148628
topics
552677

Cần đeo khẩu trang ở khu vực nào khi quyết định mở cửa?

24/09/2021 06:42

Nhiều quốc gia đang đứng trước thời khắc quan trọng. Đó là dần mở cửa và quay trở lại cuộc sống bình thường. Người dân đã có thể tham gia một số hoạt động ngoài trời, nhà hàng, nơi công cộng. Quy định về đeo khẩu trang cũng dần được bãi bỏ ở nhiều nơi và có nhiều quan điểm không đồng nhất.

song chung voi Covid-19 anh 1
Khẩu trang trở thành vật bất ly thân với nhiều người trong đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ngành y tế các nước cũng khuyến cáo đeo khẩu trang là cách giúp ngăn ngừa lây nhiễm nCoV.

Siết chặt ở nơi không gian kín, công cộng

Ngày 28/7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) sửa đổi bản cập nhật và tiếp tục khuyến khích người dân đeo khẩu trang nơi công cộng để bảo vệ bản thân, người khác khỏi lây nhiễm nCoV. Cơ quan này nhấn mạnh cả những người đã tiêm vaccine vẫn cần đeo khẩu trang ở không gian trong nhà, tại các nơi công cộng.

Nhiều bang có quy định bắt buộc học sinh, sinh viên, giáo viên khi vào lớp học phải đeo khẩu trang. Họ có thể bỏ ra khi đi trong khuôn viên khác của trường. Song, không ít bang loại bỏ khẩu trang ra khỏi các quy định.

Ở nơi có chiến dịch tiêm chủng thành công như Israel, khẩu trang được yêu cầu trong các không gian kín như nhà hàng, tiệm cà phê, cắt tóc, spa, nhà hát, rạp chiếu phim, giao thông công cộng… Người đi đường không cần đeo khẩu trang bởi theo giới chức y tế mức độ lây nhiễm nCoV ở những khu vực này rất thấp.

song chung voi Covid-19 anh 2
Nhiều trường học, nơi công cộng, khu vực trong nhà tại Mỹ bắt buộc phải đeo khẩu trang. Ảnh: Sun Sentinel.

Trong bản cập nhật thông tin ngày 21/9, giới chức y tế New Zeland yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ở tất cả không gian trong nhà, trường trung học; trên phương tiện giao thông công cộng; sân bay, ga tàu và bến xe buýt; trên taxi, dịch vụ đi chung xe; đến bệnh viện, viện dưỡng lão; siêu thị, hiệu thuốc, trạm xăng, trung tâm mua sắm, chợ trong nhà, cửa hàng thực phẩm bán mang đi; phòng khám thú y; tòa án, cơ quan chính quyền…

Hà Lan bắt buộc đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng và vận chuyển hành khách khác, trên máy bay, tại trường học, áp dụng cho trẻ em từ 13 tuổi trở lên. Đây đều là những nơi đông người, mật độ di chuyển cao. Nhìn chung, quy định khẩu trang chỉ áp dụng cho những nơi không thể đảm bảo 100% giãn cách tối thiểu 1,5 m.

Tuy nhiên, nước này không quy định cụ thể về khẩu trang ở những không gian kín. Việc có phải đeo khẩu trang hay không phụ thuộc vào từng quản lý tòa nhà, khu vực đó.

Các quốc gia châu Âu khác như Pháp, Đức và Tây Ban Nha, có cách tiếp cận trung lập. Những quốc gia này vẫn áp dụng quy tắc giãn cách và đeo khẩu trang trong trường học, không gian kín, nơi công cộng ngay cả với người đã tiêm chủng.

Tại Canada, người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng – bà Theresa Tam – khuyến khích người dân đeo khẩu trang để phòng dịch trước sự lây lan của biến chủng Delta. Song, nhiều khu vực vẫn bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang với nơi công cộng trong nhà. Đại diện ngành y tế tỉnh này cho hay họ duy trì cách tiếp cận “bình thường mới” với ý thức tự giác từ người dân.

song chung voi Covid-19 anh 3
Người dân Đan Mạch tham gia buổi biểu diễn của ban nhạc “The Minds of 99” tại Copenhagen vào ngày 11/9, đánh dấu sự trở lại cuộc sống bình thường của quốc gia Bắc Âu. Ảnh: Reuters.

Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ mọi hạn chế trong nước do dịch Covid-19 với việc bỏ quy định xuất trình chứng nhận tiêm vaccine. Từ ngày 14/8, chính quyền nước này không còn bắt buộc người dân đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Khẩu trang chỉ bắt buộc đeo tại sân bay và trong các cơ sở y tế, kèm khuyến nghị giữ khoảng cách.

