420
category
388415

Cảnh báo chiến thuật mới của Trung Quốc còn nguy hiểm hơn cả yêu sách “đường lưỡi bò”

Văn Dân 27/04/2020 19:43

Để đối phó với thất bại trong yêu sách “đường lưỡi bò” sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA), Trung Quốc từ lâu đã ngấm ngầm thay đổi chiến thuật chiếm trọn biển Đông bằng yêu sách “Tứ Sa” sai trái. ‘Đây được coi là cuộc xâm lược bằng tên gọi, xâm lược bằng bản đồ. Mà xâm lược này có hiệu quả đấy” – Tiến sĩ Trần Công Trục lên tiếng cảnh báo. Tiếc thay, cho đến thời điểm này không chỉ người dân mà thậm chí nhiều kênh truyền thông báo đài trong nước vẫn còn “ngây ngô”, “mê đắm” trong những bài viết lên án dã tâm xâm lược của Trung Quốc với những cái tên Đường “lưỡi bò”, đường “chữ U” hay đường “đứt khúc 9 đoạn”… vốn đã không còn giá trị pháp lý. 

Trong khi Trung Quốc đã bước qua giai đoạn những tuyên bố úp mở về yêu sách “Tứ Sa” như cái cách Phó Vụ trưởng Vụ Điều ước và Pháp luật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Tân Dân lần đầu đề cập đến yêu sách này trong cuộc họp kín với Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 8/2017. Bước sang nửa đầu năm 2019, Trung Quốc đã chính thức hóa cái gọi là “Tứ Sa” bằng cách công hàm CML/14/2019 và số CML/11/2020 gửi Liên Hiệp Quốc.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp – Ảnh: AFP

Việc diễn giải yêu sách “Tứ Sa” lần này được Trung Quốc cẩn thận tính toán, sử dụng câu từ ra vẻ “thượng tôn pháp luật” hơn, được cập nhật nhiều hơn các khuyến nghị có lợi từ giới học giả Trung Quốc và thân TQ, ‘cao tay’ hơn so với một yêu sách “đường lưỡi bò” bị đánh giá là rất mơ hồ. Nguy hiểm hơn, nhiều nhà nghiên cứu chung nhận định rằng, trong khi yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm hơn 80% diện tích biển Đông thì với yêu sách “Tứ Sa”, TQ tham vọng độc chiếm vùng biển rộng lớn hơn, ước tính trên 90%. Với “Tứ Sa” chính quyền Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố nước này có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với khu vực Nam hải chư đảo, gồm bốn nhóm đảo mà TQ gọi là quần đảo: Đông Sa (đảo đá Pratas), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield, một bãi ngầm hoàn toàn nằm dưới mặt nước ngay cả khi triều xuống thấp nhất). Song song đó, TQ đòi hỏi các quyền lợi phi lý liên quan đến vùng biển rộng lớn này, như: (a) Các nhóm đảo nói trên là quần đảo và được sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở và vùng nước quần đảo; và (b) Các nhóm đảo này có vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng. Cạnh đó, TQ vẫn theo đuổi quan điểm nước này có quyền lịch sử ở biển Đông, điều mà Tòa Trọng tài năm 2016 đã bác.

Hiện thực hóa học thuyết “Tứ Sa” tự vẽ, chính là những hoạt động bồi đắp trái phép các khu vực nước này chiếm đóng trái phép bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, và một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. TQ ngoài mặt dân sự hóa các đảo nhân tạo bằng cách đưa dân ra sinh sống, xây dựng đường bay, mở dịch vụ du lịch, đặt trạm nghiên cứu, dự báo thời tiết, hải đăng,… còn thể hiện, qua hình ảnh vệ tinh từ các cơ quan nghiên cứu của Mỹ và nước ngoài cung cấp, nỗ lực quân sự hóa, biến các đảo nhân tạo thành các tiền đồn quân sự, bao gồm lực lượng vũ trang.

Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông bị Tòa Trọng tài bác bỏ năm 2016. Ảnh: CSIS

Năm 2020 cung cấp các chỉ dấu cho thấy TQ đang từng bước “thể chế hóa” những khu vực chiếm đóng, đầu tư trái phép suốt nhiều năm qua. Từ việc lập hai quận đảo mới trực thuộc cái mà TQ gọi là “thành phố Tam Sa” tại vị trí 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế, đến việc tự tiện công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” (tên chính thức) của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Dù bị phản đối và biết rõ những việc làm này là vô ích về mặt luật pháp quốc tế nhưng TQ vẫn cố tình thực hiện, thậm chí kéo dài để hòng tạo ra thực trạng “bình thường mới” hay “chuyện đã rồi” để thế giới phải chấp nhận.

Các tuyên bố, quyết định về hành chính cũng như các hành vi pháp lý trên cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ cùng những hành động quyết đoán trên thực địa đã đánh dấu việc đẩy mạnh ‘yêu sách Tứ Sa’, bước đi mới của Trung Quốc để đẩy nhanh âm mưu bá quyền Biển Đông.

Dù “Tứ Sa” đóng vai trò chiến lược trong tham vọng Biển Đông của Trung Quốc nhưng xét về khía cạnh pháp lý, nó cũng không có giá trị gì giống như cái gọi là “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra” như nhận định của ông James Borton, nhà nghiên cứu độc lập về Biển Đông tại Trung tâm Khoa học Ngoại giao Đại học Tufts (Hoa Kỳ). Thậm chí,  “hành động của Trung Quốc đi ngược lại với mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực mà các nước đang theo đuổi” – Nhà nghiên cứu James Borton nhận định.

Việt Nam thời gian vừa đã kịp thời lên tiếng một cách mạnh mẽ. Công hàm số 22/HC-2020 của Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ gửi Tổng thư ký LHQ rất rõ ràng với nội dung cụ thể, đặc biệt là đã nhấn mạnh giá trị Công ước Luật Biển là văn bản pháp lý có giá trị duy nhất xác định hiệu lực của hai quần đảo, khẳng định bãi cạn không phải cơ sở thực hiện quyền thụ đắc lãnh thổ. Theo đó, yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc hoàn toàn trái quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong EEZ của Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông. Đó là những điều rất mới so với trước đây, được các nước như Philippines, Malaysia, Indonesia hiểu rõ hơn và chia sẻ quan điểm của Việt Nam. Điều đó cũng giúp gắn kết các nước đó trong việc tìm kiếm quan điểm chung của ASEAN ứng phó với Trung Quốc.

Ảnh vệ tinh chụp ngày 10-4 phát hiện máy bay săn ngầm KQ-200 của Trung Quốc tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép – Ảnh: ImageSat International

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa máu thịt sử sách đã ghi rõ rồi, nhưng Trung Quốc cứ lờ đi, họ với mưu đồ bá chủ biển Đông cứ cố trưng ra thứ tài liệu “cổ sử” ngụy tạo. Phát ngôn và Công hàm từ Bộ Ngoại giao là của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam. Phát ngôn ấy, nội dung Công hàm ấy là đại diện cho sức mạnh của Việt Nam. Là tuyên bố chủ quyền quốc gia của hơn 90 triệu dân Việt trước thế giới.

Tứ Sa từ góc độ chiến lược và pháp lý quốc tế thực chất là chiêu bài “bình mới rượu cũ”, thay đổi chiến thuật, mượn ngôn ngữ của UNCLOS để diễn giải sai lệch nhằm phục vụ cho mục tiêu không đổi của Trung Quốc là kiểm soát Biển Đông. Bằng cách sử dụng yêu sách “Tứ Sa” sai trái, kết hợp với chiến thuật dùng sức mạnh quân sự để bắt nạt, Trung Quốc mưu toan độc chiếm biển Đông. Mà như Tiến sĩ Trần Công Trục nói thẳng “Đây được coi là cuộc xâm lược bằng tên gọi, xâm lược bằng bản đồ. Mà xâm lược bản đồ này có hiệu quả đấy. Nay người Việt Nam chúng ta nhiều tài liệu phải đề cập đến cách gọi của họ”. Đã đến lúc yêu sách “Tứ Sa” phải được gọi đúng với danh xưng ẩn sau dã tâm thôn tính chủ quyền biển đảo Việt Nam. Bất kể là ai dù là người dân thường cho đến báo giới, giới chức phải gọi đúng mà đề phòng, mà đáp trả.

Văn Dân

Tags :
Đọc nhiều