Cảnh báo thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản ngân hàng dịp Tết
Các ngân hàng thương mại vừa đồng loạt phát đi cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng qua đó chiếm đoạt tài sản của các khách hàng. Các thủ đoạn này đặc biệt có dấu hiệu gia tăng trong dịp Tết.
Giải thích về các cảnh báo vừa được gửi tới khách hàng, đại diện ngân hàng Vietcombank cho biết, thời điểm cận Tết hằng năm luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ngân hàng này theo đó cảnh báo các khách hàng về 2 thủ đoạn chính là lừa đảo lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng và lừa đảo tự chuyển tiền.
Một thủ đoạn phổ biến vào dịp lễ, Tết là các đối tượng lừa đảo mạo danh là người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả mạo và yêu cầu xác nhận thông tin. Sau khi khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc các thông tin về thẻ (số thẻ, ngày hiệu lựa, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP), đối tượng lừa đảo sẽ dùng các thông tin này để truy cập và chiếm đoạt tiền từ tài khoản của khách hàng. “Ngân hàng không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức” – Vietcombank cho biết.
Trong khuyến cáo mới nhất vừa phát đi, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng cảnh báo khách hàng về thủ đoạn các đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo cho khách hàng có khoản tiền chuyển vào tài khoản nhưng bị lỗi giao dịch. Để nhận tiền, khách hàng cần cung cấp user, mật khẩu đăng nhập và mã xác thực giao dịch (OTP; Smart OTP); hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng thông báo tài khoản của khách hàng bị xâm nhập và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu giao dịch Internet Banking; mã xác thực giao dịch. Khi có được các thông tin này, các đối tượng sẽ dễ dàng đăng nhập và chiếm đoạt tiền từ tài khoản của khách hàng.
Một thủ đoạn chiếm đoạt thường gia tăng trong dịp Tết là các đối tượng sẽ mạo danh người thân gửi đường link giả dịch vụ chuyển tiền quốc tế WesternUnion nhờ nhận hộ tiền. Khi khách hàng truy cập vào đường link giả này và nhập thông tin đăng nhập, mật khẩu Ebank và OTP kích hoạt dịch vụ, đối tượng lừa đảo sẽ nắm được toàn bộ thông tin của khách hàng và tự cài đặt Smart OTP để giao dịch chuyển tiền. Theo ngân hàng SHB, đường link giả WesternUnion thường có dạng https://bank247quocte-westernunion.weebly.com hoặc https://westernunion.weebly.com.
“Trên thực tế, ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập, mã xác thực giao dịch và mật khẩu Internet Banking hoặc số PIN thẻ ATM, 3 số bảo mật ở mặt sau của thẻ tín dụng hoặc bất kỳ thông tin cá nhân của KH qua email hay điện thoại” – đại diện SHB cho biết. Chính vì vậy, khách hàng tuyệt đối không cung cấp cho bất cứ ai các thông tin về các dịch vụ ngân hàng gồm tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực OTP ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng. Các khách hàng cũng được khuyến cáo không được thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng bất cứ khi nào nhận được cuộc điện thoại, tin nhắn có nội dung lạ, liên quan đến giao dịch ngân hàng như nạp thẻ, rút tiền, chuyển tiền qua ngân hàng hay truy cập vào link lạ. Đồng thời không truy cập hoặc nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking, mã xác thực OTP, số tài khoản của mình vào một trang web/liên kết khác với trang web của ngân hàng” – SHB khuyến cáo.
Hoàng Nam/bizlive
Đọc nhiều