Căng thẳng với Nga leo thang, Mỹ cân nhắc điều thêm quân đến Ukraine

16/04/2021 22:35

Quyền Đại sứ Mỹ thông báo, nước này đang cân nhắc gia tăng sự hiện diện quân sự tại Ukraine trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Washington và Kiev với Moscow.

Quyền Đại sứ Mỹ tại Ukraine Kristina Kvien đưa ra tuyên bố trên hôm 16/4, tiếp sau buổi lễ chào mừng đợt thứ 8 luân chuyển các chuyên gia quân sự Mỹ đến Ukraine để huấn luyện binh sĩ nước sở tại. Bà Kvien lưu ý thêm rằng, chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 125 triệu USD cho Kiev, bao gồm kinh phí đào tạo, trang bị và cố vấn cho quân đội Ukraine.

Căng thẳng với Nga leo thang, Mỹ cân nhắc điều thêm quân đến Ukraina
Quyền Đại sứ Mỹ tại Ukraine Kristina Kvien

Bà Kvien nói, Ukraine cần sự hỗ trợ để chống lại “hành động gây hấn do Nga hậu thuẫn ở Donbas”. Quyền đại sứ đồng thời nhấn mạnh, Kiev không phải chịu trách nhiệm về việc bùng phát chiến sự hiện thời ở khu vực miền đông đất nước, vốn đã bị chiến tranh tàn phá.

Theo Sputnik, các phát biểu của bà Kvien trái ngược với quan điểm của Điện Kremlin. Nhà chức trách Nga chủ yếu đổ lỗi cho Ukraine vì đã không kiểm soát được binh lính và không hoàn thành các nghĩa vụ của họ theo Hiệp định Minsk.

Về phần mình, Thủ tướng Ukraina Denys Shmyhal mới đây cũng yêu cầu Mỹ mở rộng chương trình huấn luyện quân đội ở nước này với lí do việc đó rất cần để ứng phó với Nga.

Cuộc xung đột ở Donbass bắt đầu từ năm 2014 sau khi phe đối lập được các chính phủ phương Tây hậu thuẫn đã thực hiện một cuộc đảo chính ở Ukraine, buộc tổng thống dân cử phải rời nhiệm sở. Cuộc chính biến do các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc quốc gia tiến hành đã làm dấy lên lo ngại ở miền đông Ukraine rằng các nhà lãnh đạo mới sẽ đàn áp những cộng đồng dân cư nói tiếng Nga, khiến các vùng Donbass và Lugansk đơn phương tuyên bố ly khai.

Kiev đáp trả bằng cách xếp họ là những phần tử khủng bố và phát động chiến dịch quân sự trừng phạt, khiến hàng nghìn người, bao gồm cả dân thường, thiệt mạng ở hai khu vực ly khai. Giao tranh kết thúc khi cả hai bên ký Hiệp định Minsk vào năm 2015.

Dưới sự trung gian hòa giải của các chính phủ Châu Âu và Nga, các phe phái đối lập đã nhất trí thực hiện một số bước nhất định để chấm dứt xung đột và tái hợp nhất Donbass cũng như Lugansk vào Ukraine, đồng thời giải quyết các mối quan ngại của họ. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, Moscow liên tục cáo buộc Kiev đã không thực hiện thỏa thuận bằng cách trốn tránh các nghĩa vụ của họ một cách có hệ thống.

Tuấn Anh

Tags :
Đọc nhiều