Cảnh báo mới về biến thể Omicron từ G7

18/12/2021 08:00

Các nước G7 (gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) vừa đưa ra thông báo mới về gọi biến thể Omicron. Theo đó họ gọi đây là “mối đe dọa hiện thời lớn nhất đối với y tế công toàn cầu”.

G7 nhấn mạnh sự xuất hiện của Omicron cho thấy hơn bao giờ hết các nước phải hợp tác chặt chẽ. Anh, hiện giữ ghế Chủ tịch G7.

Vương Quốc Anh ghi nhận số ca lây nhiễm cao kỷ lục trong ngày, 79.000 người hôm thứ Tư, kể từ khi đại dịch bắt đầu, và bộ trưởng Y tế Anh cảnh báo rằng còn nhiều kỷ lục nữa sẽ bị phá vỡ.

Trước đó, Vương quốc Anh thông báo sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn của các Bộ trưởng Y tế các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để bàn cách đối phó với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện đang lây lan mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại số 10 Downing Street, Giáo sư Chris Whitty cho biết biến thể Omicron đang lây nhiễm với tốc độ phi thường và số ca lây nhiễm sẽ tiếp tục đạt mức cao mới trong những tuần tiếp theo.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/12 cảnh báo Omicron sắp lây lan nhanh hơn ở nước này và những người không chịu tiêm vắc xin Covid-19 sẽ đối diện một “mùa đông của bệnh nặng và chết chóc”, theo AFP. Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau kêu gọi người dân cảnh giác trong những ngày nghỉ sắp tới trước nguy cơ số ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao, theo Hãng tin The Canadian Press.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo, biến thể Omicron có khả năng làm tăng số ca nhập viên và tử vong tại châu Âu, đồng thời có thể là tác nhân chính gây ra các ca nhiễm mới tại châu Âu vào tháng 1 hoặc tháng 2/2022.

ECDC cho rằng, ngay cả khi biến thể Omicron gây ra bệnh lý ít nghiêm trọng hơn, nhưng nó sẽ nhanh chóng gây ra các ca bệnh theo cấp số nhân, từ đó dẫn tới mức độ nhập viện và tử vong cao hơn.

Trong một cảnh báo nghiêm khắc đối với châu Âu, báo cáo đánh giá rủi ro nhanh mới nhất của ECDC đã hối thúc các chính phủ châu Âu thực hiện hành động khẩn cấp để làm chậm sự lây lan của chủng Omicron vốn rất dễ lây lan, lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi và Botswana vào tháng 11/2021.

ECDC đánh giá xác suất lây lan của Omicron là “rất cao” và nguy cơ tổng thể mà nó gây ra cho sức khỏe cộng đồng ở châu Âu là “rất cao.”

Giám đốc ECDC, bà Andrea Ammon nói: “Trong tình hình hiện tại, chỉ riêng việc tiêm chủng sẽ không cho phép chúng tôi ngăn chặn tác động của biến thể Omicron, bởi vì sẽ không có thời gian để giải quyết các lỗ hổng tiêm chủng vẫn còn tồn tại. Điều cấp thiết là cần phải có hành động mạnh mẽ để giảm nguy cơ lây bệnh và giảm bớt gánh nặng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong những tháng tới.”

Cũng theo bà Andrea Ammon, tiêm chủng vẫn là chìa khóa để giảm tác động của biến thể Omicron và Delta, vốn là biến thể phổ biến trong khu vực.

ECDC cho biết các hệ thống y tế phải hành động ngay lập tức để tăng cường năng lực, trong khi các chính phủ không được loại bỏ các biện pháp phòng dịch như yêu cầu đeo khẩu trang và làm việc từ xa.

Bình luận về báo cáo đánh giá rủi ro mới của ECDC, Cao ủy về Y tế của Liên minh châu Âu (EU), Stella Kyriakides, nói rằng trong khi EU đã chuẩn bị tốt hơn cho làn sóng lây nhiễm Omicron sắp tới, thì EU vẫn cần quản lý và thúc đẩy nhanh hơn việc triển khai mũi tiêm tăng cường của vaccine COVID-19 cho toàn bộ người dân./.

Tốc độ tự nhân lên của biến thể Omicron nhanh gấp 70 lần Delta

Biến thể Omicron đến nay đã xuất hiện ở 77 quốc gia, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hôm qua, chuyên gia Michelle Groome thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia về bệnh lây nhiễm của Nam Phi cho hay nước này chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng là do biến thể Omicron, nhưng số người chết và nhập viện ít hơn so với những làn sóng Covid-19 trước đó. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho rằng dữ liệu như thế không có nghĩa biến thể Omicron ít nguy hiểm hơn, mà là vắc xin đang ngăn chặn bệnh nặng và tử vong, theo AFP.

Hạnh Nhân

Đọc nhiều