419
category
410274

Cần sớm có biện pháp ngăn chặn tội phạm trốn khỏi Việt Nam trước khi có lệnh khởi tố

Đỗ Mạnh 16/07/2020 17:44

Thời gian gần đây nhiều tội phạm kinh tế ở Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài làm cho công tác truy bắt và điều tra tội phạm ở các vụ án gặp rất nhiều khó khăn.

Điển hình trong các vụ đó phải kể đến Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Kế đến là Vũ Đình Duy Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu Xơ sợi Dầu khí, Bùi Quang Huy, ông chủ Nhật Cường Mobile và gần đây nhất là nguyên thứ trưởng Bộ Công thương, Bà Hồ Thị Kim Thoa ….. Có một điểm chung đối với những nhân vật này là đều trốn ra nước ngoài trước khi có lệnh khởi tố, Bộ Công an đã phải phát lệnh truy nã quốc tế để truy bắt.

Dư luận cho rằng sở dĩ liên tục để xảy ra các trường hợp tội phạm kinh tế bỏ trốn gây rất nhiều khó khăn cho việc điều tra xử lý các vụ án kinh tế là do chúng ta chưa có những quy định quy định bảo đảm tính thống nhất với pháp luật tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự, tố tụng hành chính… bổ sung các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp:

Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

Người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án.

Người đại diện theo pháp luật của DN đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, các hành vi này thường sẽ xử lý hình sự. Người có hành vi tham nhũng khi bị kiểm tra, thanh tra rất hay bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, thanh tra, cũng như chuyển sang xử lý hình sự.

Vấn đề đặt ra hiện nay đối với Việt Nam là làm thế nào để phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm bỏ trốn là các cơ quan chức năng cần tổ chức giám sát chặt chẽ các đối tượng trong diện điều tra; áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ trong công tác quản lý xuất nhập cảnh. Đặc biệt là phải cấm xuất cảnh ngay những trường hợp khi đã khởi tố bị can thì cần áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam để loại trừ khả năng đối tượng bỏ trốn.

Một điều quan trọng khác là các hoạt động điều tra phải bảo đảm bí mật một cách tuyệt đối, tránh rò rỉ thông tin, có quy định và quy chế kiểm tra kiểm soát thông tin một cách gắt gao bảo đảm bí mật một cách tuyệt đối, phòng tránh việc lọt thông tin, triển khai các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để giám sát di biến động của đối tượng, kịp thời phát hiện các âm mưu bỏ trốn của đối tượng.

Trong một số trường hợp cần thiết, do tính chất phức tạp của các vụ án, thời hạn cấm xuất cảnh đối với các đối tượng tình nghị có thể phải kéo dài cho đến khi các chứng cứ phạm tội được làm rõ.  Đối với các đối tượng có chức vụ cần có những quy định chặt chẽ hơn, kiểm soát thông tin trên diện rộng hơn để tránh những trường hợp được ông anh hay bà chị báo tin mật cho các đối tượng chạy trốn ngay trong khi các hoạt động điều tra chỉ mới bắt đầu.

Đối với những tội phạm đã bỏ trốn, mặc dù Việt Nam đã có Luật tương trợ tư pháp  từ năm 2017, song những những quy định về dẫn độ tại Chương IV còn rất chung chung và còn lạc hậu với các điều ước quốc tế song-đa phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên; chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế xử lý các vụ việc dẫn độ của Việt Nam. Các trường hợp đối tượng truy nã bỏ trốn sang quốc gia chưa ký hiệp định song phương hoặc đa phương liên quan. Một khó khăn khác là về tội danh cũng khác nhau nên khi Việt Nam có yêu cầu mà tội danh đó lại không có trong quy định luật pháp của nước mà tội phạm đang lẩn trốn, chúng ta sẽ khó lòng nhận được thiện chí của các nước mà chúng ta yêu cầu.

Vì vậy để ngăn chặn tội phạm trốn ra nước ngoài trước khi khởi tố, yêu cầu các hoạt động điều tra phải được giữ bí mật một cách tuyệt đối, bổ sung thêm các chế tài cấm xuất cảnh đối với những người nằm trong diện nghi vấn. Xử lí nghiêm những người để lộ thông tin giúp tội phạm trốn ra nước ngoài. Quy định thêm khung xử phạt những tội phạm trốn ra nước ngoài bị bắt dẫn độ về nước để làm gương cho kẻ khác. Tăng cường hợp tác và tìm hiểu luật pháp của các nước để có những tư vấn tham mưu cho Chính phủ ban hành những luật phù hợp với thông lệ quốc tế đồng thời không trái với những quy định luật pháp của Việt Nam sao cho khi truy nã quốc tế chúng ta sẽ nhận được sự giúp đỡ tận tình của các nước trên thế giới. Khi được các nước bắt tay ủng hộ đồng nghĩa với việc tội phạm dù trốn đi đâu cũng sẽ không thoát được lưới pháp luật của Việt Nam.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều