 nhóm tàu HD8 của Trung Quốc dường như đang thực hiện khảo sát ở vùng nước cách bờ biển của Malaysia và Brunei khoảng 218 hải lý.
Vùng biển này ở phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và gần khu vực biển mà năm 2005, Việt Nam và Malaysia đã cùng đệ trình hồ sơ đề nghị Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, nhưng đến nay vẫn chưa được ủy ban này xem xét.
Hiện tàu cảnh sát biển KM Pekan của Malaysia đang bám theo tàu HD8. Có lẽ do đó mà Bộ Ngoại giao Malaysia, Brunei vẫn chưa có phát biểu gì trước các thông tin trên.
Theo tiến sĩ Trần Công Trục, đây được cho là hành động lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng cường hiện diện của Trung Quốc và là động thái thăm dò, chuẩn bị cho những bước leo thang mới nghiêm trọng hơn so với năm 2019, để họ nhanh chóng hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò phi lý.
NHẬT ĐĂNG/TT