419
category
525801

Cần sớm có quy định hướng dẫn sử dụng và công khai quỹ công đức để người dân yên tâm khi làm việc nghĩa

Đỗ Mạnh 08/06/2021 16:34

Việt Nam là đất nước có nhiều công dân theo Phật giáo, vì vậy khắp nơi trên đất nước, ở bất kì thôn, xã nào người dân cũng có thể thấy các công trình chùa hoặc đình làm nơi cho các phật tử lui tới cúng bái lễ phật, nhất vào các ngày rằm, mùng 1 và các ngày lễ tết trong năm.

Vì lý do đó, đình chùa là nơi tâm linh, là nơi người dân tìm sự bình an mỗi khi họ gặp những điều bất trắc trong cuộc sống. Đến chùa người dân được tĩnh tâm, được sám hối, được răn dạy về những triết lý sống trên đời. Chùa cũng là nơi những phật tử được thắp những nén nhang dâng lên chốn linh thiêng để cầu nguyện và mong ước những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống của mỗi người và xã hội. Vì ý nghĩa đó khi đến chùa, những phật tử chẳng bao giờ tiếc công, tiếc của luôn sẵn sàng đóng góp vào những việc công đức của nhà chùa.

Vì lẽ đó đến bất kì ngôi chùa nào người ta cũng thấy nhà chùa đặt ở những nơi trang trọng nhất những hòm công đức làm chỗ cho các phật tử bỏ tiền vào đóng góp cho những mục đích thiện nguyện. Những đóng góp lớn ở nơi đình chùa các phật tử đều được nhà chùa cấp giấy chứng nhận cho những việc làm thiện nguyện của phật tử. Của ít lòng nhiều, góp gió thành bão mỗi người một ít thì ngày qua ngày số tiền phật tử đóng góp cho mục đích công đức không phải là nhỏ, nhất là tại các lễ hội, những điểm thu hút du lịch tâm linh trong cả nước như Chùa Hương, Chùa Bái Đính, chùa Tam chúc, lễ hội Yên tử và các điểm du lịch nổi tiếng khác. Hàng năm tại các đền chùa trên khắp cả nước, số tiền công đức có thể lên đến hàng chục, thâm chí hàng trăm ngàn tỷ.

Do số tiền đóng góp hàng năm của các phật tử không phải là nhỏ nên công tác quản lý tiền công đức tại các chùa, những nơi tổ chức lễ hội cần phải có những quy định sao cho những đồng tiền công đích được sử dụng đúng mục đích và không bị thất thoát. Về vấn đề này, Nhà nước mà nhất là Bộ Tài chính cần sớm có sự phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội phật giáo Việt Nam, Bộ Văn hóa, thể thao du lịch cần phải sớm nghiên cứu và ban hành thông tư nhằm hướng dẫn việc sử dụng quỹ, nhất là tiền công đức do các phật tử đóng góp một cách tự nguyện sao cho đạt hiệu quả và được sử dụng đúng mục đích.

Do tính chất đóng góp cho các quỹ công đức là tự nguyện không bắt buộc về số lượng, trong khi đó bản thân các phật tử thường đóng góp để thỏa mãn sự bao dung độ lượng nơi cửa phật nên thường không đặt nặng vấn đề quản lý đồng tiền mình bỏ ra. Tuy nhiên, đối với quản lý Nhà nước thì đây lại lầ vấn để cần làm có sự minh bạch và công khai các khoản tiền trong quá trình sử dụng.

Trên quan điểm của tác giả, trong mọi trường hợp một khi đã liên quan đến việc sử dụng tiền đều phải quản lý theo các quy định do Nhà nước ban hành. Những quy định đưa ra ngoài mục đích là để những đồng tiền công đức được công khai minh bạch, được sử đúng cách và hợp lý, còn có tác dụng quản lý, giám sát những người được phân công trách nhiệm quản lý và sử dụng nhằm ngăn chặn lòng tham phát sinh khi hàng ngày tiếp xúc với một số tiền không nhỏ.

Để bảo đảm minh bạch thì việc quản lý tiền công đức thu được thì trước mắt cần có quy định cụ thể cho các điểm đặt hòm công đức phải có bộ máy quản lý tiền vào ra hòm công đức kèm theo đó là các quy định kiểm đếm, sổ sách ghi số tiền nộp cho cơ quan chủ quản. Nghiệp vụ này phải được quy định chặt chẽ như thu chi ở một cơ quan Nhà nước, có sự giám sát theo quy định.

