130115
topics
355887

Cẩn trọng ! Mang khẩu trang không thể tránh được virus viêm phổi

24/01/2020 17:25

Các chuyên gia cho rằng mang khẩu trang chỉ có tác dụng hạn chế chống lây nhiễm virus. Giáo sư Jean-Christophe Lucet khuyến cáo nên mang khẩu trang đúng cách đi kèm với rửa tay thường xuyên.

Mang khẩu trang có thể tránh được virus viêm phổi hay không? - Ảnh 1.
Người dân Trung Quốc mang khẩu trang trên đường ra ga Bắc Kinh về quê ăn tết ngày 21-1 – Ảnh: AP

Từ lúc biết dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus (nCoV) có thể lây từ người sang người, người dân Trung Quốc đổ xô đi mua khẩu trang để ngăn ngừa lây nhiễm. Chính quyền Macau đã bắt buộc tất cả nhân viên sòng bạc phải mang khẩu trang.

Khẩu trang không chỉ chống bụi

Giáo sư Jean-Christophe Lucet phụ trách khoa chống nhiễm trùng tại bệnh viện Bichat ở Paris (Pháp) ghi nhận mang khẩu trang đã trở thành thói quen ở châu Á.

Ông lưu ý: “Tại Trung Quốc, khi một người mắc bệnh cúm, anh ta mang khẩu trang để tránh lây nhiễm cho những người anh ta gặp trên đường hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng”.

Ông nhấn mạnh: “Nhiều người phương Tây cứ tưởng dân Trung Quốc mang khẩu trang để bảo vệ bản thân chống bụi bặm nhưng thật ra không chỉ có vậy. Theo thời gian, khẩu trang đã trở thành một biện pháp vệ sinh đối với dân Trung Quốc giống như rửa tay vậy”.

Trong bối cảnh bệnh viêm phổi cấp do nCoV đang lây lan, người dân Trung Quốc càng giữ rịt lấy khẩu trang.

Mang khẩu trang có thể tránh được virus viêm phổi hay không? - Ảnh 2.
Mang khẩu trang loại xịn mới chịu! – Ảnh: alterinfo.net

Không bảo đảm an toàn 100%

Trả lời BBC News, tiến sĩ David Carrington ở Đại học London (Anh) nhận xét: “Khẩu trang phẫu thuật dùng cho công chúng không phải là biện pháp bảo vệ hiệu quả chống virus và vi khuẩn có trong không khí vì khẩu trang quá thưa, không có bộ lọc không khí và để phơi mắt”.

Giáo sư Jonathan Ball ở Đại học Nottingham (Anh) ghi nhận muốn bảo vệ tối ưu phải mang khẩu trang trong thời gian dài nhưng không ai có thể làm theo lời khuyên này.

Về cơ bản rất ít công trình nghiên cứu chứng minh hiệu quả thực sự của khẩu trang. Tiến sĩ Jake Dunning ở Đại học Hoàng gia London (Anh) nhận xét: “Có rất ít bằng chứng cho thấy lợi ích của việc đeo khẩu trang ở những nơi khác ngoài bệnh viện”.

Ngoài ra, ông còn nhắc nhở phải đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên thay khẩu trang để làm tăng hiệu quả.

Trao đổi với báo Huffington Post, nhà nghiên cứu Sandrine Belouzard làm việc tại Trung tâm Nhiễm trùng và miễn dịch Lille (Pháp) cho rằng khẩu trang bảo vệ lây nhiễm không nhiều và không đạt hiệu quả 100%. Dù vậy, khẩu trang là lá chắn cần thiết.

Nếu bạn mắc bệnh, khẩu trang sẽ ngăn chặn virút phát tán. Đối với người không mắc bệnh, khẩu trang  bảo vệ trong mức độ nhất định, ví dụ ngăn chặn nước bọt bắn ra từ những người đi trên tàu điện ngầm chẳng hạn.

Mang khẩu trang có thể tránh được virus viêm phổi hay không? - Ảnh 3.
Khẩu trang y tế FFP2 (trái) và khẩu trang thông thường – Ảnh: LCI

Thở qua khẩu trang phải đúng cách

Giáo sư Jean-Christophe Lucet nhấn mạnh khẩu trang có tác dụng chống lây nhiễm không phải là loại khẩu trang chống văng nước bọt đơn thuần giống như khẩu trang mà các bác sĩ phẫu thuật và nhân viên y tế sử dụng.

Khẩu trang hữu ích nhất là loại bảo vệ đường hô hấp theo tiêu chuẩn FFP2 có trang bị bộ lọc. Nếu không có chức năng lọc, khẩu trang không bảo vệ được người sử dụng khỏi nhiễm virus.

Về hình thức, chức năng của khẩu trang y tế FFP2 khá đơn giản gồm nhiều lớp màng lọc giúp ngăn chặn các tác nhân lây nhiễm tiếp xúc với màng nhầy. Dù vậy, điều quan trọng không kém là cách sử dụng khẩu trang. Điều quan trọng là hít thở qua bộ lọc chứ không phải ở hai bên khẩu trang.

Trong quy định y tế quốc tế năm 2009 được bổ sung sau đại dịch cúm A (H1N1) năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh: “Lợi ích của việc mang khẩu trang trong cộng đồng chưa được chứng minh… trái ngược với không gian hạn chế nơi xảy ra tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng giống cúm”.

Song song theo đó, WHO cũng cảnh báo: “Trên thực tế sử dụng khẩu trang không đúng cách có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm thay vì giảm bớt nguy cơ. Nếu phải sử dụng khẩu trang, cần phải được tập huấn cách sử dụng đúng thiết bị này”.

Mang khẩu trang có thể tránh được virus viêm phổi hay không? - Ảnh 4.
Cảnh sát Trung Quốc mang khẩu trang làm việc ở nhà ga ngày 22-1 – Ảnh: REUTERS

Người Pháp ít mang khẩu trang

Hiện nay, người Pháp nói riêng và dân phương Tây nói chung thường nhận thức không tốt về việc mang khẩu trang.

Trang web của Bộ Y tế Pháp đã từng nhận xét khả năng chấp nhận mang khẩu trang ở Pháp rất thấp.

Rất hiếm người Pháp mang khẩu trang trên đường phố, trên các phương tiện giao thông công cộng hay không gian mở, dù Viện Dự phòng và giáo dục y tế quốc gia Pháp (INPES) khuyến nghị mang khẩu trang là một trong những cách bảo vệ tránh lây nhiễm virút cúm cho những người xung quanh.

Giáo sư Jean-Christophe Lucet hối tiếc: “Ở Pháp, mang khẩu trang vẫn còn là điều cấm kỵ. Người ta cảm thấy hơi kỳ kỳ khi mang khẩu trang, thậm chí còn bị kỳ thị. Trong khi đó ở Trung Quốc, mang khẩu trang là chuyện bình thường”.

Che miệng và rửa tay đúng cách

Coronavirus Trung Quốc lây nhiễm theo hai cách. Lây nhiễm khi ho và hắt hơi bắn ra nước bọt nhiễm virus lan trong không khí và lây nhiễm qua tay chạm vào người mắc bệnh nhưng không được rửa ráy sạch sẽ.

Do đó, cách bảo vệ tốt nhất là dùng khuỷu tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi, không đưa tay vào miệng trước khi rửa tay đúng cách và thường xuyên rửa tay. Đây là lời khuyên tuy kinh điển nhưng rất hiệu quả.

HOÀNG DUY LONG/TTO

Đọc nhiều