Nhà ga Bến Thành thuộc tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên) hình thành được kỳ vọng sẽ trở thành công trình mang tính biểu tượng mới cho TP.HCM.
Trong tuần qua, Lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã có buổi làm việc, kiểm tra tiến độ công trường ga Bến Thành và hầm đào hở Lê Lợi, đặc biệt là các hạng mục lắp đặt cơ điện, thi công các kỹ thuật, trạm biến áp, ke ga nhà ga Bến Thành.
Nhà ga trung tâm Bến Thành được thiết kế ngầm dài 236 m, rộng 60 m, độ sâu khoảng 32 m, gồm 4 tầng. Trong đó, tầng B1 gồm các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách, văn phòng ga, phòng thiết bị, phòng xử lý không khí và môi trường, trạm điện (tuyến 4)… Tầng B2 gồm ke ga tuyến 1 và tuyến 3a, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách; ngoài ra còn có văn phòng kiểm soát ke ga, phòng thiết bị PCCC và bơm cấp nước, phòng thiết bị hút và thông gió… Tầng B3 là phòng xử lý không khí, phòng cấp điện, phòng nghỉ nhân viên và ke ga tuyến 4 (trong tương lai). Tầng B4 gồm ke ga tuyến 2, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.
Không chỉ là đầu mối kết nối nhiều tuyến metro, để phục vụ nhu cầu của người dân, ngoài nhà ga ngầm, TP.HCM sẽ xây dựng trung tâm thương mại ngầm Bến Thành tích hợp tại đây.
Theo thiết kế, Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có quy mô khoảng 45.000 m2 gồm khu vực cửa hàng, thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm 21.500 m2, tổng vốn đầu tư hơn 8.400 tỉ đồng.
Gói thầu CP 1a xây dựng nhà ga metro trung tâm Bến Thành (phía trước chợ Bến Thành) và đoạn metro đi ngầm từ nhà ga này đến nhà ga metro ngầm phía trước Nhà hát Thành phố đến nay đã hoàn thành 84,9% khối lượng.
Hà Mai/ TNO