Cần sớm bỏ hộ khẩu
Những ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc giữ hay bỏ hộ khẩu tại về dự thảo luật Cư trú sửa đổi một lần nữa cho thấy quyết tâm rất lớn để bỏ đi loại giấy tờ đang hạn chế quyền công dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Trên thế giới bây giờ có bao nhiêu quốc gia còn hộ khẩu? Nước Lào cạnh chúng ta còn không? Chắc chỉ có Việt Nam còn tồn tại loại hình sổ hộ khẩu. Thế giới giờ đã có một thẻ căn cước công dân, chỉ quét là ra hết thông tin cá nhân”.
Chủ tịch Quốc hội nhận xét, quyền tự do cư trú đã được quy định trong luật và đến lúc cần bỏ những thủ tục giấy tờ cũ: “Mấy chục thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu lạc hậu rồi thì bỏ đi. Tại sao cứ bám vào những điều kiện đó? Tạm trú, tạm vắng có quản được không? Khó lắm! Nên giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì tiến bộ, thuận tiện, hiện đại cho dân thì phải làm, đừng luyến tiếc những thủ tục rườm rà”.
Là người chủ trì dự thảo Luật Cư trú sửa đổi, Bộ trưởng Công an Tô Lâm kiên trì đề nghị giữ nguyên phương án Chính phủ trình là thời điểm luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021 thay vì đến năm 2025 như đề xuất của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Ông nói: “Không có căn cứ gì để kéo dài việc giữ sổ hộ khẩu giấy cho tới năm 2025 nếu đối chiếu với các công việc đang thực hiện. Lộ trình, bước đi chúng tôi đã vạch ra và quyết tâm thực hiện”.
Những quan điểm như trên của Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Công an là rất thẳng thắn và rõ ràng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với nhu cầu của cuộc sống. Nhà nước nhận ra sổ hộ khẩu đã trở nên lỗi thời thì nên bỏ ngay đi để vừa tạo điều kiện cho nhân dân, vừa tạo áp lực để hiện đại hóa bộ máy quản lý nhà nước.
Còn nhớ, theo tính toán sơ bộ của Bộ Công an, bỏ sổ hộ khẩu để áp dụng số định danh cá nhân cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Có lẽ rất ít người Việt Nam không gặp rắc rối với chuyện hộ khẩu trong công việc và cuộc sống hàng ngày trong những năm qua.
Kinh nghiệm thế giới
Trên thế giới chỉ có rất ít các quốc gia có hệ thống đăng ký cư trú vừa gắn với việc cung cấp dịch vụ xã hội và vừa quy định hạn chế việc thay đổi đăng ký.
Liên bang Xô Viết từng có hệ thống đăng ký cư trú rất chặt chẽ được gọi là propiska giống như mô hình hộ khẩu trước đây được tạo ra để ngăn nông dân rời bỏ làng quê và hạn chế dòng người đổ vào các thành phố lớn. Đến 1991, khi Liên Xô tan rã, Ủy ban Kiểm soát Hiến pháp (tiền thân của Tòa án Hiến pháp) đã tuyên bố hệ thống propiska vi hiến và kết luận rằng các cá nhân cần phải được tự do di chuyển và lựa chọn chỗ ở của mình và họ chỉ có nghĩa vụ thông báo cho chính quyền về sự lựa chọn của họ.
Ở Trung Quốc, chính quyền thiết lập nên hệ thống hukou vào năm 1958 nhằm kiểm soát việc di cư của người dân. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hệ thống hukou, cùng với việc áp dụng các hệ thống phân chia khẩu phần lương thực tại làng xã và đô thị, đã ngăn cấm việc di dân giữa nông thôn và thành thị và giữa các khu vực. Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ 60% dân số là cư dân đô thị và 45% cư dân đô thị có hukou tại địa phương.
Mô phỏng hệ thống hukou, hệ thống hộ khẩu ở Việt Nam được thiết lập từ năm 1964 như là một công cụ để đảm bảo an ninh trật tự và quản lý nhà nước về kinh tế. Mỗi công dân đều phải đăng ký thường trú tại một và chỉ một hộ gia đình tại địa điểm thường trú, và việc di chuyển chỉ có thể được thực hiện với sự cho phép của chính quyền.
