420
category
376488

Cần lắm hành động phản bác tuyên bố “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc

sông trà 25/03/2020 12:13

Chuyện là hôm 16/3/2020, trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đăng tải 2 hình ảnh với ý nghĩa là, Ý đã giúp Trung Quốc trong dịch SARS hồi năm 2008, Bắc Kinh không bao giờ quên và đến giờ là lúc Trung Quốc giúp lại Ý trong dịch COVID-19. Tuy nhiên, cư dân mạng Việt Nam phát hiện một trong hai bức họa có bản đồ Trung Quốc kèm theo “đường lưỡi bò” do nước này tự vẽ ra bao trùm toàn bộ Biển Đông. Hai bức họa này thu hút hàng chục ngàn phản ứng, bình luận trong đó chủ yếu là các tài khoản tiếng Việt khẳng định bằng tiếng Anh và tiếng Việt: “Trung Quốc dừng việc nói dối! Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”. Để ngăn chặn hành vi này, Việt Nam cùng các nước liên quan cần liên tục phản bác những thông điệp tuyên truyền từ Trung Quốc và có hình thức quảng bá chủ quyền ngược lại.

TRung Quốc lợi dụng cứu trợ nhân đạo Ý để truyền bá “đường lưỡi bò” phi pháp.

Đường lưỡi bò đã được người Trung quán triệt tư tưởng

HiệnTrung Quốc vẫn đang tiến hành đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển khi đã bị Toà Trọng tài quốc tế bác bỏ tính hợp lý. Những nước khác cũng đòi chủ quyền ở khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Một trong những dẫn chứng rõ nhất là Bắc Kinh đang vung tiền khắp nơi để quảng bá hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. Nhìn cách Trung Quốc trắng trợn tuyên bố chủ quyền của mình trên khu vực Biển Đông – không chỉ trên các phát ngôn chính thức từ phía chính phủ mà còn qua các kênh tuyên truyền gián tiếp khác – không một quốc gia có quyền lợi liên quan nào không quan ngại đó là thông qua mặt trận văn hóa thông tin.

Bài đăng thể hiện tình cảm với nước Ý nhưng lại ẩn chưa mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc .

Từ chuyện 2 bức họa mà Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đăng tải trên mạng xã hội càng minh chứng cho dã tâm độc chiếm Biển Đông của người Trung. Đây không phải lần đầu tiên “đường lưỡi bò” được tuyên truyền khéo léo như vậy.

Trung Quốc từ lâu đã ý thức được điều đó. Họ tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền về “đường lưỡi bò”, từ sách giáo khoa cho đến các tạp chí khoa học, dù là trong những lĩnh vực có vẻ không liên quan như môi trường, cả trong nước lẫn trên thế giới.

Trước đó, bộ sách Wow! – Những bí mật kỳ diệu dành cho học sinh của tác giả Trung Quốc, dành cho học sinh từ 6 đến 16 tuổi, bị phát hiện có hình ảnh minh họa “đường lưỡi bò”.
Hoặc, người dân phát hiện đoàn du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình “đường lưỡi bò” ngay tại sân bay Cam Ranh – Khánh Hòa. Sau đó, cơ quan chức năng địa phương đã yêu cầu những người này cởi bỏ và tịch thu số áo trên.

Tinh vi hơn, giới cầm quyền Trung Quốc còn phát hành mẫu hộ chiếu mới gắn chip điện tử với các trang bên trong có in hình “đường lưỡi bò”. Cũng bằng những cách tinh vi và xảo quyệt, Trung Quốc thuyết phục, vỗ về các công ty Mỹ như đài ESPN “nói như vẹt” các quan điểm của đảng, và đưa việc tự kiểm duyệt về Trung Quốc vào văn hóa công ty.

