Cam kết dứt khoát của Chính phủ với doanh nghiệp
“Chính phủ sẽ không hình sự hóa các quan hệ dân sự, bảo vệ doanh nhân chân chính, nhưng cũng không dung túng những hành vi sai trái”…
Thông điệp trên vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam sáng nay 12/10.
Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Trong đó có nhiều doanh nhân lọt vào danh sách “tỷ phú đô-la” của thế giới, có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dần hoàn thiện, hệ thống pháp luật chưa đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn, còn nhiều kẽ hở và bất cập, tạo cơ hội cho các hành vi phạm pháp. Một số doanh nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, “lách luật” để làm giàu bất chính. Tình trạng đó ảnh hưởng xấu đến sự hình thành và phát triển đạo đức doanh nhân. Đặt mục tiêu vì lợi nhuận nên nhiều doanh nhân đã bất chấp pháp luật, đã xem nhẹ trách nhiệm của mình đối với xã hội, với người lao động, với nhà đầu tư như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tàn phá môi trường, gian lận, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…
Nhiều doanh nhân đã vì đồng tiền, vì lợi nhuận mà không ngần ngại lừa đảo cả đối tác, khách hàng của mình bằng những hành vi tinh xảo, mua chuộc, hối lộ những cán bộ có chức có quyền để tạo điều kiện cho họ làm ăn phi pháp. Những vụ việc này đang làm xói mòn hình ảnh “doanh nhân thành đạt” làm ảnh hưởng đến các doanh nhân có đạo đức chuẩn mực.
“Thông điệp rất rõ của Đảng và Nhà nước là không hình sự hoá các quan hệ dân sự và bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính, nhưng không thể dung túng những hành vi sai trái, lừa đảo để ảnh hưởng niềm tin, tài sản của nhân dân và văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân“, Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ phát triển, lành mạnh hoá, củng cố niềm tin nhà đầu tư với các thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, bất động sản.
Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, thông điệp cần nhất có lẽ là kiên quyết bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bởi tâm lý bất an vẫn còn. Đối với người kinh doanh thì sự ổn định chính sách vẫn là ưu tiên số một. Trong khi các doanh nghiệp FDI có thể đến và đi dễ dàng thì với doanh nghiệp tư nhân trong nước, họ cần an tâm để giữ gìn, tích lũy của cải ở đất nước của mình, để truyền đời kế nghiệp cho con cháu, không phải lo dịch chuyển đi nơi khác.
Do vậy, điều cần để duy trì hun đúc tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp lúc này là giữ sự ổn định nhất quán của môi trường kinh doanh Việt Nam. Mỗi bộ, ngành khi đưa ra chính sách cụ thể phải theo trục này, để môi trường kinh doanh được ổn định, nhà đầu tư làm ăn chân chính được bảo vệ. Khi đó, thì dù có xảy ra những vụ đổ vỡ của doanh nghiệp thì họ vẫn yên tâm là môi trường kinh doanh đang được thiết lập để lành mạnh, công khai minh bạch hơn.
Dù rằng lợi nhuận là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, song kinh doanh “chộp giật”, chỉ hướng theo cái lợi trước mắt đã không còn là tư duy kinh doanh đúng đắn cho doanh nhân thời đại mới. Bởi lẽ giờ đây, khi yêu cầu về phát triển bền vững “lên ngôi”, thị trường sẽ tự đào thải dần những doanh nghiệp “ăn xổi ở thì”. Thay vào đó, thị trường sẽ giữ lại, nuôi dưỡng và tạo đà cho những doanh nghiệp kinh doanh nhân văn, kinh doanh có trách nhiệm ngày càng lớn mạnh.
Do đó, doanh nghiệp không thể đặt lợi ích kinh tế là lợi ích duy nhất mà phải đảm bảo lợi ích kinh tế song hành với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Đó là con đường duy nhất mà người doanh nhân phải chèo lái “con thuyền” doanh nghiệp theo đó để phát triển bền vững.
Hà Nhiên