‘Cần lấy đường sắt Cát Linh – Hà Đông làm bài học với đường sắt cao tốc Bắc – Nam’

10/07/2019 18:43

Theo các chuyên gia kinh tế, cần lấy dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông làm bài học trước khi triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chỉ cần 26 tỷ USD để triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đang dấy lên nhiều tranh cãi. Trong khi đó, theo tính toán tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam của Bộ Giao thông Vận tải, cần có 58,7 tỷ USD mới đảm bảo hoàn thành dự án.

Trả lời VTCNews, Tiến sĩ kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao là cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét việc quy hoạch, thời đểm xây dựng đã thực sự phù hợp hay chưa?

Viện dẫn về vấn đề ngành đường sắt của Việt Nam đang trở nên lạc hậu, tiến sĩ Bùi Kiến Thành nhấn mạnh việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ trở thành “cú huých” lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế. “Dù vậy, với thời hạn và vốn kinh phí quá cao, lại gây tranh cãi thì các cơ quan liên quan cần có sự bàn bạc cụ thể”, ông Bùi Kiến Thành nói.

Chuyên gia kinh tế lấy ví dụ về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. “Dự án này chỉ kéo dài 13 km mà đã xảy ra bao nhiêu hệ lụy, sự cố, độ trễ? Đối với đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nếu kéo dài 30 năm thì nguy cơ đội vốn sẽ rất cao. Chưa nói con số 58,7 tỷ USD đã là một gánh nặng về tài chính. Nếu giá dự án lại đội vốn thì nhiều khả năng công trình sẽ khó hoàn thành. Vì thế cần đặt ra những tính toán cẩn trọng, càng không để lặp lại tình trạng tương tự như công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông”.

 Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Toàn Vũ)
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh: Toàn Vũ)

 

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT bày tỏ quan điểm, đường sắt cao tốc phải đốt cháy giai đoạn, phát triển với công nghệ mới, không thể giữ tốc độ 200km/h.

Ông Thủy cho rằng, Nhật Bản đã phát triển đường sắt cao tốc tốc độ 300-350 km/h, thậm chí 400 km/h và chỉ vài năm nữa, họ sẽ chạy 500km/h bằng động cơ tuyến tính, cạnh tranh được với máy bay.

Nguyên Giám đốc NXB GTVT cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án của Bộ GTVT, phải sử dụng công nghệ cao nhất – công nghệ Shinkansen với tốc độ 350 km/h. Còn phương án xây dựng đường sắt cao tốc tốc độ 200km/h có thể làm tổng mức đầu tư giảm đi nhưng hiệu quả thấp.

“Bộ GTVT cũng phải có một bộ máy tính toán, chuyên gia châu Âu tính chưa chắc đã bằng chúng ta vì đường sắt cao tốc Bắc-Nam không khác gì đường sắt của Hàn Quốc, hầu hết phải chạy trên cao để tránh giao cắt với đường bộ, mà như vậy thì rất đắt. Phải nhìn nhận thực tế đó”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Đối với phương án nâng cấp đường sắt hiện nay lên tốc độ 120-150km/h, theo chuyên gia này cần sử dụng đầu máy diesel công suất lớn để chở cả khách, cả hàng (đường sắt tốc độ cao).

Việc nâng cấp theo tính toán có thể tốn chi phí khoảng 15-20 tỷ USD. Đến năm 2030-2035, Việt Nam tiếp tục triển khai xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam, chi phí cũng cần thêm mấy chục tỷ USD nữa. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, đây là phương án tốt và hiệu quả nhất vì không thể bỏ đường sắt cũ, phải nâng cấp lên để đỡ chi phí, đồng thời thu hút được đa dạng người dân: ai nhiều tiền thì đi đường sắt cao tốc, ai ít tiền hơn thì đi đường sắt tốc độ cao. Khi ấy, đường sắt vừa thu hút được khách vừa thu hút được hàng và là mạch máu giao thông chính của đất nước chứ không phải đường cao tốc.

Chiến lược phát triển giao thông của đất nước cũng nên phát triển mạng lưới đường sắt, nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt lên, giảm bớt đường cao tốc vì cao tốc rất đắt đỏ, chi phí vận chuyển gấp 3-4 lần đường sắt trong khi năng suất kém hơn nhiều, nhanh phá đường, nguy cơ tai nạn giao thông lớn.

(Theo VTC News)

Đọc nhiều