Cán bộ nào dũng cảm, kiên quyết không nhận “quà tặng”?

30/09/2019 07:06

Cần làm thế nào để cán bộ thấy việc nhận quà tặng vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm chuẩn mực đạo đức, tư cách, liêm sỉ thì họ sẽ dũng cảm từ chối.

Cán bộ nào dũng cảm, kiên quyết không nhận “quà tặng”?
Cán bộ nào dũng cảm, kiên quyết không nhận “quà tặng”?

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ cho thấy, năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng. Các trường hợp này ở Trà Vinh (1 người, 3 triệu đồng) và Thái Bình (2 người, 100 triệu đồng).

Nhà báo lão thành Hà Đăng
Nhà báo lão thành Hà Đăng

Hoan nghênh những cá nhân đã nộp lại quà tặng theo quy định, song nhà báo lão thành Hà Đăng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) băn khoăn vì con số này còn khá khiêm tốn so với thực tế và ông tin vẫn còn nhiều trường hợp nhận quà nhưng chưa bị phát hiện ra.

Theo ông Hà Đăng, nhận quà và tặng quà trong dịp lễ tết hay những việc thể hiện tình cảm, lòng biết ơn chân thành đối với sự giúp đỡ, chia sẻ trong lúc khó khăn là việc hết sức bình thường, là một phần văn hóa của người Việt.

Tuy nhiên, việc tặng quà không còn đơn thuần là tình cảm mà đã bị lạm dụng, biến tướng, trở thành một phương thức che đậy việc hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu hay vì những mục đích chính trị khác. Việc đấu tranh với các biến tướng này không phải là công việc một sớm một chiều. Để đạt được hiệu quả, ngoài việc các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị định của Chính phủ về việc tặng quà, nhận quà tặng thì tai mắt giám sát của người dân cũng rất quan trọng.

Ông Nguyễn Tiến Sinh – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình
Ông Nguyễn Tiến Sinh – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Cùng nhìn về con số trong năm 2019 có 3 người nộp lại quà tặng tổng trị giá hơn 100 triệu đồng, ông Nguyễn Tiến Sinh – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện quy định về tặng quà và nhận quà tặng chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào sự tự nguyện, tự giác, ý thức của cán bộ, công chức.

“Chỉ có 3 trường hợp như trong báo cáo là nộp lại quà, vậy còn những trường hợp khác không nộp lại quà thì không ai biết? Trong khi vấn nạn hối lộ núp bóng tặng quà vẫn đang còn nhức nhối?” – ông Sinh băn khoăn.

 

Những năm gần đây, Ban Bí thư đều ban hành chỉ thị quán triệt các địa phương không chúc Tết Trung ương, nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng tỏ rõ quyết tâm trong việc thực hiện quy định về nghiêm cấm tặng quà, nhận quà bằng việc ban hành Nghị định 59 có hiệu lực ngày 15/8. Quà tặng không đúng quy định thì cán bộ phải từ chối, không từ chối được phải giao lại cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định.

Mặc dù đã có quy định nhưng kiểm soát việc tặng quà mà trong nhiều trường hợp là hành vi biến tướng của tham nhũng, hối lộ lại rất phức tạp. Người ta không tặng quà trực tiếp cho lãnh đạo mà nhân dịp đặc biệt như lễ tết, sinh nhật, cưới xin của bố mẹ, vợ, chồng, con cái của lãnh đạo người ta “mừng” quà trị giá rất nhiều tiền với tâm thế muốn được ưu ái nên nịnh nọt. Trong trường hợp này, có mấy ai dũng cảm, kiên quyết, nghiêm khắc không nhận quà?

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình dẫn chứng, ở các nước quy định giá trị quà tặng từ bao nhiêu trở lên thì người được tặng phải báo cáo và nộp lại cho cơ quan, tổ chức. Mặc dù món quà thể hiện mối quan hệ bang giao nhưng bản thân cán bộ các nước cũng chịu sự ràng buộc bởi quy định của pháp luật nước họ. Nếu quà tặng trị giá thấp, chỉ mang ý nghĩa quà kỷ niệm, mang giá trị tinh thần như cái bút máy, cái caravat… thì không sao, nhưng trị giá quà tặng từ 100 USD trở lên thì họ không nhận. Nếu nhận, đòi hỏi phải có hóa đơn để thực hiện các thủ tục nộp lại quà tặng, sung công quỹ theo quy định của từng nước.

“Khi món quà có giá trị cao hơn mức cho phép, thì đạo đức công vụ sẽ không cho phép họ nhận món quà đó. Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức đều được hình thành từ các quy định của pháp luật, nếu cán bộ nhận quà hơn mức cho phép là đã vi phạm pháp luật và chịu sự kiểm soát, các chế tài, trừng phạt của pháp luật, từ đó hình thành trong cán bộ một ý thức là không được nhận quà nếu biết đằng sau đó là một mục đích khác” – đại biểu Quốc hội đoàn Hòa Bình nói.

Làm thế nào để ngăn chặn việc lợi dụng tặng quà, nhận quà để tham nhũng, hối lộ, gây suy thoái cho thể chế nước nhà và gây bức xúc trong dư luận, nhân dân? Ông Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng, như thế nào là quà tặng, quà tặng phi vật chất thì xử lý ra sao?

“Tặng quà và nhận quà cũng là một nạn tham nhũng vặt. Giữa người tặng và người nhận đều có lợi ích, chỉ có nhà nước, nhân dân là thiệt hại. Do đó, là cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý khi nhận quà phải tự đặt câu hỏi: Cái này là cái gì? Và tôi tin tất cả cán bộ, công chức khi được người khác tặng quà đều biết thông điệp đằng sau nó là gì. Có thể vì lý do này, hay lý do khác mà người ta không thể cưỡng lại được thì họ nhận. Cho nên cần làm thế nào để cán bộ thấy việc nhận quà vừa là vi phạm pháp luật, vừa vi phạm chuẩn mực đạo đức, tư cách, liêm sỉ thì họ sẽ dũng cảm từ chối” – ông Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh.

(Theo VOV)

Đọc nhiều