419
category
415206

Cần phòng chống dịch triệt để trước khi dịch chưa xuất hiện

Đỗ Mạnh 30/07/2020 18:34

Mấy ngày nay tại Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM liên tiếp công bố những ca nhiễm Covid-19 mới. Đặc biệt là Đà Nẵng trong ngày 30/7 có 45 ca nhiễm mới thấy phòng chống lây lan là một công tác không được lơ là chủ quan ngay cả khi trong xã hội chưa phát dịch.

Phố Tạ Hiện, Hà Nội những ngày sau giãn cách

Chúng ta không sợ, không hoảng loạn nhưng chúng ta có vẻ như hơi chủ quan khi ở các phố đêm ở Hà Nội  luôn tụ tập đông người, ăn uống vui chơi mà không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách. Mặc dù hiện tại chưa có lệnh cấm nào được ban bố nhưng rõ ràng chúng ta có vẻ như đang đùa với dịch bệnh. Trong thời gian 99 ngày bình yên Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 mới nào, thì trên khắp các bãi biển trên cả nước từ Đồ Sơn, Bãi Cháy, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng… cho đến Phú Quốc luôn chật cứng người. Thậm chí còn đông hơn những mùa trước khi chưa có dịch. Các sinh hoạt cộng đồng đã trở lại một cách mạnh mẽ, hàng quán trở lại hoạt động sôi nổi, các sân bóng đá dần dần được lấp kín khán giả. Trong lúc mọi thứ đang dần trở lại bình thường thì ở Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện những ca nhiễm mới.

Nhiều người thận trọng khi nhìn toàn cảnh đất nước tấp nập trở lại đã có những băn khoăn và lo lắng và dự báo dịch sẽ quay lại. Rõ ràng là sự lo lắng của họ là không thừa, bởi xung quanh Việt Nam các nước láng giềng dịch bệnh vẫn đang lây lan, trên thế giới thì dịch bệnh chưa một ngày ngưng nghỉ, số người mắc mới và số người tử vong hằng ngày vẫn không ngừng tăng lên. Trong khi đó mọi sinh hoạt trong cộng đồng diễn ra ở Việt Nam như chưa hề có dịch. Một thời gian dài khoảng cách tiếp xúc giữa người với người hầu như không còn bị giới hạn. Người ta chỉ còn thấy các cuộc họp của Chính phủ là vẫn còn duy trì với hình thức trực tuyến, còn các cơ quan khác hầu như đều đã không còn được áp dụng. Rõ ràng là qua trường hợp bùng phát tại Đà Nẵng đã cho thấy mặc dù đã chuẩn bị và dự báo trước nhưng chúng ta chưa dự báo hết, chưa có những biện pháp quyết liệt để lấp những lỗ hổng pháp lý nhằm tạo ra một hàng rào vững chắc để ngăn chặn dịch.

Rõ ràng là mở cửa kinh tế đã tạo cho chúng ta một lợi thế không hề nhỏ thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đặc biệt là với các ngành như Du lịch, Hàng không và rất nhiều ngành nghề khác. Sự phục hồi đó đem lại một tinh thần mới cho toàn dân tộc và khơi dậy lòng tin trong nhân dân về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên trong sự bứt phá ngoạn mục đó, những lỗ hổng không mong muốn lại là những nguyên nhân kéo Covid-19 trở lại. Có thể hiểu rằng chúng ta mở cửa nền kinh tế trong khi trên thực tế đất nước nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, thậm chí là còn rất cao khi nhu cầu giao thương trao đổi chuyên gia với các nước đang ở mức cao. Hàng ngàn công dân Việt Nam đang công tác, lao động và học tập ở nước ngoài từ các vùng dịch đang có nhu cầu trở về quê hương.  Đặc biệt trong số họ có rất nhiều người đang mang trong mình bệnh Covid-19. Mặc dù chúng ta thực hiện chính sách cách ly nghiêm ngặt nhưng làm sao có thể khẳng định được làm như vậy là bảo đảm ngăn chặn được dịch là 100%. Đó là chưa kể đến rất nhiều những trường hợp sau khi điều trị khỏi, trở về sinh hoạt cùng với xã hội lại bị tái phát trở lại. Trong khi đó ở các đường mòn, lối mở nạn nhập cư trái phép diễn ra liên tục và đây chính là lực lượng bị dư  luận cho rằng sẽ là nguồn giúp Covid-19 trở lại.

Đến nay thì Covid đã trở lại, cả nước lại gồng mình lên chống dịch, để ngăn chặn khả năng lây lan, thì tất cả các chốt chặn trong cả nước lại được tái khởi động trở lại với một tinh thần quyết liệt và quyết  đoán hơn. Lần này chúng ta chắc chắn sẽ thận trọng hơn, duy trì những biện pháp tiết kiệm nhất để phòng dịch như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, rửa tay xà phòng, những thứ mà trên thực tế chúng ta đã làm rất tốt trong suốt thời gian chống dịch vừa qua. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây, ông cha ta đã vận dụng rất tốt chiến thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh và đạt được những chiến công vô cùng hiển hách mang lại độc lập tự do cho dân tộc. Trong phòng chống dịch Covid-19, nếu áp dụng tốt chính sách này chúng ta sẽ giành thắng lợi mà không tốn kém về kinh tế. Cái quan trọng là phải vận động nhân dân chấp hành những quy định tối thiểu và thực hiện giãn cách để tránh dịch bùng phát lại, phải giãn cách gây thất thoát lớn cho nền kinh tế.

Vì vậy để tránh dịch bùng phát, phải duy trì chế độ phòng dịch dài hơn, bắt buộc mọi công dân phải thực hiện như đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, rửa tay xà phòng. Những chỗ tụ tập đông người bắt buộc phải đeo khẩu trang, tuy không cấm nhưng duy trì khoảng cách giãn cách trong thời gian dài hơn. Các hình thức này phải được vận động và nhắc nhở, buộc mọi người phải thực hiện cho đến khi trong nước và thế giới tuyên bố hết dịch.

Việc làm này trong thời gian vừa qua được Công ty xe buýt Hà Nội thực hiện rất tốt. Trong điều kiện hoạt động bình thường nhưng các nhà xe vẫn yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang mới được lên xe. Những trường hợp không đeo khẩu trang, các lái xe, phụ xe kiên quyết không cho lên xe. Thiết nghĩ tất cả các dịch vụ vận chuyển hành khách trong cả nước nên học tập cách làm của Công ty xe buýt Hà Nội nhằm ngăn chặn các nguồn lây trong mọi trường hợp.

Mở cửa kinh tế không có nghĩa là bỏ mọi biện pháp phòng và chống dịch. Bởi trong điều kiện ô nhiễm không khí như hiện nay, khi các bệnh truyền nhiễm luôn rình rập chúng ta thì những việc nhỏ như đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng cần được tuyên truyền một cách mạnh mẽ để mọi người dân thực hiện một cách nghiêm túc. Một biện pháp ít tốn kém mà hiệu quả cao giúp ngăn chặn nhiều loại bệnh tật đang lây lan trong xã hội. Cái quan trọng là không được nóng vội vì lợi ích nhỏ trước mắt để sau này phải bỏ ra chi phí gấp hàng trăm hàng ngàn lần lợi ích thu được để khắc phục hậu quả.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều