Cần cách làm mới để hạn chế rút BHXH một lần

Hạnh Văn 04/05/2024 08:02

Đến nay, vấn đề rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần vẫn là câu chuyện gây tranh cãi. Có rất nhiều lý do để người dân muốn rút BHXH, nhưng suy cho cùng, điều đó làm mất đi ý nghĩa của BHXH cũng như tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho người đã rút BHXH, bởi họ không còn được tiếp cận những chính sách phúc lợi. Tuy nhiên, để hạn chế vấn đề này, có lẽ cần có những cải tiến, bổ sung cho chính sách BHXH để khuyến khích người dân duy trì bảo hiểm.

Rút BHXH một lần, lợi trước mắt nhưng thiệt lâu dài.

Một trường hợp rút BHXH điển hình là của ng Vũ Văn Hiệp (65 tuổi, ở Thanh Hoá) từng làm công nhân xây lắp 15 năm trong nhà nước, trước khi về nghỉ hưởng chế độ một lần (chế độ về 176) từ năm 1991. Sau khi nghỉ việc, hưởng chế độ “một cục”, ông không được nhận thêm bất kỳ khoản tiền hay chính sách trợ cấp nào từ BHXH nên khi về già cuộc sống của ông rất khó khăn.

Được biết, số tiền ông Hiệp nhận được khi hưởng chế độ 176 khoảng 1 triệu đồng. Khi đó số tiền này là khá lớn, giúp ông giải quyết được một số khó khăn trước mắt của gia đình, nhưng cũng… chỉ có thế. Số tiền rồi cũng tiêu hết, cuộc sống của ông về sau rất khó khăn.

Nhìn sang những công nhân cùng trang lứa ở lại làm việc cho đến tuổi nghỉ hưu, ông Việt thấy mình thiệt đủ đường: “Không có lương hưu, không có BHYT và các chính sách BHXH nên về già rất khó khăn”.

Câu chuyện của ông Hiệp chỉ là một trong số rất nhiều những trường hợp gặp khó khăn vì trót rút BHXH. Phần lớn những người rút BHXH một lần thường nghĩ số tiền được lãnh lớn, có thể giúp họ trang trải nợ nần hay lấy vốn làm ăn… Thậm chí đa số các ý kiến ủng hộ rút BHXH một lần đều cho rằng “tiền của tôi nên muốn làm gì là quyền của tôi”.

Ít ai nghĩ đến chặng đường dài còn lại phía trước. Nhiều trước hợp rút BHXH khi chỉ mới hơn 40 tuổi, tức là còn trên dưới 40 năm cuộc đời, họ sẽ xoay sở làm sao khi lương hưu dưỡng già không còn, BHYT có khi chẳng có?

Nhiều chuyên gia phân tích, thực tế khi rút BHXH một lần, người lao động “mất nhiều hơn được”. Khi rút một cục, họ sẽ có một khoản tiền để chi tiêu giải quyết khó khăn trước mắt, những khoản tiền này sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Về lâu dài người rút BHXH một lần sẽ bị hạn chế rất nhiều quyền lợi.

Khi không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, người rút BHXH một lần mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, không được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

Khi nhận BHXH một lần thì số tiền người lao động nhận được thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%.

Tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024, có 2 phương án rút BHXH một lần: Phương án 1, chỉ nhóm tham gia trước khi Luật có hiệu lực (trước 1/7/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Phương án 2, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cần xem xét và cân nhắc các tác động tới an sinh xã hội của người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Bởi, đối với cá nhân công nhân, do rút BHXH một lần nên người lao động không tiếp tục đi làm đóng BHXH nữa, đồng nghĩa với việc đối mặt với tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình và thị trường lao động. Bên cạnh đó, người lao động xin nghỉ việc để hưởng BHXH một lần khiến doanh nghiệp lo lắng sẽ biến động lao động, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tuyển lao động mới.

Quan trọng hơn, việc rút BHXH một lần có nhiều hệ lụy, như khiến lưới an sinh khó có thể mở rộng nhanh. Một số lao động nữ khi rút BHXH một lần có thể dễ nảy sinh tâm lý “ở nhà nội trợ chăm sóc gia đình” sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế cho người chồng, bản thân người phụ nữ có thể đối mặt với nhiều căng thẳng, stress khi không đi làm nữa gây tác động tiêu cực đến xã hội.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng chính sách BHXH không chỉ dành riêng cho vấn đề rút BHXH một lần hoặc là chế độ hưu trí mà còn nhiều chính sách khác nữa, như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, hình thành hệ thống BHXH đa tầng; bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện;…

Đối với cơ quan BHXH, cần xem xét dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút của người lao động.

Doanh nghiệp và người lao động đều mong muốn những chính sách BHXH cần hết sức thận trọng có tính đến yếu tố dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để người lao động yên tâm gắn bó, góp phần ổn định tại đơn vị, thúc đẩy sản xuất, phát triển đất nước.

Để làm được điều đó, thiết nghĩ bên cạnh việc sửa đổi luật để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cộng đồng cũng cần chung sức trong việc thay đổi quan niệm về BHXH, giúp mọi người hiểu rõ ý nghĩa và giá trị đích thực của BHXH. Đó là đảm bảo cuộc sống của người dân không bị xáo động, gián đoạn kể cả sau khi qua tuổi lao động. Có như vậy, hệ thống an sinh xã hội Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và cuộc sống của người dân mới được đảm bảo.

Hạnh Văn 

Đọc nhiều