Cần phải ‘vá’ lỗ hổng trên thị trường xăng dầu

14/02/2022 07:37

Một số chuyên gia nhìn nhận thị trường xăng dầu bùng lên cơn khan hiếm giả và kết thúc ngay khi được điều chỉnh tăng giá, diễn biến trong tuần qua thể hiện lỗ hổng trong công tác quản lý hệ thống xăng dầu từng được cảnh báo. 

Doanh nghiệp kinh doanh hưởng lợi hàng tỉ đồng

Ghi nhận đến hôm qua (13.2), các địa phương có hàng chục cây xăng treo biển báo “hết xăng” trong mấy ngày qua đã hoạt động bình thường. Biển báo hết hàng cũng được cất đi sau ngày 11.2 – thời điểm liên bộ Công thương – Tài chính quyết định tăng giá bán xăng gần 1.000 đồng/lít.

Thông tin từ Bộ Công thương, Sở Công thương TP.HCM và một số tỉnh thành phía nam, việc thanh kiểm tra các đơn vị kinh doanh xăng dầu và đầu mối cung cấp vẫn tiếp tục được thực hiện trong tuần này. Đa số đều khẳng định sẽ “xử lý nghiêm” nếu phát hiện có tình trạng găm hàng chờ giá tăng mới bán. Việc xử lý hậu sự cố này có đạt hiệu quả như kỳ vọng không vẫn bỏ ngỏ trong khi theo tính toán, các doanh nghiệp (DN), thương nhân, đại lý găm hàng có thể kiếm bộn từ hành vi này. Một đầu mối kinh doanh xăng tại TP.HCM từng chia sẻ với chúng tôi, mỗi ngày DN này đưa ra thị trường từ 10 xe bồn (trung bình 16 khối/xe, tương đương khoảng 16.000 lít). Trong những ngày giá dầu thế giới tăng mà trong nước chưa kịp điều chỉnh giá, họ chỉ cung ứng “cầm chừng” 1 – 2 xe mỗi ngày để giảm lỗ. Như vậy, với việc giữ lại 8 xe bồn xăng, sau ngày 11.2, tăng gần 1.000 đồng/lít, chỉ 1 công ty này đã hưởng lợi hơn 100 triệu đồng mỗi ngày.

Hay với một cây xăng ở Sóc Trăng trong ngày 10.2 đoàn kiểm tra phát hiện còn tồn khoảng 7.000 lít nhưng không bán. Số xăng này để bán sau 15 giờ ngày 11.2 vừa qua, cửa hàng sẽ lợi thêm 7 triệu đồng. Với hàng trăm cây xăng treo biển báo hết xăng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước thời gian qua, theo ước tính của các chuyên gia, DN kinh doanh xăng dầu hưởng lợi từ hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng.

Một trong những điểm mấu chốt khiến tình trạng khan hàng giả tạo, treo biển ngừng bán… được các chuyên gia và nhà quản lý chỉ ra là vì “lỡ nhịp” điều hành theo chu kỳ tính giá. Cụ thể, Nghị định 95 quy định thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ.

Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo. Tuy nhiên, nghị định cũng ghi rõ: Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp. Thế nhưng, kỳ điều chỉnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa rồi không được thực hiện trong khi giá xăng thế giới tăng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gặp hàng không bán, gây lộn xộn trên thị trường vừa qua.

Quyền điều hành đi… nghỉ tết

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng trách nhiệm để thị trường xăng dầu xảy ra tình trạng khan hiếm giả thuộc về Bộ Công thương, không phải nay cứ báo thị trường đủ nguồn xăng dầu rồi là “xong việc” đâu. Cần “vá” những lỗ hổng trong quản lý xăng dầu. “Đã quy định 10 ngày điều chỉnh, nghỉ Tết Âm lịch đúng ngày 1.2 thì 1 – 2 ngày sau đó phải hỏi ý kiến Thủ tướng để có giải pháp điều chỉnh giá ngay, hoặc theo quy định điều hành lùi sang ngày làm việc tiếp theo phải là ngày 6.2.

