Cán bộ, đảng viên phải vừa có đức, vừa có tài

03/09/2019 18:21

Đồng chí Trường Chinh từng nói: “Đạo đức và phẩm chất cao quý của Người là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam cộng với đạo đức cộng sản chủ nghĩa của giai cấp công nhân, giai cấp triệt để cách mạng của thời đại có sứ mệnh lịch sử cải tạo thế giới, thiết lập xã hội cộng sản chủ nghĩa trên hành tinh chúng ta”. Khi nhắc về vấn đề nói đi đôi với làm, trước hết phải nêu gương về đạo đức.

Thực hành đạo đức là luôn dấn thân vì nhân dân

Trong khi đề cao các chuẩn mực đạo đức cần có, nhân dân ta cũng đòi hỏi nó phải được thể hiện trong hành vi hằng ngày, tức là trong thực hành đạo đức. Ca dao, tục ngữ khi đưa ra hình ảnh “nói như rồng leo, làm như mèo mửa” chính là để tỏ thái độ phê phán đối với thói đạo đức giả: nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đàng, làm một nẻo,…

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam

Từ những trang sử của nước ta, những lãnh tụ dân tộc muốn tập hợp được nhân dân chống ngoại xâm hay chống lại chế độ phong kiến hà khắc đều phải là những người có uy tín đạo đức rất cao. Ngược lại, bọn vua chúa vô đạo sớm muộn cũng đều bị nhân dân lật đổ. Ta hiểu vì sao Hồ Chí Minh nói: đối với các dân tộc phương Đông, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người đã kiên trì đấu tranh chống lại nguy cơ xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng, rơi vào thoái hóa biến chất của một đảng cầm quyền.

Người nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.

Đạo đức Hồ Chí Minh không phải là đạo đức tu thân mà là đạo đức dấn thân, tức là đạo đức gắn liền với hành động, nói để làm, nhất là nói về đạo đức phải đi đôi với thực hành đạo đức, mà phải làm có hiệu quả, nếu một người làm việc gì cũng không có hiệu quả thì theo Hồ Chí Minh không thể coi là một người có đạo đức.

Người nói: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất. Người nói nhiều đến vai trò, tác dụng của đạo đức, nêu ra những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức cho cán bộ và nhân dân: từ đời công đến đời tư. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh thực hành đạo đức còn nhiều hơn những điều Người nói, hoặc chỉ lặng lẽ, kiên trì nêu gương mà không nói. Người đã vận dụng phương thức của người xưa: “dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo”, tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình đã, sau đó mới giáo dục bằng lời nói.

Hiện nay, trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là cho thế hệ trẻ, chúng ta đang thiếu cái gì? Sự lành mạnh của đời sống đạo đức xã hội phụ thuộc một phần rất quan trọng vào sự nêu gương của người lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu các ngành, các địa phương, các đơn vị. Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở: muốn thực sự làm người lãnh đạo, người chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải hết sức giữ gìn và nêu gương về mặt đạo đức, nếu không thì rồi sẽ hỏng cả.

Cán bộ, đảng viên cần có đức, có tài

Đảng ta, qua nhiều nghị quyết, đã yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các cấp phải nêu gương về đạo đức, lối sống, phải là người chiến sỹ xung kích đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, xa hoa, lãng phí. Không những thế còn phải xem xét lại gia đình mình, con cái mình có lợi dụng chức vụ của bố mẹ làm điều sai trái không?

Chỉ có thông qua những tấm gương cụ thể, trước hết là của những người có chức vụ cao, có cương vị lớn mới củng cố và nâng cao được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vào tính ưu việt của chế độ xã hội ta.

Thời gian gần đây, những vụ việc tiêu cực, tham nhũng bị phanh phui càng cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức ở một bộ phận cán bộ, lãnh đạo có chức có quyền các cấp đã và đang là thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới đất nước, là nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta, đang làm mất thanh danh uy tín của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ.

Như chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị nói trên cũng bày tỏ sự lo lắng, bức xúc về những yếu kém, tiêu cực trong Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục giữ vững uy tín của Đảng, bồi đắp niềm tin trong nhân dân, càng cần phải quán triệt, thực hiện nghiêm lời dạy của Người. Trong đó việc gìn giữ đạo đức của người cán bộ, đảng viên có vai trò rất quan trọng. Theo Người, trong đạo đức, việc nêu gương là vô cùng cần thiết, vì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” nên người cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp phải nói đi đôi với làm, là những tấm gương để quần chúng noi theo.

Để làm được điều đó, theo Người, khi đề ra công việc tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu, cần phải cụ thể, thiết thực. Tránh nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm thì sẽ phản tác dụng. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư mà bản thân mình lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa trong khi cuộc sống của đại đa số nhân dân còn nhiều thiếu thốn, luôn tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và nhân dân…, thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục.

Phát biểu trong buổi tổng kết hoạt động Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động từ tháng 1/9/2019 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở các đồng chí đảng viên trẻ không được sớm tự hài lòng với những thành tích, kết quả đã đạt được.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, để tiên phong, gương mẫu trên từng lĩnh vực đòi hỏi mỗi đảng viên cần có đức, có tài. “Đức là sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên tối cao, làm việc gì cũng phải nghĩ vì đất nước, vì Tổ quốc, đừng nghĩ đến mình”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đối với Đảng – tổ chức tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thật trong sạch, Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”.

Tạp chí Bút Danh

Đọc nhiều