Việc gắn hộ khẩu với phân phối tiêu dùng, tiếp cận dịch vụ công và việc làm đã biến cuốn sổ hộ khẩu trở thành một công cụ hữu hiệu để kiểm soát di cư và cư trú. Trước Đổi mới, có rất ít người di chuyển nơi cư trú mà không có sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền, và người dân phải rất vất vả để có thể sống khi không có hộ khẩu thường trú ở địa phương.
Cuốn sổ hộ khẩu và quyền con người
Gần đây, một loạt những cải cách trong cư trú đã làm giảm tầm ảnh hưởng của hệ thống hộ khẩu khi thủ tục đăng ký tạm trú đã dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, hệ thống hộ khẩu là một trong các nguyên nhân gây ra bất bình đẳng về cơ hội. Những người đăng ký tạm trú vẫn đối mặt với những thách thức khi nhập học cho con em vào các trường công lập, đặc biệt ở bậc học mẫu giáo. Một số người đăng ký tạm trú phải trả những khoản phí chăm sóc sức khỏe nhiều hơn.
Có hai lý do để xem xét việc cải cách hệ thống hộ khẩu.
Thứ nhất là những rào cản mà những người đăng ký tạm trú gặp phải khi tiếp cận những dịch vụ và việc làm trong khối Nhà nước, tạo ra những phí tổn xã hội và sự bất công. Đặc biệt, những rào cản này gây ảnh hưởng tới trẻ em, nhất là trong đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm y tế và giáo dục, làm hạn chế khả năng thay đổi địa vị xã hội của các thế hệ sau.
Thứ hai, hệ thống này có thể gây ra những tổn thất về kinh tế thông qua nhiều phương diện như làm giảm việc di cư, kìm hãm sự chuyển đổi cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Với một lượng lớn dân nhập cư tiếp tục di chuyển tới những thành phố lớn của Việt Nam, rõ ràng hệ thống hộ khẩu khiến người ta e ngại khi di cư do họ hầu như không có những mạng lưới quan hệ xã hội giúp họ giải quyết những khó khăn do hệ thống hộ khẩu tạo ra.
Những bất cập như vậy đã nhận được quyết tâm rất lớn để giải quyết, qua phát biểu của các nhà lãnh đạo Quốc hội vừa qua.
Không phải đến hiện nay, tại các cuộc thảo luận về dự thảo Luật Cư trú năm 2013, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu cần loại bỏ hệ thống hộ khẩu do vi phạm quyền con người.
Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ đó là ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp đã chất vấn: “Tại sao lại gắn quyền tự do cư trú của cá nhân vào hộ gia đình? Chúng ta đặt ra hộ khẩu rồi lại áp đặt con người vào trong đó, tôi quá ngạc nhiên. Sao chúng ta lại đặt ra sự vô lý đến vậy?”
Những bước tiếp theo
Cho đến nay, 7 năm trôi qua, giờ là lúc chín muồi để bỏ sổ hộ khẩu.
Theo dự án Luật Cư trú sửa đổi, dự kiến từ năm 2021 sẽ áp dụng số định danh cá nhân trong cơ sở dữ liệu dân cư để thay cho một số loại giấy tờ, trong đó có sổ hộ khẩu giấy. Cần phải hiểu đề xuất này không phải bỏ quản lý nhà nước về dân cư mà thay thế phương thức quản lý.
Hiện nay vẫn còn gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Sổ hộ khẩu giấy gắn với rất nhiều thủ tục mà người dân cần giải quyết, bỏ nó thì phải có cơ sở dữ liệu dân cư được xây dựng đầy đủ và vận hành trơn tru mới đáp ứng được nhu cầu của người dân, không gây ra tắc nghẽn và bất cập.
Vì lẽ đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lo lắng là từ nay đến khi Luật dự kiến có hiệu lực (1/7/2021), chỉ còn một năm, không đủ thời gian để hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân, đảm bảo vận hành ngay trên thực tế.
Lo lắng đó là có cơ sở. Vì lẽ đó, sự chuẩn bị cần được tiến hành sớm để đến thời điểm luật có hiệu lực vào giữa năm sau không có lúng túng trong triển khai.
Nhiều quốc gia, như Estonia, đã tích hợp rất nhiều loại giấy tờ cá nhân vào duy nhất 1 chiếc thẻ. Nỗ lực này đã giảm nhẹ rất nhiều thủ tục cho người dân và các công đoạn quản lý nhà nước. Các quốc gia làm được, chúng ta cũng sẽ làm được, nhất là khi chương trình xây dựng Chính phủ điện tử đang được cam kết đẩy nhanh chưa từng có.
Tư Giang/VNN