Theo đó những khoản tiền đóng góp lớn từ tiền triệu trở lên cần phải có quy định bắt buộc nộp vào kho bạc, biến động của quỹ công đức phải được theo dõi chặt chẽ theo quy định của Bộ Tài chính và TW hội phật giáo Việt Nam. Việc tu bổ chùa chiền ở các địa phương phải dựa trên kế hoạch được các giáo hội phật giáo các địa phương phê duyệt hàng năm. Việc quyết toán thu chi cần phải được kiểm tra kiểm soát như kế toán của một doanh nghiệp tuân thủ các quy định về tài chính mà không có sự ưu tiên cho mục đích nào ngoài sự minh bạch. Việc kiểm toán cũng cần phải thực hiện hàng năm theo quy định. Tại những điểm có nguồn công đức lớn việc công khai thu chi hàng năm là việc cần làm và làm một cách nghiêm túc.

Mặt khác ở những điểm di tích lịch sử, những nơi chùa chiền nổi tiếng cần có ban quản lý riêng đảm nhận quản lý công khai quỹ công đức trên cơ sở các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên có một lưu ý là mọi quy định về quản lý tài chính tại những chốn linh thiêng, những điểm du lịch tâm linh ngoài việc bảo đảm tuân thủ các quy định về quản lý tài chính còn phải tuân thủ các quy định nhằm bảo đảm tự do tôn giáo.Và tất nhiên cũng không được trái với những nội dung đã được quy định tại Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Một việc nữa không kém phần quan trọng là các quy định quản lý ban hành phải đảm bảo yêu cầu không trở thành là rào cản những tấm lòng của nhân dân, phật tử. Bới công đức luôn là việc được khuyến khích nhân rộng. Những vấn đề tín ngưỡng và tự do cá nhân luôn là những vấn đề nhạy cảm, vì vậy những quy định mang tính cấm đoán ngăn cản sẽ không được hoan nghênh trên mọi góc độ và cách nhìn. Bởi vậy để bảo đảm hài hòa lợi ích chung thì việc ban hành các quy định quản lý quỹ công ích cần phải được nghiên cứu một cách kĩ lưỡng không nên quá vội vàng. Các quy định ngoài việc tiến tới sự quản lý minh bạch còn tính đến tôn giáo và tự do cá nhân. Việc đưa ra các quy định càng chi tiết, càng cụ thể sẽ càng tốt tránh những sơ hở không đáng có dễ gây nên sự hiểu lầm.

Hiện nay Nhà nước đã có Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo, đến năm 2016 có Luật Tín ngưỡng tôn giáo, có hiệu lực từ năm 2018. Điều này thể hiện hoạt động tôn giáo phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2013 cũng quy định, Nhà nước đứng ra quản lý các hoạt động văn hóa trong đó có cả hoạt động của tín ngưỡng và tôn giáo. Chính vì vậy chủ trương tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở thờ tự thuộc về tôn giáo, tín ngưỡng trong đó có quản lý hoạt động công đức phải được quán triệt một cách triệt để. Bởi nếu làm tốt, hoạt động công đức sẽ bảo đảm được tính minh bạch.

Trước tình hình thực tế nêu trên, căn cứ vào những gì đang diễn ra thì việc Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 110/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội là cần thiết. Tuy nhiên vấn đề quản lý thu chi tiền công đức từ trước đến nay luôn là vấn đề nhạy cảm, bởi người đóng góp là những người có tâm, còn những nơi thờ tự là những nơi luôn được tin cậy nên mọi vấn đề đặt ra cho công tác quản lý luôn là vấn đề nhạy cảm. Vì vậy để tránh những va chạm không cần thiết, thiết nghĩ trong quá trình soạn thảo thông tư hướng dẫn, giữa các bộ ngành nên có sự thảo luận một cách kĩ lưỡng cho đến khi đạt được sự thống nhất, trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ những quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Tiền công đức được quy định tại các chùa Phật giáo là tài sản của Giáo hội, được ủy quyền cho nhà sư trụ trì trông coi và toàn quyền sử dụng. Vì vậy, nên chăng tiền công đức đối với lễ hội và di tích tôn giáo, Nhà nước chỉ tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát theo đúng thẩm quyền trong các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Tags :
Đọc nhiều