Campuchia giúp Trung Quốc phá hoại tuyên bố chung ASEAN về Biển Đông như thế nào?

05/11/2019 17:11

Tại Thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Thái Lan vào hôm 03/11/2019, Việt Nam đã cố gắng nêu lên vụ Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam trong thời gian gần đây, trong cuộc hai bên ASEAN-Trung Quốc, cũng như tại cuộc họp riêng của 10 nước ASEAN ngày hôm 02/11. Tuy nhiên, vấn đề này bị gạt bỏ trong phần đúc kết Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc.

Hội nghị hai bên ASEAN-Trung Quốc
Hội nghị hai bên ASEAN-Trung Quốc

ASEAN và Trung Quốc đã ra thông cáo chung gồm 18 điểm. Vấn đề Biển Đông được nhắc đến ở điểm cuối cùng, “tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải bên trong và cả bên ngoài phạm vi Biển Đông”, đồng thời “ghi nhận lợi ích (của các bên) có Biển Đông như một vùng biển của hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, đồng thời kêu gọi các bên liên quan cũng “tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình”… nhưng một lần nữa, những hành động Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đã không được chính thức nêu lên trong văn bản gây lên một cuộc tranh cãi.

Hãng tin AP trích dẫn tiết lộ của hai nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết, trong một cuộc họp, phía Việt Nam đã yêu cầu đưa vào bản tuyên bố chung một cụm từ nói đến hành vi xâm phạm mới đây của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Nhưng phía Trung Quốc, thông qua đồng minh Campuchia, đã phản đối đề nghị này.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Thoạt đầu cụm này xuất hiện trong dự thảo tuyên bố chung, song đến khi chủ nhà Thái Lan – nước giữ cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN, phát đi tuyên bố chính thức, nó đã bị lược bỏ. Bộ Ngoại giao Campuchia chưa đưa ra phản hồi trước thông tin của hãng thông tấn Mỹ.

Hai nhà ngoại giao ASEAN giấu tên liền sau đó tiết lộ với AP về một cuộc họp căng thẳng gần đây giữa ASEAN và Trung Quốc ở Việt Nam. Theo đó, các quan chức Việt Nam đã chất vấn thẳng trong cuộc họp rằng liệu đàm phán COC có thể đi tới đâu nếu các tàu đánh cá Trung Quốc dưới sự hộ tống của dân quân biển và hải cảnh Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tại Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 ngày 1-11 tại Thái Lan - Ảnh: ASEAN
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tại Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 ngày 1-11 tại Thái Lan – Ảnh: ASEAN

Trưởng đoàn Trung Quốc sau đó đã ngang ngược đáp trả và úp mở nói rằng ASEAN “không nên để một nước cướp quyền điều khiển tiến trình đàm phán COC”, hai nhà ngoại giao kể lại với AP.

Còn nhớ, hồi tháng 6/2016, khi ASEAN đang có kỳ họp đầu tiên tại Lào kể từ khi PCA ra phán quyết về Biển Đông. Thì đồng minh trung thành của Trung Quốc là Campuchia lại ngăn khối ASEAN đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague bác yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển này, theo hãng tin AFP.

Trường đoàn Trung Quốc Hồng Lượng (phải) gặp riêng trưởng đoàn Thái Lan tại hội nghị SOM-DOC lần thứ 18 ở Đà Lạt tháng 10-2019 - Ảnh: DUY LINH
Trường đoàn Trung Quốc Hồng Lượng (phải) gặp riêng trưởng đoàn Thái Lan tại hội nghị SOM-DOC lần thứ 18 ở Đà Lạt tháng 10-2019 – Ảnh: DUY LINH

Một viên chức ngoại giao Đông Nam Á nói rằng chỉ duy nhất Campuchia cản đường trong việc ra tuyên bố chung về Biển Đông. “Rất u ám. Campuchia phản đối hầu như là mọi thứ, kể cả việc nhắc tới chuyện tôn trọng tiến trình pháp lý và ngoại giao vốn đã được nêu trong các tuyên bố trước,” viên chức ngoại giao này nói.

“Vấn đề không cần phải theo phe nào, bởi chỉ cần một nước phản đối là sẽ không có sự đồng thuận,” viên chức ngoại giao nói với AFP.

Quốc hội Campuchia lúc đó cũng đã yêu cầu người đứng đầu Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) bỏ một đoạn đề cập đến tranh chấp Biển Đông khỏi tuyên bố chung mà ASEAN dự kiến đưa ra vào cuối một cuộc họp tháng 9/2016 tại Viên Chăn. Giải thích cho hành động chọc sau lưng Việt Nam này “Sau khi chúng tôi nhận được dự thảo tuyên bố chung từ Ban thư ký của AIPA tại Jakarta, chúng tôi thảo luận và thống nhất rằng nên loại bỏ đoạn về vấn đề Biển Đông vì nước ta không có liên quan”, ông Cheam Yeap, nghị sĩ Đảng Nhân dân Campuchia (AIPA) nói trong một cuộc phỏng vấn với Reaksmei Kampuchea Daily. Ông Yeap nhắc lại quan điểm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen rằng các nước liên quan trong tranh chấp nên đàm phán trực tiếp với Trung Quốc để tìm giải pháp.

Như chúng ta đã biết, Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay trên toàn ASEAN, nhưng bị cáo buộc là đang tìm cách chia rẽ khối này với việc chào mời các khoản viện trợ, các khoản vay ưu đãi và các hỗ trợ ngoại giao cho các đồng minh then chốt là Lào và Campuchia.