Phim Abominable và Operation Red Sea  có lồng ghép đường lưỡi bò vào phim chịu tác động từ chính sách tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc..v..v.
Bằng nhiều con đường khác nhau, các sản phẩm văn hóa được dùng để phát tán, tuyên truyền đường lưỡi bò, những quan điểm phản động, sai trái; tìm cách chuyển trái phép vào nước ta các loại đĩa, sách báo, tranh ảnh, ấn phẩm văn hóa có nội dung phản động, nhằm làm tha hóa lớp trẻ, băng hoại đạo đức xã hội.
Rõ ràng, đó là nguyên do tại sao quyền lực mềm đang được tận dụng tối đa và có khả năng gây ra nhiều tác động hơn cả sức mạnh quân sự và đang được chính quyền nước này tận dụng thông qua mọi phương thức.
Chúng ta đấu tranh quyết liệt trên mặt trận văn hóa tư tưởng

“Đường lưỡi bò” phi pháp trên bản đồ định vị của xe Volkswagen trưng bày tại Vietnam Motor Show 2019 bị người xem phát hiện.

Dưới thời của nhà lãnh đạo Tập Bình, Trung Quốc đã đẩy mạnh hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý trên Biển Đông thông qua hành động cải tạo và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo cũng như tiến hành quân sự hóa trên những thực thể này.

Và “đường lưỡi bò” được “tái khởi động”, là khái niệm mà Trung Quốc dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Dù đây là một sản phẩm tuỳ tiện, vi phạm trắng trợn chủ quyền của các quốc gia khác. Dù yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Theo đó, chính nhận thức, chứ không phải bất cứ điều gì khác, là thứ nguy hiểm nhất trên Biển Đông. Bên cạnh đó, việc chính quyền Trung Quốc đã dùng chính sách “sự đã rồi”, nhưng không thiên về hướng đe dọa quân sự. cũng được tiến hành.

Liên quan vấn đề này, học giả Lý Lệnh Hoa chuyên gia của Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc từng  khẳng định:  “Họ (chỉ những nhà chức trách Trung Quốc) chẳng hiểu gì Công ước 1982 hay UNCLOS, họ bỏ qua lý lẽ và thậm chí coi thường Công ước đã ký. Những gì họ nói, họ biết về “đường lưỡi bò” là vô cùng cẩu thả. Tất cả các đường ranh giới trên đất liền và hải phận trên thế giới đều là những đường liền mạch, rõ ràng, còn đường lưỡi bò chỉ là một vệt 9 đoạn đứt quãng quá mơ hồ”.

Để đối phó với những căng thẳng trên Biển Đông, Việt Nam chúng ta đã đưa tàu ra bám sát và phản đối ngoại giao. Chiến lược này có lẽ là tốt nhất vì tránh được đối đầu trực diện, đẩy Việt Nam vào thế tấn công, không có lợi như thế phòng thủ. Và chiến lược này cũng cho phép Việt Nam duy trì được hình ảnh kiềm chế, hợp pháp trước hành động được coi là xâm lược  của Bắc Kinh. Và hành động này mang tính tích cực trong bối cảnh hình ảnh của Trung Quốc đang bị xấu đi trên thế giới.

Và dĩ nhiên, bức hoạc có đường lưỡi bò mà Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đăng tải kia cũng bị Việt Nam lên tiếng bác bỏ. Ngày 20/3 vừa qua, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán.

Đại diện phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác định phù hợp với quy định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982″. Theo đó, Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông.

Có thể nói, nền tảng đảm bảo cho hoà và đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là tập hợp và phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, tranh thủ được sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, nhất là các cường quốc cùng tất cả các nước có lợi ích chung để ngăn chặn âm mưu, hành động độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, đề cao các giá trị văn hóa dân tộc, đạo đức, lối sống lành mạnh của người Việt Nam.

Song song là kiểm soát, chọn lọc nhập khẩu những sản phẩm văn hóa có nội dung chuẩn, không để lọt những sản phẩm có nội dung mang tính chất tuyên truyền cho sự tồn tại của đường lưỡi bò. Nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh kịp thời, kiên quyết làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch.

Sông Trà

Đọc nhiều