Cẩn trọng với “bẫy” thầu giá rẻ của Trung Quốc
Cần phải thận trọng với “bẫy” bỏ thầu giá rẻ của Trung Quốc, đó là lời nhắc nhở không bao giờ thừa.
Nhà đầu tư Trung Quốc đang “rót” mạnh vốn vào các lĩnh vực năng lượng, điện trong lúc Việt Nam đang kêu gọi vốn ngoài nhà nước để thúc đẩy các dự án. Vì vậy, làm thế nào để đảm bảo an toàn hệ thống năng lượng nói riêng và cảnh giác các tác động tiêu cực đến môi trường, an sinh xã hội, an ninh đất nước là bài toán cần các nhà quản lý phải cân nhắc thận trọng.
Nhà thầu Trung Quốc áp đảo dự án năng lượng
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết, tại dự án nhiệt điện Na Dương II hiện có 16 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, hầu hết là nhà thầu Trung Quốc. Còn dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I có 8 bộ hồ sơ quan tâm, trong đó có 7 nhà đầu tư Trung Quốc và 1 nhà đầu tư Việt Nam.
Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 – 2020 trên toàn hệ thống là 21.650MW. Hiện nay các dự án đang được các chủ đầu tư tích cực triển khai.
Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950MW, trong đó có 2 dự án chưa triển khai, 2 dự án đang chuẩn bị các bước đầu tư. Cụ thể:
Dự án nhiệt điện Na Dương II có công suất 110MW, tổng mức đầu tư hơn 4.194 tỷ đồng. Điện lượng bình quân 639 triệu kWh/năm. Dự án được xây dựng tại thị trấn Na Dương và xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I có công suất 1.200MW, có tổng mức đầu tư 48.516 tỷ đồng (tổng mức đầu tư được phê duyệt theo Quyết định số 348/QĐ-TKV ngày 6/3/2017 của TKV) với nguồn vốn 20% của chủ sở hữu TKV và các nhà đầu tư khác, 80% còn lại đi vay.
Về cơ cấu vốn góp, TKV góp 36%, tối thiểu 2 nhà đầu tư khác góp 64% (mỗi nhà đầu tư nhỏ hơn 36%).
Đáng chú ý, cả hai dự án đều gặp những khó khăn riêng. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, dự án Na Dương 2 gặp khó có nhiều nguyên nhân, nhưng lớn nhất vẫn là do Bộ Tài chính không đồng ý đưa dự án này vào nhóm được bảo lãnh Chính phủ, nên TKV phải tìm kiếm các giải pháp để huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Nhưng tính đến thời điểm này vẫn chưa có ngân hàng trong nước nào quan tâm tài trợ cho dự án. Do vậy, chủ đầu tư có thể phải xem xét phương án yêu cầu nhà thầu EPC thu xếp vốn cho dự án.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện dự án này, do công tác đàm phán hợp đồng mua bán điện bị kéo dài, việc xin cấp bảo lãnh Chính phủ không đạt kết quả, dẫn đến việc thu xếp vốn vay gặp nhiều khó khăn, kéo theo việc phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC dự án bị chậm.
Còn đối với dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng (do nhiều hộ dân không đồng thuận) nên hiện vẫn chưa tiến hành được việc tổ chức kiểm đếm, cũng như lập phương án bồi thường.
Từ đó cho thấy, khả năng trúng thầu của các nhà thầu Trung Quốc là cực lớn do việc phê duyệt tổng mức đầu tư thấp dẫn đến các nhà thầu chào công nghệ tiên tiến, xuất xứ từ các quốc gia phát triển đều không trúng thầu do vượt tổng mức đầu tư.
Do hạn chế về năng lực, kinh nghiệm nên trong hồ sơ mời thầu, các chủ đầu tư Việt Nam chưa đưa ra được rào cản kỹ thuật để loại bỏ những hàng hóa có chất lượng thấp; chưa đưa ra được công thức xác định giá đánh giá phù hợp nhằm lựa chọn được các nhà thầu có thực lực, có kỹ thuật tốt và có đề xuất cạnh tranh về giá.
Có thể nói, việc chọn nhà đầu tư trong và ngoài nước không quan trọng, kể cả nhà đầu tư Trung Quốc. Vì nhà đầu tư là người đem tiền vào. Vấn đề nằm ở cơ quan quản lý có đủ năng lực để đưa ra các điều khoản hợp đồng, giám sát thực thi hợp đồng hay không.