Trở lại sự kiện Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Thái Lan vừa qua, theo các nguồn tin ngoại giao, các nhà ngoại giao Việt Nam đã đặt lại vấn đề tiến bộ của Bộ Quy Tắc Ứng Xử trong khi mà Trung Quốc tiếp tục xâm nhập vào vùng biển của Việt Nam.

Trong vấn đề này, theo lời một trong hai nhà ngoại giao Đông Nam Á xin giấu tên, thì một nhà ngoại giao Trung Quốc đã ngang ngược cho rằng “ASEAN không được để cho Việt Nam phá hoại tiến trình đàm phán COC giữa toàn khối Đông Nam Á với Trung Quốc”.

Phía Việt Nam, thông qua phát biểu ngày 02/11 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã lên án việc làm của Bắc Kinh và  đã lưu ý các đối tác ASEAN rằng: “Gần đây, đã có những vi phạm nghiêm trọng của luật pháp quốc tế tại vùng biển của Việt Nam và khu vực. Mặc dù các sự cố đã kết thúc, nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã lên án việc làm của Bắc Kinh và  đã lưu ý các đối tác ASEAN rằng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã lên án việc làm của Bắc Kinh và đã lưu ý các đối tác ASEAN

Trong cuộc họp của riêng giới lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Việt Nam có tuyên bố mạnh hơn, khi xác định rằng “Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng”.

Toàn cảnh chung tại Thượng đỉnh ASEAN cho đến hôm nay cho thấy Việt Nam vẫn là nước có quan điểm cứng rắn nhất đối với Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngược lại, Tổng thống Philippines, trung thành với quan điểm xích lại gần Bắc Kinh của mình, đã hoàn toàn kín tiếng về những vụ Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này, sách nhiễu cả tàu đánh cá đến tàu buôn Philippines. Ngược lại ông đã cảnh báo các nước ASEAN khác là phải tránh chọn phe trong cuộc tranh đua Mỹ-Trung hiện nay.

Tổng thống Philippines còn thúc giục các nước ASEAN sớm đúc kết Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông, bất chấp quan điểm thận trọng của các nước như Việt Nam chẳng hạn, đang lo ngại trước các đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về nội dung bộ Quy Tắc Ứng Xử.

Tổng thống Philippines
Tổng thống Philippines

Trong khi đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ sáng 4-11 tại Thái Lan, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Trump, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang “hăm dọa” và “cản trở” các nước khác, trong đó có Việt Nam khai thác nguồn dầu khí to lớn trị giá hơn 2,5 ngàn tỉ USD trên Biển Đông, theo Hãng tin Reuters.

Chỉ có lãnh đạo ba nước ASEAN tham gia thượng đỉnh với Mỹ, gồm Thái Lan, nước chủ tịch luân phiên 2019, Việt Nam, nước sẽ nhận chức chủ tịch luân phiên năm 2020 và Lào, nước điều phối quan hệ ASEAN-Mỹ. Việc lãnh đạo cấp cao 7 nước còn lại không tham dự có thể được cho là biểu thị thái độ phản đối chính quyền Mỹ cử phái đoàn cấp thấp nhất từ trước đến nay tham dự thượng đỉnh ASEAN (do bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross và cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien dẫn đầu) hay do nguyên nhân khác.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien

Dù tổng thống Trump không tham dự thượng đỉnh ASEAN, nhưng “chính quyền Mỹ vô cùng gắn bó và cam kết đầy đủ với khu vực này”, theo phát biểu của bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross, tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Business Forum), cũng diễn ra sáng 04/11.

Mỹ đã liên tục chỉ trích và lên án các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Hồi tháng 7 năm nay, khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Mỹ đã lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc là “khiêu khích” và “đe dọa, cản trở các hoạt động dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam”. Sau tuyên bố này, lần lượt các nước Anh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại các hành vi đe dọa hoạt động dầu khí trên Biển Đông nhưng không đề cập trực tiếp Trung Quốc.

Truyền thông Nhật Bản đã theo dõi và phân tích về quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Tờ Nihon Keizai Shinbun (Tin tức kinh tế Nhật Bản) phân tích: các quốc gia thành viên ASEAN gia tăng sự bất bình với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 3/11, Malaysia và các nước liên tiếp bày tỏ sự không hài lòng với Trung Quốc. Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin bin Abdullah nhấn mạnh tại cuộc họp liên quan của ASEAN vào ngày 2/11: “Malaysia lo ngại sâu sắc về sự tồn tại của Cục Cảnh sát biển Trung Quốc”

Malaysia cũng gia tăng mối lo ngại về sự hiện diện thường xuyên của các tàu công vụ Trung Quốc ở vùng biển gần nước này. Ông Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin bin Abdullah chủ trương “vấn đề Biển Đông cần được thảo luận bởi toàn bộ ASEAN”, với ý muốn loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin bin Abdullah
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin bin Abdullah

Theo đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại hội nghị cấp cao ASEAN vào ngày 3/11, đã bất ngờ nói thẳng trước mặt Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) “(Trung Quốc) cần phải giảm bớt các hoạt động quân sự ở Biển Đông”.

Đài truyền hình Nhật Bản Asahi chỉ ra rằng: tuy mục tiêu là đạt được thỏa thuận trong năm nay, nhưng giữa một số quốc gia vẫn tồn tại ý kiến khác nhau về vấn đề Biển Đông; vì vậy việc đạt được thỏa thuận về của “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông” dự kiến sẽ bị kéo dài thêm.

Nguyễn Anh

Đọc nhiều