86
topics
2479

Cần mạnh tay loại bỏ cán bộ gian dối bằng cấp ra khỏi bộ máy

02/07/2019 16:36

Ngày 17/06, Tổng cục phó Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành đã ký quyết định kỷ luật Cục phó Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Quốc Hùng, bằng hình thức khiển trách. Với lý do ông Hùng đã sử dụng “Giấy công nhận văn bằng thạc sĩ không hợp pháp”.

Việc kỷ luật ông Phạm Quốc Hùng vì “Giấy công nhận văn bằng thạc sĩ số 012830/CNVB-Ths ngày 16/2/2017 không hợp pháp…” đang khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi với cách Tổng cục Hải quan xử lý sai phạm trong vụ việc này.

Dư luận đang đặt câu hỏi về nội dung văn bản quyết định này rằng việc cơ quan Tổng cục Hải quan ra quyết định xử lý ông Hùng là vì nhập nhèm giữa “Giấy công nhận văn bằng thạc sĩ” là không hợp pháp hay sử dụng Giấy công nhận văn bằng thạc sĩ không hợp pháp.

Ông Phạm Quốc Hùng – Cục phó Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh

Nếu việc giấy công nhận văn bằng thạc sĩ không hợp pháp thì ông Hùng sẽ không phải chịu kỷ luật, ông có quyền đề nghị cấp lại tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo. vòn nếu sử dụng giấy công nhận bằng thạc sĩ không hợp pháp, tức là bằng giả thì việc kỷ luật theo mức khiển trách là không phù hợp với các quy định hiện hành.

Việc ông Phạm Quốc Hùng sử dụng “bằng dởm” đã vi phạm quy định Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức.

Với việc sử dụng bằng cấp không đúng với thực chất có thể xem là điều không thể chấp nhận được ở trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhất là khi pháp luật đề ra mọi người dân phải trung thực, thì cán bộ phải tuyệt đối trung thực, gương mẫu đi đầu.

Việc lấy những văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định, mạo nhận để tìm cách tiến thân thì đó là điều mà chúng ta cần phải đặc biệt lên án. Nhân dân và dư luận cả nước không chấp nhận sự gian dối đó để có thể luồn sâu, leo cao vào tổ chức được.

Hiện nay, Theo quy định tại Luật cán bộ, công chức 2008 22/2008/QH12 và Nghị định 34/2011/NĐ-CP, đối với công chức có hành vi sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả có thể bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức kỷ luật sau đây:

– Kỷ luật cảnh cáo đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức;

– Kỷ luật cách chức đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;

– Kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Như với quy định trên, thì ông Phạm Quốc Hùng đã vi phạm trong việc “sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ” và sẽ phải bị cách chức, chứ không thể thi hành kỷ luật ở mức độ khiển trách.

Về phía tổ chức Đảng, thì theo Quy định số 102- QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định tại mục a khoản 2 điều 22, như sau:

“Vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển học tập, nâng cao trình độ văn hóa, lý luận, nghiệp vụ, thi chuyển ngạch, nâng bậc để được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, phong tặng hoặc công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước”.

Nếu nói như vậy thì không thể nào Tổng cục phó Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành có thể chỉ ký quyết định khiển trách cá nhân ông Hùng. Hơn nữa, bài học tại tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, xử lý hơn 30 trường hợp cán bộ sử dụng văn bằng giả nhằm hợp thức hóa hồ sơ để được bổ nhiệm năm 2017 nếu so sánh thì ông Hùng “có lợi” hơn rất nhiều.

Hay tiêu biểu nhất là cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh từng khai báo có bằng cấp do trường Southern California University cấp. Nhưng trên thực tế thì bằng của trường này không được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận, với lý do khai man bằng cấp đã khiến ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật bằng hình thức cách chức.

Trong công tác cán bộ hiện nay, dư luận nhân dân cả nước hết sức quan tâm và bày tỏ đồng thuận cao với quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Khi những kết quả đạt được và những quyết tâm loại bỏ những “con lươn, con chạch” leo cao, đang chui sâu vào bộ máy.

Một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra, đó là tình trạng “chạy” bao gồm: “chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội”.

Trong 6 loại trên thì “chạy bằng cấp” là điều rất đáng lên án, bởi nó không chỉ đơn thuần chỉ là sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Mà còn là một trong những biểu hiện của suy thoái về chính trị và làm “mọt ruỗng” văn hóa công quyền hiện nay.

Việc “chạy bằng cấp” sẽ giúp cho những cá nhân cán bộ này có được “vị trí tốt, bổng lộc cao”, được “danh chính ngôn thuận” bằng các tấm bằng vỏ bọc để chiu vào cơ quan công quyền ung dung làm cán bộ, lãnh đạo rồi dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng.

Công tác cán bộ đã được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng coi là yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia, sự trường tồn và phát triển của dân tộc.

“Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật. Công quỹ là của công nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng chiều 25/6/2018.

Vì thế, việc sử dụng giấy công nhận bằng thạc sĩ không hợp pháp của ông Phạm Quốc Hùng là hoàn toàn vi phạm pháp luật, không thể chỉ ở mức xử lý theo biện pháp cảnh cáo như “cưỡi ngựa xem hoa” như vậy được. Mất tiền là mất ít, mất người là mất nhiều, nhưng mất niềm tin là mất tất cả. Để nhân dân không mất niềm tin, thì việc ngăn chặn, xử lý triệt để sự gian dối, sai phạm này là điều cần phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

(Theo Bút Danh)

Đọc nhiều