Cán bộ là giá trị cốt lõi của hệ thống Chính trị
Con người là yếu tố cốt lõi của mọi công việc. Tương tự vậy trong công tác lãnh đạo quản lý, cán bộ là hạt nhân, là yếu tố quyết định niềm tin nơi nhân dân đối với cả hệ thống Chính trị. Hồ Chủ tịch đã từng ví cán bộ là công bộc, là đầy tớ trung thanh của nhân dân. Làm sao để “người đầy tớ” hết lòng phụng sự lẽ phải, phụng sự nhân dân, có trách nhiệm nhận sự ủy thác giao phó từ nhân dân. Từ đó giữ được niềm tin nơi nhân dân đồng thời giữ được giá trị nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Cương lĩnh chính trị được soạn thảo dựa trên tình hình thực tế và tương lai hướng tới. Mỗi thời kỳ cách vận dụng cương lĩnh một khác theo đó cách đào tạo, sử dụng cán bộ cũng khác. Trong thời đại đổi mới và hội nhập toàn cầu làm như nào để có được đội ngũ cán bộ đủ tài và tâm xứng tầm nhiệm vụ Đảng và Nhân dân giao phó. Đó là một nhiệm vụ khó cần có kế hoạch và định hướng lâu dài.
Thực tiễn vi phạm của cán bộ bị dư luận lên án
Hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, lựa chọn cán bộ giúp cho việc đào tạo, chuẩn bị đội ngũ nhân sự và chọn vào vị trí được khách quan và công bằng.
Người được chọn sẽ là người thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt sẽ chiếm được lòng tin của nhân dân, nếu thực hiện sai lệch sẽ gây suy giảm lòng tin của nhân dân không chỉ với cá nhân cán bộ đó mà còn với Đảng và Nhà nước.
Chủ trương, chính sách, đường lối, nghị quyết chỉ có tính đúng đắn tương đối trong từng thời kỳ nhất định. Cán bộ thực hiện các chủ trương chính sách đó nếu không biết cách vận dụng sáng tạo rất khó đạt được kết quả mà nhân dân mong muốn. Đã là con người không thể tránh sai lầm, nhưng hãy là người cán bộ có tâm và có tầm thực hiện chức trách của mình đến cùng dù có thành công hay không thành công để người dân nhìn nhận. Và quan trọng để lòng tin của nhân dân về cán bộ Đảng, Nhà nước không bị đánh mất.
Trong lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng việc đánh mất lòng tin của nhân dân với Đảng, chính phủ là không thể tha thứ. Bác đã khước từ đơn xin ân xá tử hình của Cục trưởng cục quân nhu – Đại tá Trần Dụ Châu. Nói chuyện với đồng chí Trần Đăng Ninh Bác đã chỉ ra vì sao cây xoan héo lá úa ngọn. Vì có một con sâu đục thân đang khoét từng thớ gỗ bên trong. Nếu không bắt và giết những con sâu đó đi thì sẽ nguy hại đến cả một cây lớn đang khỏe mạnh. Trường hợp của Đại tá Trần Dụ Châu tham nhũng, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến làm mất lòng tin đối với nhân dân, với Đảng và Nhà nước đã được xử lý thích đáng. (giữ nguyên y án tử hình)
Vừa qua vụ đại án Đinh La Thăng được dư luận đánh giá cao. Lần đầu tiên có một vị đứng trong hàng ngũ Bộ Chính trị bị đem ra trước vành móng ngựa với các sai phạm được chỉ rõ khiến nhân dân đồng tình và tăng lòng tin cao độ. Tuy nhiên, những người liên quan xung quanh đó tuy chưa bị truy cứu hay chưa được “xướng danh” cũng nên biết tự xấu hổ và nghiêm khắc tự kiểm điểm. Một cán bộ bị kỷ luật thì trách nhiệm người cấp trên là không thể thiếu. Cấp trên là người đã từng có ý kiến xem xét lựa chọn cán bộ từ đầu, chính vì vậy phải có ý thức chịu trách nhiệm, khuyết điểm của cấp dưới.
Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Bác luôn đề cao tinh thần học hỏi, phê bình và tự phê bình. Việc nào cần công khai thì công khai, cần xin lỗi thì phải làm ngay. Chính Bác đã nhìn thẳng và thừa nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất, trước đồng bào dân tộc vị cha già đã cúi đầu xin lỗi, những giọt nước mắt đã rơi.
Chỉ có nhìn thẳng đúng sự thật, nhìn thẳng đúng vào lỗi lầm đã mắc phải để sửa chữa thì các lớp cán bộ sau mới lấy đó làm gương mà tránh sai phạm. Những biểu hiện của sự nhìn nhận thẳng cho người dân được cùng biết cùng đánh giá tăng cường sự dân chủ phản biện tích cực cùng sửa chữa. Nhìn thẳng mới có thể xây biết mình đang ở đâu và như thế nào.
Từ đó mới có thể xây dựng đội ngũ cán bộ nối tiếp đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo quản lý thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được nhân dân giao. Để làm được điều đó các đồng chí cán bộ của đảng và nhà nước phải biết lắng nghe ý kiến từ nhân dân, hành động theo tâm tư nguyện vọng của nhân dân, như vậy mới chiếm được cảm tình và lòng tin bền lâu của quần chúng nhân dân. Lòng tin từ đó mà nảy nở, từ đó được duy trì và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo quản lý của cán bộ.
Giải pháp cho công tác cán bộ gắn với lòng tin của nhân dân
Thứ nhất là nắm bắt tình hình dư luận thông qua nhiều kênh thông tin để biết mức độ lòng tin của nhân dân qua từng thời điểm. Từ đó điều chỉnh, chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ bị dư luận lên án nhiều nhất. Việc nắm bắt thông tin này nên có một cơ quan phản biện xã hội thu thập thông tin từ nhiều nguồn trên các phương tiện mạng xã hội, truyền thông đại chúng. Sau đó tổng hợp phân tích đưa ra kết luận khách quan. Cần có sự tách bạch và khách quan trong công tác thu thập thông tin đánh giá cán bộ.
Thứ hai là rà soát lại cơ chế quy hoạch, đào tạo, lựa chọn cán bộ chủ chốt. Cơ chế luôn là nơi có nhiều lỗ hổng cần phải chỉnh sửa liên tục. Đặc biệt với công tác cán bộ không thể để có sơ suất. Cần có sự phối hợp kiểm tra ngay từ đầu giữa Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội Vụ, Thanh Tra Chính phủ về công tác cán bộ. Phát hiện kịp thời những trường hợp không đủ điều kiện tiêu chuẩn lách quy định. Việc kiểm tra cần có kết luận chính xác quy rõ trách nhiệm đầu, trách nhiệm cuối thuộc về ai, tránh “đá bóng” trách nhiệm khi bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ sai quy định.
Thứ ba là đảm bảo lợi ích và đời sống đầy đủ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lanh đạo, quản lý. Đa số các trường hợp cán bộ làm mất lòng tin trong nhân dân xuất phát từ sự cám dỗ, tham nhũng. Bên cạnh đó có cơ chế khen thưởng, khuyến khích kịp thời những cá nhân phát hiện ra cán bộ sai phạm quy định, cán bộ biến chất trong hệ thống quản lý. Trong một tổ chức, khi phát hiện tố giác hành vi sai phạm của cán bộ với thủ trưởng cơ quan, người đứng đầu cơ quan nhưng không được tiếp nhận có thể gửi đơn thư, báo cáo vượt cấp để phản ánh.
Thứ tư là phát huy quyền giám sát của nhân dân đới với cán bộ đảng viên. Có nhiều hình thức như: bỏ phiếu tín nhiệm kín, trưng cầu ý dân, mở các đầu số máy nóng để người dân trực tiếp phản ánh… Cán bộ là đầy tớ của nhân dân, việc dân giám sát đầy tớ là lẽ thường tình. Nếu đầy tớ làm không đúng, vi phạm quy định có thể bị nhân dân đuổi ra khỏi vị trí. Như Hồ Chủ tích từng nói “Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.
Thứ năm là hạn chế đưa những cán bộ không phải do dân bầu vào trong hệ thống chính trị. Nếu không phải do dần bầu thì sớm muộn gì những cán bộ đó cũng đi ngược với lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Gián tiếp làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Yếu tố con người là thứ quan trọng nhất, công tác cán bộ ngay từ đầu đúng chiến lược, chọn được người đủ năng lực, phẩm chất đạo đức thì những chủ trương chính sách sau này mới có cơ hội được thực hiện thành công. Người cán bộ không chỉ là giá trị cốt lõi trong hệ thống chính trị mà họ trực tiếp nắm giữ niềm tin nơi nhân dân. Chú trọng chất lượng, phẩm chất cán bộ chính là chăm chút cho lòng tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ.
Han Cao