Tương tự Đan Mạch, nước Anh đã bắt đầu năm học mới và hầu hết không áp dụng các biện pháp phòng dịch. Đây là ngoại lệ ở châu Âu. Song, theo khảo sát của YouGov, 70% người Anh tiếp tục đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng, ngay cả sau khi không còn quy định bắt buộc. Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp giao thông vận tải vẫn yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang khi sử dụng dịch vụ.

Không gian kín, điều hòa là nơi dễ lây lan virus

Điểm chung dễ nhận thấy ở các khu vực ủng hộ việc đeo khẩu trang khi chung sống với Covid-19 đó là đều áp dụng ở những không gian kín, sử dụng điều hòa, nơi công cộng, đông người tiếp xúc.

Trong bản cập nhật ngày 30/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết SARS-CoV-2 lây lan giữa người với người thông qua giọt bắn từ người bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp. Virus cũng có khả năng lây lan trong không khí ở những nơi thông gió kém, hoặc trong không gian kín đông người do các hạt aerosol siêu nhỏ chứa virus lơ lửng trong không khí và có thể bay xa hơn 1 m.

CNBC dẫn lời Giáo sư Martin Z. Bazant của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho thay những không gian nhỏ, kém thông gió, nhiều người lưu lại trong thời gian lâu (văn phòng, nhà máy, xưởng sản xuất) có nguy cơ lây nhiễm nCoV rất cao. “Viện dưỡng lao là trường hợp điển hình. Nếu các F0 sống cùng nhau 24/7, thậm chí chung phòng, tỷ lệ lây nhiễm gần như là 100%”, vị chuyên gia cảnh báo.

song chung voi Covid-19 anh 4
Một người dân bang Victoria, Australia, đi bộ trên sân ga vắng vẻ ở đường Flinders hôm 16/7. Ảnh: Reuters.

Đặc biệt, các biến chủng mới dễ lây lan như Delta, việc ở chung trong không gian kín, đông đúc, nhiều người càng tạo cơ hội cho lây nhiễm nCoV. Nguyên tắc mà GS Bazant đưa ra đó là giảm mật độ người trong căn phòng và giảm thời gian họ tiếp xúc với nhau.

Chuyên gia này khuyến cáo chúng ta nên mở cửa sổ hoặc lắp quạt thông gió để không khí được lưu thông. Với các biến chủng có khả năng lây truyền cao hơn 60% như Delta, việc tăng thông gió thêm 60%, giảm thời gian ở trong phòng kín, đảm bảo giãn cách, hạn chế số lượng là cách làm hữu ích để bù lại rủi ro mà biến chủng có thể gây ra.

Theo ông Bazant, ngay cả khi chúng ta quay trở lại cuộc sống bình thường, khẩu trang vẫn là vật cần thiết để tránh lây nhiễm. Bởi nó sẽ lọc các giọt truyền nhiễm và chặn tia không khí trong hơi thở.

Để hiểu rõ hơn về điều này, một số chuyên gia của MIT gần đây thực hiện nghiên cứu về hiệu quả của khẩu trang trong phòng thí nghiệm, sử dụng tán xạ ánh sáng laser để hình dung các giọt bắn được tạo ra khi người nào đó nói chuyện.

Theo phân tích của MIT, mỗi lời nói tạo ra hàng trăm giọt bắn có kích thước 20-500 micronet. Song, các nhà nghiên cứu đã chứng minh việc che miệng bằng tay hoặc khăn đã chặn được gần như 100% những giọt bắn này.

Để làm rõ hơn khẳng định trên, MIT lấy dữ liệu từ nghiên cứu công bố trên tạp chí Health Affairs ngày 16/6 cho thấy tốc độ tăng ca mắc mới chậm lại rõ rệt khi người dân ở 15 tiểu bang và quận Columbia của Mỹ bắt buộc đeo khẩu trang. Số liệu tính từ cuối tháng 3 đến tháng 5/2020. Ước tính, khẩu trang đã giúp ngăn chặn 450.000 ca lây nhiễm nCoV.

Một trường hợp khác được MIT nêu ra là người đàn ông bay từ Vũ Hán đến Toronto (Canada). Anh ta bị ho khan và sau đó có kết quả dương tính với nCoV. Người này đeo khẩu trang suốt chuyến bay. Kết quả, không hành khách nào đi cùng chuyến bay mắc Covid-19.

MIT dẫn chứng một ca bệnh khác là hai nhân viên hiệu tóc ở Springfield, Missouri, Mỹ, tiếp xúc 140 khách hàng, đều đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc. Sau đó, họ phát hiện mắc Covid-19 và không vị khách nào bị lây nhiễm.

Do đó, đeo khẩu trang vẫn là biện pháp phòng dịch đơn giản nhưng hiệu quả, ngay cả khi chúng ta đã bao phủ vaccine Covid-19 tốt.

Thiên Nhan

Đọc nhiều