Chúng ta đã quyết tâm quản lý giá xăng dầu theo xu hướng giá thế giới, tại sao lại tự cho quyền điều hành nghỉ tết kéo dài, bỏ mất 1 kỳ điều chỉnh giá như vậy? Bộ đã không lường trước được phản ứng của thị trường và quyền lợi chính đáng của DN. Trong khi đó, thực tế các hoạt động thương mại vẫn diễn ra xuyên tết đấy thôi.

'Vá' lỗ hổng trên thị trường xăng dầu - ảnh 1
Tại TP.HCM, trong tuần qua cũng có một số cửa hàng kéo rào không bán, sau khi báo chí phản ánh thì mới tháo rào, đưa hàng về bán.

Đặc biệt, khi đã xảy ra sự cố hàng loạt cửa hàng xăng dầu báo hết hàng, cơ quan quản lý thị trường phải vào cuộc ngay lập tức, kiểm tra các đầu mối phân phối, biển báo “hết xăng” xảy ra từ trước đó cả tuần kia mà. Theo quy định, các công ty đầu mối phải trữ dầu ít nhất 20 ngày, các công ty nhập trữ 30 – 40 ngày, nghĩa là đã nhập về giá cũ, tại sao lại báo bán ra lỗ nên phân phối cầm chừng. Sự chủ quan trong quản lý của chúng ta đã khiến tình trạng “hết hàng” xảy ra theo hiệu ứng domino mà người tiêu dùng trước sau gì cũng bị thiệt thòi nhất”, ông Thịnh bức xúc.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá (nguyên Cục trưởng trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính), cũng nói thẳng hệ thống của 4 DN nhà nước như Petrolimex, PV Oil, Xăng dầu Quân đội hay Saigon Petro sẽ không thiếu, vì họ phải làm nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh năng lượng và an sinh xã hội. Nhưng còn các đầu mối khác họ chỉ là DN thuần tuý, “lời ăn lỗ chịu” nên không dại gì “mua cao bán thấp” khi mà giá bán ra (trước 15 giờ ngày 11.2) cao hơn giá nhập vào tận 1.000 đồng/lít.

“Nói thẳng điều hành của Bộ Công thương kém. Bởi điều này đã được dự báo trước, nhưng cơ quan quản lý nắm bắt không trúng, dự báo không sát và ứng xử không đúng thực tế, nước đến chân mới nhảy khiến thị trường phản ứng tiêu cực”, ông Thỏa nói. Vị này dẫn chứng, việc Nghi Sơn công khai giảm công suất, có lúc tới 40% và tuyên bố nguy cơ dừng hoạt động đã được thông tin rộng rãi thì đáng ra Bộ Công thương phải ngồi cùng họ để gỡ. Cùng với đó là đôn đốc nhập khẩu để bù vào phần thiếu hụt. “Đến giờ, Bộ cũng chưa công bố bao nhiêu DN găm hàng”, ông Thỏa nói thêm và góp ý nên xóa bỏ cơ chế điều hành giá theo chu kỳ. Nếu còn theo chu kỳ thì cái hại là sẽ khiến nhà kinh doanh luôn găm hàng để chờ đợi trước các đợt tăng giá.

Không để ảnh hưởng đến đời sống và an toàn năng lượng quốc gia

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đề nghị: Về lâu dài phải đàm phán lại những gì liên quan dự án lọc dầu Nghi Sơn. Nền kinh tế thị trường thì nguồn vốn do DN tự lo và chịu trách nhiệm. Dự án lọc dầu Nghi Sơn được hỗ trợ từ phân phối, bao tiêu sản phẩm, bù lỗ khi giá giảm… Khi gặp trục trặc họ từ chối không nhập 2 tàu dầu về để sản xuất là khó chấp nhận được. Hàng hóa đảm bảo sản xuất và đời sống người dân, đàm phán thế nào là việc của DN, nhưng bắt buộc không để ảnh hưởng đến đời sống người dân và an ninh năng lượng quốc gia.

Trâm Anh

Đọc nhiều