Cần xóa bỏ tư tưởng “Mất tiền mua mâm…” khi du lịch

14/07/2019 06:30

Bỏ tiền mua dịch vụ để hưởng thụ nên có quyền làm mọi thứ bao gồm cả việc xả rác bừa bãi? Vấn đề về văn hóa ứng xử khi đi du lịch luôn là câu chuyện nhức nhối của những người đứng đầu ngành, ngay cả khi bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ VH-TT&DL ban hành cách đây chưa lâu.

Cần xóa bỏ tư tưởng “Mất tiền mua mâm…” khi du lịch - 1

Trên thực tế, câu chuyện về hành xử kém nơi công cộng nhất là khi đi du lịch, vẫn diễn ra hàng ngày.

Ở chiều ngược lại, một số bộ phận cho rằng, khi đã trả tiền để thuê dịch vụ nào đó, đồng nghĩa với việc số tiền này bao gồm cả chi phí quét dọn, thu gom rác thải. Người dùng dịch vụ có quyền xả rác thoải mái vì nhân viên dọn phòng được trả lương để dọn dẹp. Đây là chuyện đương nhiên không có gì phải bàn cãi. Phải chăng đó chính là tâm lý mất tiền “mua mâm phải đâm cho thủng?”

Trước đó, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch. Bộ quy tắc gồm 2 chương với 12 điều, áp dụng cho khách du lịch là người Việt Nam du lịch trong nước và nước ngoài; khách nước ngoài đến Việt Nam và các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch…

Nhiều quy tắc trong Bộ ứng xử đề nghị người dân không xả rác, khạc nhổ bừa bãi, không vẽ lên tường, tượng bia đá, không hút thuốc lá nơi không được phép, cần xếp hàng, tôn trọng sự khác biệt văn hóa tín ngưỡng… cùng nhiều khẩu hiệu tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch được đưa ra nhằm nâng cao hình ảnh của du khách Việt.

Với ngành du lịch, Bộ quy tắc ứng xử rất cần thiết, nhưng hiện còn đang dừng ở tính định hướng hành vi, khuyến cáo, đưa ra thông điệp để truyền thông, không bắt buộc phải thực hiện.

Vì chưa phải là văn bản pháp luật nên không có chế tài, không thay thế quy định pháp luật về xử phạt hành chính. Bởi vậy, dù có bộ quy tắc nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác của khách du lịch và người dân. Thế mới nói, ngay cả câu chuyện tưởng chừng đơn giản như việc xả rác thiếu ý thức như trên, chưa có quy định cụ thể về mức xử phạt thì hiện tại vẫn phải trông chờ vào nhận thức “mưa dầm thấm lâu” của mỗi người.

Nhìn sang các nước xung quanh hầu hết đều ban hành quy tắc ứng xử, với những quy định chặt chẽ. Năm 2013, Tổng cục Du lịch quốc gia Trung Quốc (NTA) đã phát hành sổ tay dài 64 trang với quy định cụ thể về quy tắc ứng xử cho người dân khi du lịch ở nước ngoài. Sau đó, NTA tiếp tục đưa ra quy định nghiêm ngặt những điều du khách cần chú ý nếu không muốn liệt vào “danh sách đen”. Trong danh sách, người vi phạm có thể bị cấm rời khỏi Trung Quốc từ 2-5 năm tùy thuộc mức độ vi phạm.

Một số quốc gia như Thái Lan, Campuchia, Singapore kêu gọi du khách quốc tế cần tuân thủ các giá trị địa phương khi tới tham quan…

Việt Hà

Đọc nhiều