8
category
328994

‘Cán bộ chửi ‘Mày biết tao là ai không?’ khi bị phạt là không chấp nhận được!’

17/10/2019 07:34

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình – chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia – đã nhấn mạnh rất cụ thể như vậy về chuyện không hiếm cán bộ công chức, đảng viên, đoàn viên khi bị phạt thì chửi “Mày có biết tao là ai không?”.

Cán bộ chửi Mày biết tao là ai không? khi bị phạt là không chấp nhận được! - Ảnh 1.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Không chấp nhận được cán bộ, công chức bị xử phạt thì chửi “Mày biết tao là ai không?” – Ảnh: TUẤN PHÙNG

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT quý 3 và triển khai nhiệm vụ quý 4-2019 vào chiều 16-10, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình – chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia – đã đề nghị các ngành liên quan cần chia sẻ thông tin về xử lý cán bộ, nhân viên vi phạm giao thông, phản hồi kết quả xử lý tới cơ quan công an.

“Tôi nghĩ cả cơ quan, trường học, đoàn thể, địa phương đều cần có thông tin vi phạm để quản lý giáo dục cán bộ, công nhân viên của mình. Nếu vi phạm ngoài đường rồi gây gổ, đánh nhau là vi phạm đạo đức, cán bộ công chức nhà nước phải dứt khoát chấp hành, phải có văn hóa giao thông, phải nhường nhịn.

Ra đường mà cán bộ công chức, đảng viên, đoàn viên cũng hung hăng, va chạm nhau một cái là sừng sộ đánh nhau, lực lượng chức năng phạt thì quay lại chửi người ta “Mày có biết tao là ai không?” thì làm sao mà chấp nhận được.

Học trò mà ra đường vi phạm giao thông thì thầy cô cũng phải biết để dạy dỗ các cháu. Việc chia sẻ thông tin này cũng dễ vì cơ quan nào cũng có công cụ để kết nối, chia sẻ với nhau. Nếu cần thì nghiên cứu phần mềm để chia sẻ” – Phó thủ tướng gợi ý.

Phó thủ tướng đánh giá công tác đảm bảo trật tự ATGT quý 3-2019 đã có những chuyển biến tích cực: tai nạn giao thông giảm 3 tiêu chí, mức giảm sâu nhất trong nhiều năm. Số người bị thương vong giảm sẽ giảm đau thương, gánh nặng cho nhiều gia đình, xã hội nên cần tiếp tục có những biện pháp hiệu quả để tai nạn giảm sâu hơn nữa.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy còn rất đáng lo ngại. Trong khi việc kiểm soát xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào cảnh sát giao thông (CSGT) và các đợt khám sức khỏe tập trung do ngành giao thông vận tải thực hiện. Tỉ lệ phát hiện còn thấp so với thực tế, vai trò chủ động thực hiện xây dựng kế hoạch ATGT của chủ xe, chủ doanh nghiệp còn hạn chế.

“Nhiều trường hợp bị xử lý vi phạm chấp hành xong về nhà vác dao ra đâm chém CSGT. Người bình thường không bao giờ xử sự như thế mà là những người có trạng thái tinh thần không bình thường hoặc sử dụng ma túy mới có hành vi như vậy. Hành vi của người sử dụng ma túy khi tham gia giao thông rất nguy hiểm.

Ngoài việc đẩy mạnh các biện pháp đã nêu để giảm tai nạn giao thông, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm các vụ vi phạm trong xây dựng, sửa chữa công trình giao thông gây tắc đường, tai nạn.

“Có trường hợp sửa xong hố ga không đậy nắp, không cảnh báo nên người đi bộ lọt xuống chết, hay nước ngập xe máy trôi xuống hố ga chết người. Việc vi phạm này là có cả yếu tố hành chính và hình sự. Tôi đề nghị các ngành có trách nhiệm phải xử lý nghiêm. Cái gì là hình sự thì dứt khoát xử lý hình sự.

Vụ thanh niên đón xe buýt lọt hố ga chết ở TP.HCM năm 2017 tôi đề nghị các đồng chí xem xét có xử lý hình sự hay không nhưng không thấy khởi tố và không báo cáo lại. Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ vi phạm xây dựng gây cản trở giao thông gây nguy hiểm, dẫn tới hậu quả lớn” – Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Phó thủ tướng nhắc nhở, phê bình một số địa phương không cử lãnh đạo dự họp hoặc đến họp thì xin về giữa cuộc họp. Phó thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo chấp hành nghiêm, dự họp để bàn giải pháp thấu đáo.

Theo ông Khuất Việt Hùng – phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2019 (tính từ ngày 15-12-2018 đến 14-9-2019), cả nước xảy ra 12.675 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.659 người, bị thương 9.619 người.

So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 567 vụ (giảm 4,28%), số người chết giảm 353 người (giảm 5,87%), số người bị thương giảm 700 người (giảm 6,78%).

Về nguyên nhân tai nạn giao thông đường bộ, qua phân tích 7.319 vụ có 22,84% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 7,41% do vi phạm tốc độ xe chạy; 9,73% do chuyển hướng không chú ý; 6,1% do không nhường đường; 5,64% do vượt xe sai quy định; 6,8% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; 2,45% do tránh xe; 1,86% do sử dụng rượu bia; 1,98% do người đi bộ; 35,24% do vi phạm biển báo hiệu đường bộ, dừng đỗ sai quy định, không có bằng lái xe…

TUẤN PHÙNG

Đọc nhiều