Đổi trắng thay đen khiến cộng đồng bất an là có tội với đất nước, với dân tộc
Trong thời điểm nhạy cảm đến mức một tiếng hắt hơi giữa nơi công cộng cũng khiến nhiều người giật mình, thì việc xuất hiện những mẩu tin bịa đặt giật gân trên mạng xã hội chẳng những hại người, hại luôn cả mình, mà còn gián tiếp tạo cớ cho các cá nhân, Hội, nhóm cực đoan lợi dụng để thực hiện mưu đồ chính trị đen tối.
Để thõa mãn sự ích kỷ cá nhân, những kẻ “anh hùng bàn phím” đã không ngần ngại thêm mắm dặm muối, thêu dệt hằng hà các câu chuyện giật gân gây hoang mang dư luận không cần thiết. Không chỉ HẠI NGƯỜI, khiến người dân lo lắng đã đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay khô, mì tôm, giấy vệ sinh… để tích trữ, dẫn đến tình trạng quá tải, cháy hàng, tạo cơ hội để “gian thương” tăng giá trục lợi, chưa kể còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm. HẠI LUÔN CẢ MÌNH, chỉ tính riêng từ đầu mùa dịch đến nay theo thống kê của cơ quan điều tra đã mời lên phường “uống trà” hơn 654 trường hợp đưa tin sai sự thật, trong đó phạt hành chính hơn 146 người. Tiền mất tật mang đã đành, lại còn gián tiếp tạo cớ cho các cá nhân, Hội, nhóm cực đoan lợi dụng ngụy tạo “luận cứ giả”, từ đó la lối, vu cáo Nhà nước ta “vi phạm dân chủ, nhân quyền, bịt miệng người dân không cho nói sự thật”.
Đơn cử như câu chuyện mới đây, vào hôm 13/3, khi thấy lực lượng chức năng làm việc trước 1 khách sạn trên đường Võ Thị Sáu (TP Huế) dù chưa biết ngọn ngành sự việc như thế nào nhưng cô gái trẻ N.N.P (25 tuổi, trú P. Phú Hậu, TP Huế) đã nhanh nhảu đăng tải trên trang FB cá nhân rằng “Ngay lúc này Võ Thị Sáu lại thêm 1 ca dịch nữa kinh thật” dù rằng thông tin trên là sai sự thật, người đăng sau đó cũng đã phải gỡ bài nhưng cũng khiến dân tình vô cùng hoang mang lo sợ, trước đó cũng vì những tin đồn như thế chẳng những không giúp cho công tác dập dịch mà còn khiến người dân ở Huế đâm hoảng đổ xô đi rút tiền khiến hệ thống ATM ở đây gần như tê liệt một thời gian. Lẽ theo luật cô gái trẻ này sau đó phải “đóng phí” 10 triệu đồng để mua cho mình một bài học răn đe xác đáng.
Vậy nhưng, cái kết chuyện trên lại bị FB “Nguyễn Tấn Thành” bẻ lái thành: “Phạt tiền, chiến thuật phòng dịch của Ban Tuyên giáo” cùng với đó là suy diễn có chủ đích rằng: “từ đầu mùa dịch đến nay Ban Tuyên giáo đã tích cực phạt tiền những người giành quyền thông báo có người nhiễm bệnh của họ”. Theo cách nói của “Nguyễn Tấn Thành” thì hễ cứ đăng tin nơi này nơi kia có ca nhiễm mới trước khi có thông báo chính thức từ Bộ Y tế là bị bắt phạt hết. Thực tế thì sao, là tôi là bạn là bất kể ai sử dụng mạng xã hội FB những ngày qua đều hơn 1 lần lướt tin của bạn bè mình đăng tải hình ảnh đúng nơi này nơi kia đang bị phong tỏa, thậm chí còn chia sẻ cảnh báo nhau đúng những khu vực nào đang có người cách ly để né tránh… đã có ai bị bắt phạt hay chưa?
Thực chất cái suy luận của “Nguyễn Tấn Thành” chỉ là chiêu ngụy tạo “luận cứ giả” hòng vu cáo “Ban Tuyên giáo bưng bít thông tin, yếu kém trong xử lý dịch bệnh”. Nói trắng ra, đây thực chất là một trong những thủ đoạn nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các cá nhân, Hội, nhóm cực đoan đối với Việt Nam. Không phải vì vài ba cái view bé cỏn con, đôi lần nổi sóng trên mạng xã hội mà là một âm mưu trường kỳ trong kích ngoại ứng để phế bỏ bằng được chế độ này mà như Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) chỉ rõ, “họ sẵn sàng và đã chi ra hàng nghìn USD để thực hiện các quảng cáo chính trị trên FB nhằm tuyên truyền, xuyên tạc bôi đen tình hình dịch tại Việt Nam, hàm chứa nhiều nội dung chống phá“.
Thật nực cười, khi mà các cá nhân, Hội, nhóm cực đoan đối với Việt Nam cứ ra rả bài ca “ghét cộng sản”, chửi “cộng sản dối trá” vậy nhưng cứ nhìn cái cách mà chúng hết lần này đến lần khác xào nấu tin thật giả để chế thành các bản tin độc hại; thậm chí là nói lấy được, không bằng không chứng vu cáo, xuyên tạc đủ các kiểu… mới thấy, rõ là ai mới là kẻ trí trá.
Thực tế, cộng đồng quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều đánh giá cao sự công khai minh bạch thông tin của Việt Nam. Thậm chí, ngay khi có bất kỳ ca nhiễm bệnh mới nào, chúng ta cũng đều công khai chi tiết thông tin. Tôi cho rằng, tất cả những gì chúng ta đang làm đã là câu trả lời thuyết phục. Chúng ta không cần giải thích với những người luôn có định kiến rằng, “những thông tin đến từ các cơ quan truyền thông chính thống là đi sau, là giả mạo”. Cái FB của họ, chính ngôi nhà của họ họ mà có chửi bới nhiều quá chỉ làm bẩn cái ngôi nhà của họ thôi, họ mà nói năng không đúng thì càng ngày càng thiếu đi sự tin cậy của bạn đọc, họ tựa vào những ý lập lờ, trí trá, đổi trắng thay đen khiến tâm lý của cả cộng đồng bất an thì như nhà báo Hữu Thọ không ngại nói thẳng: Đấy là người có tội đối với đất nước, người có tội đối với dân tộc.
Vẫn nhớ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn nhủ rằng: “Mỗi người dân phải là một pháo đài phòng, chống dịch“. Và trong những ngày cả nước gồng mình chống dịch, nếu có một chiến dịch trên trận địa thông tin thì có chăng đó là chiến dịch loại bỏ các loại virus tin giả, tin xấu độc để người dân cả nước vững tin bước qua cơn dịch họa.
Văn Dân