Cẩn trọng khi “Trung Quốc trở lại”
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo điều kiện cho nhiều ngành hàng xuất nhập khẩu, nhưng cũng đặt các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Việt Nam vào thách thức cạnh tranh hơn.
Trong vài tháng qua, tâm lý trên thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một sự thay đổi đáng chú ý từ cực kỳ bi quan sang ngày càng lạc quan. Những nhà đầu tư lạc quan có ba lý do để kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc có thể ít bị tổn thương hơn trước những khó khăn đang giáng xuống phần còn lại của thế giới.
Đầu tiên, Trung Quốc không có gói kích thích của chính phủ hỗ trợ sự phục hồi sau thời kỳ phong tỏa như ở Mỹ và châu Âu. Gói này giúp củng cố thị trường việc làm nhưng đồng thời cũng đốt nóng lạm phát.
Thứ hai, Trung Quốc có nhiều năng lực dự phòng trong nền kinh tế để mở rộng các dịch vụ có nhu cầu tăng đột biến vì tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và các doanh nghiệp nhỏ đang chịu tổn thương nặng nề. Áp lực trên các thị trường toàn cầu có lẽ cũng sẽ ít nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc mở cửa trở lại giữa lúc tăng trưởng thế giới đang suy yếu.
Thứ ba, Trung Quốc có khả năng sẽ không đối mặt tình huống khan hiếm lao động giống như ở Mỹ, nơi nhiều người rút khỏi lực lượng lao động kể từ sau đại dịch Covid-19.
Tác động đến kinh tế Việt Nam
Theo các chuyên gia kinh tế, Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc đạt đến 150 tỷ USD một năm. Kim ngạch nhập khẩu hàng năm tăng trưởng tới 17%, kim ngạch xuất khẩu hàng năm cũng tăng trưởng đến 13,5% đối với thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch của Trung Quốc sang Việt Nam hàng năm có tốc độ tăng trưởng 30%, song 9 tháng đầu năm vừa qua, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam chỉ chiếm 3%. Như vậy khi Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tác động rất tốt đến nền kinh tế của chúng ta.
Riêng với thị trường chứng khóa, khi kinh tế Trung Quốc mở cửa sẽ tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nó sẽ tác động nhiều đến năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn trong giai đoạn tới. Khi đó, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ dồi dào hơn, tạo nhiều điểm sáng trong năm 2023.
Cẩn trọng khi Trung Quốc mở cửa biên giới
Cùng với tác động tích cực, các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng khi Trung Quốc mở cửa biên giới. Theo đó, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch cũng sẽ đem lại một số khó khăn cho doanh nghiệp do có một luồng hàng hóa lớn, giá thành thấp sẽ tràn vào Việt Nam, cạnh tranh với sản phẩm trong nước.
Nhìn nhận về những khó khăn này, các chuyên gia kinh tế cho rằng để không bỏ lỡ những cơ hội về giao thương trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần: Theo dõi sát thị trường và chủ động đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu của thế giới và Việt Nam để kịp thời có những điều chỉnh ứng phó. Sửa đổi Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (ban hành ngày 22/01/2020) cho phù hợp với tình hình mới sau đại dịch.
Trong đó cần chú trọng các giải pháp phát triển du lịch bền vững, dựa trên sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cân bằng giữa các mục tiêu về kinh tế, môi trường và văn hóa, xã hội. Chú trọng khâu triển khai thực hiện, rà soát và cập nhật kịp thời. Chuẩn bị giải pháp bình ổn giá lương thực, thực phẩm phòng khi giá lương thực, thực phẩm tăng do nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc; Tập trung vào giải pháp đối với khâu lưu thông, phân phối; Xử lý nghiêm các hiện tượng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng lương thực, thực phẩm…
Đối với doanh nghiệp, ngoài việc tận dụng và khai thác tốt hơn Hiệp định tự do mà cả Việt Nam và Trung Quốc tham gia như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thì các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu để tránh đứt gẫy nguồn cung, cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu. Cùng với đó các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự kết nối lại, cùng nhau hợp tác để tạo thành sức mạnh tổng thể, nhằm cạnh tranh sòng phẳng, hiệu quả trên trường quốc tế.
Đồng thời, phải tận dụng được nguyên vật liệu sẵn có trong nước cũng như nguồn đầu vào giá rẻ để giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh. Cuối cùng, cần tranh thủ đẩy mạnh, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khi thời điểm này, khách Trung Quốc chắc chắn đang rất muốn đi du lịch, sau thời gian dài bị hạn chế đi ra nước ngoài để phòng dịch.
Diệu Hương