Cảnh giác “đường lưỡi bò” hiện nay có thể xem không bao giờ là thừa

05/11/2019 18:19

Những chiến dịch quảng bá “đường lưỡi bò” không diễn ra riêng lẻ, và cũng chưa cho thấy có dấu hiệu nào Trung Quốc sẽ dừng lại. Trung Quốc đang vung tiền vẽ “đường lưỡi bò” khắp nơi. Vì thế, việc cảnh giác với Bắc Kinh và “đường lưỡi bò” không bao giờ là thừa.

3

“Đường lưỡi bò” liên tục loạt vào phim, ấn phẩm quảng cáo thậm chí cả giáo trình
Sau vụ việc mới đây tại Việt Nam đã phát hiện và xử lý các trường hợp cài cắm bản đồ đường lưỡi bò vào phim ảnh (như phim hoạt hình Everest – Người tuyết bé nhỏ); trên mẫu xe SUV Volkswagen Touareg trưng bày tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2019 (Vietnam Motor Show 2019); trên một ấn phẩm du lịch ở TP Hồ Chí Minh…

Hay trước đó, vào tháng 5/2018, một đoàn du khách Trung Quốc bị phát hiện mặc áo thun in hình “đường lưỡi bò” ngay tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau đó, cơ quan chức năng địa phương đã yêu cầu những người này cởi bỏ và tịch thu số áo trên.

Thì mới đây tài liệu học tập và giảng dạy cho Khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội được phát hiện in bản đồ hình “đường lưỡi bò” lại tiếp tục làm dư luận “dậy sóng”.

Giáo trình của Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội được phát hiện in bản đồ hình “đường lưỡi bò”

Trở lại với vấn đề cuốn giáo trình sơ cấp tiếng Trung có in hình “đường lưỡi bò”, ông Hà Đức Trụ – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho hay: “Ai mua thì chúng tôi chưa làm rõ, nhưng trách nhiệm thuộc về Ban Chủ nhiệm Khoa Tiếng Trung và tiếng Nhật. Quan điểm của nhà trường là phải nhanh chóng thu hồi và hủy bỏ toàn bộ tài liệu có in bản đồ “hình lưỡi bò”.

Thế nhưng, dư luận cảm thấy bất mãn với lời giải thích đó. Bởi, chưa cần tính “đường lưỡi bò” mà các tiêu chí khác của giáo trình như kiểm duyệt nội dung chẳng hạn. Lúc mua giáo trình trường không đọc trước xem có phù hợp với chương trình giảng dạy của mình không, có đạt yêu cầu chất lượng không?

Hơn nữa, Nhà xuất bản có lỗi của Nhà xuất bản, trường có lỗi của trường, sao quý vị lại đổ lỗi cho bên Nhà xuất bản? Chẳng lẽ Ban giám hiệu, và bộ phận phụ trách mua giáo trình của trường thật sự vô can, vô cảm? Sao quý vị bàng quan với chủ quyền của dân tộc, của đất nước như vậy.

Những chiêu trò núp bóng văn hóa như thế không chỉ dừng lại trong phim ảnh, mà còn xuất hiện cả trong các ấn phẩm nghiên cứu khoa học, tài liệu khoa học…, thậm chí cả đồ chơi trẻ em. Tất cả đều đã được Bắc Kinh tìm cách lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò”… Và những câu chuyện trên chỉ là quá trình cố gắng hợp thức hóa “đường lưỡi bò” phi pháp của mình.

Dù cho, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) phán quyết “đường lưỡi bò” là vô giá trị từ năm 2016, dù cho giới nghiên cứu khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” trên biển Đông của Trung Quốc rất mơ hồ và thiếu chứng cứ. Mặc cho, cộng đồng quốc tế có nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ, vạch ra những điểm vô lý của nó. Nhưng đó là một phần quan trọng trong chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc.

“Đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” là khái niệm mà Trung Quốc dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Cảnh giác “đường lưỡi bò” hiện nay có thể xem không bao giờ là thừa.

Phải nói rằng những chiến dịch quảng bá “đường lưỡi bò” không diễn ra riêng lẻ, và cũng chưa cho thấy có dấu hiệu nào Trung Quốc sẽ dừng lại. Đó chắc chắn không phải là những động thái riêng lẻ, và cũng không phải cuối cùng.

Chính vì thế cảnh giác với Bắc Kinh và “đường lưỡi bò” hiện nay có thể xem không bao giờ là thừa. Để đối phó với một chiến dịch mang tính nhất quán như vậy, Việt Nam cũng cần có những động thái mang tính hệ thống tương thích.

Chúng ta cần nhìn nhận, nhận thức được cái sự nguy hiểm của người Trung xung quanh vấn đề “đường lưỡi bò” và những việc làm như trên suy cho cùng cũng chỉ là nỗ lực hợp thức hóa cái “đường chín đoạn” trong chiến lược thâu tóm Biển Đông của người Trung mà thôi.

Nói như ông Hoàng Việt – chuyên gia thuộc Ban nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì “họ tuyên truyền như vậy, để sau này nếu không vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, thì sẽ dựa vào cái cớ đó để mà nói rằng thế giới đã chấp nhận điều đó rồi”.

Để đạt được tham vọng này, Trung Quốc phải trở thành cường quốc biển, phải độc chiếm và thống trị Biển Đông – kho tài nguyên thiên nhiên (hải sản và khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, băng cháy) giàu có và tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới.

Vì vậy, ngay trong tuyên bố của mình năm 1958, khi ban hành Luật về Lãnh hải, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa” (trên thực tế là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Tuy nhiên, mãi đến năm 2009, Trung Quốc mới chính thức lộ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông qua việc đệ trình lên Liên Hợp Quốc tấm bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò). Theo đó, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scaborough.

Để bao biện cho hành vi và tham vọng đầy sai trái của mình, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng cho rằng, việc cải tạo các bãi đá ở Biển Đông là “hoàn toàn hợp pháp” vì những bãi đá này nằm trong “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đã đề ra yêu sách chủ quyền dù yêu sách này không hề được cộng đồng quốc tế công nhận mà thậm chí còn bị phản đối gay gắt.

Có thể nói, việc Trung Quốc bất chấp luật pháp và phản ứng của cộng đồng quốc tế để hoàn tất bằng được hành động cải tạo đảo phi pháp ở Biển Đông cho thấy, nước này muốn từng bước khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của mình. Thông qua hành động trên, Trung Quốc muốn chứng tỏ nước này đang kiểm soát thực tế các khu vực tranh chấp, tạo thuận lợi cho Trung Quốc về dư luận và phần nào về pháp lý nhằm hợp thức hóa yêu sách “đường 9 đoạn”.

Chính vì thế, bên cạnh việc kịp thời ngăn chặn những ấn phẩm, bản đồ, sách báo có hình “đường lưỡi bò” phi pháp vào Việt Nam, trong trường hợp đã để lọt cửa, phải phạt nặng hoặc đưa ra hình thức kỷ luật thích đang mang tính răn đe để tình trạng này không tái diễn.
Đinh Lực

Đọc nhiều