Nói như TS Nguyễn Hữu Đức thì “Bất kể nhà đầu tư nào, kể cả trong và ngoài nước, nếu không quản lý tốt, đều có vấn đề như đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng kém, mua bán thầu…”.
Cẩn trọng với “bẫy” thầu Trung Quốc giá rẻ
Thực tế cho thấy, nhà đầu tư Trung Quốc đang “rót” mạnh vốn vào các lĩnh vực năng lượng, điện trong lúc Việt Nam đang kêu gọi vốn ngoài nhà nước để thúc đẩy các dự án. Vì vậy, làm thế nào để đảm bảo an toàn hệ thống năng lượng nói riêng và cảnh giác các tác động tiêu cực đến môi trường, an sinh xã hội, an ninh đất nước là bài toán cần các nhà quản lý phải cân nhắc thận trọng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình – Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, cho rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, rót vốn vào ngành năng lượng là tất yếu bởi quy định pháp luật cho phép. Đặc biệt với nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng, tới đây việc thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào lĩnh vực điện sẽ ngày càng sôi động.
Tuy nhiên, nhìn từ bài học của Mỹ, cách đây không lâu, ngày 1/5 Tổng thống Donald Trump vừa ban hành sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về các mối đe dọa đối với hệ thống điện năng của Mỹ. Cần rất thận trọng, đặc biệt, cần có cơ chế cấm hoặc kiểm soát các điều kiện đầu tư hoặc mua lại với những tổ chức, cá nhân được kiểm soát bởi hoặc chịu sự quản lý của đối thủ nước ngoài.
Còn theo một chuyên gia ngành điện, cần phải có hàng rào kỹ thuật để yêu cầu các nhà đầu tư Trung Quốc phải tuân thủ đáp ứng yêu cầu công nghệ. Tùy từng dự án có thể ràng buộc cơ cấu tỉ lệ sở hữu.
Nhìn rộng ra, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) là một điển hình rõ nét nhất, đội vốn khủng, 8 lần trễ hẹn. Dự án có tổng mức đầu tư gần 553 triệu USD vào năm 2008, sau đội lên hơn 868 triệu USD (tăng hơn 315 triệu USD), phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm hơn 250 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam tăng thêm hơn 64,5 triệu USD. Về tiến độ, dự án khởi công ngày 10/10/2011, ban đầu dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 6/2014, nhưng từ khi khởi công đến nay dự án đã qua 8 lần phải điều chỉnh tiến độ và đến thời điểm này vẫn chưa rõ đến bao giờ mới có thể chính thức vận hành.
Dẫn chứng về dự án đường bộ thi công cẩu thả, không quan tâm đến chất lượng. Chẳng hạn trong dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, hạng mục chính hầm chui đi qua địa bàn xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thuộc gói thầu A2, do Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng cầu đường Sơn Đông (Trung Quốc) làm nhà thầu thi công nhưng đã chống dột bằng băng keo dán.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: “Ở “sân” Việt Nam, Trung Quốc là người đến sau, vốn rót vào tăng khá nhanh nhưng không có gì quá đặc biệt. Họ “rải” đầu tư khá đều cả về địa bàn phân bổ cũng như ngành nghề. Tuy nhiên, điều đáng nói là những ảnh hưởng của nguồn vốn từ nền kinh tế này lại đến từ hình thức tổng thầu (EPC), tiêu biểu nhất trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng, gây ra những lo lắng có cơ sở”.
Như đã nói ở trên, nhà đầu tư Trung Quốc đã áp đảo hồ sơ dự thầu với hai dự án năng lượng, dù chưa công bố kết quả nhưng nhìn vào thành phần tham gia cho thấy tỷ lệ trúng thầu rất cao với các nhà đầu tư Trung Quốc bằng nhiều hình thức như trực tiếp tham gia, liên danh với nhau hoặc liên kết với doanh nghiệp Việt Nam.
Chính vì vậy, cần phải thận trọng với “bẫy” bỏ thầu giá rẻ của Trung Quốc, đó là lời nhắc nhở không bao giời thừa. Bởi “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nhiều chủ đầu tư vì lý do nào đó đã chấp nhận đánh đổi hiệu quả để lựa chọn nhà thầu Trung Quốc. Điều đó khiến cho dự án lâm cảnh lao đao, không tìm thấy lối ra. Đó là chưa kể, đây là vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia.
Vì thế, nếu mỗi chủ đầu tư đều nhận thức được trách nhiệm của mình, nâng cao năng lực giám sát, thực thi thì sẽ loại bỏ được các nhà thầu kém chất lượng, bất kể là nhà thầu từ quốc gia nào.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả