2
category
438309

Cái nhìn đối với Việt Nam đằng sau lựa chọn của Thủ tướng Nhật

Hạnh Văn 14/10/2020 16:00

Ngày 8/10, Tân thủ tướng Nhật Yoshihide Suga vừa kế nhiệm ông Shinzo Abe đã công bố chuyến công du đầu tiên của ông trên cương vị thủ tướng. Và điểm đến đầu tiên của ông, lại chính là đất nước Việt Nam chứ không phải một đồng minh nào của Nhật Bản. Quyết định khá bất ngờ của Thủ tướng Suga đã phần nào hé lộ cho chúng ta góc nhìn của ông, cũng như chính sách của quốc gia Đông Á dưới sự lãnh đạo của người bạn và phụ tá đắc lực nhất của nguyên Thủ tướng Abe, người có tấm lòng đầy nhiệt huyết với Việt Nam…

Tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga.

Thời gian qua, nền chính trị nhật bản đã có một biến động đặc biệt, khi Thủ tướng Shinzo Abe đột ngột tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe. Phát biểu với báo chí, ông Abe cho biết tình trạng sức khỏe đang xấu đi vì căn bệnh viêm loét đại tràng không cho phép ông tiếp tục điều hành đất nước. Quyết định của ông khi đó có thể nói là một cú sốc với cả xứ sở Phù Tang, bởi Thủ tướng Shinzo Abe là một nhà lãnh đạo tài năng, được sự tin tưởng và yêu mến của người dân cũng như của chính giới. Sự rút lui đột ngột của ông cũng để lại nhiều tiếc nuối với không ít người Việt, bởi ông là một trong những nhà lãnh đạo nặng lòng nhất với người bạn, đối tác chiến lược Việt Nam.

Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe.

Nhìn lại chặng đường 7 năm 8 tháng lãnh đạo đất nước của nguyên Thủ tướng Shinzo Abe, có thể nói không ngoa rằng mối quan hệ Việt-Nhật đã được nâng lên một tầm cao mới. Thủ tướng Shinzo Abe ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm sở đã nhìn thấy tiềm năng và tầm quan trọng của Việt Nam. Vì thế, chỉ trong nhiệm kỳ đầu ngắn ngủi, ông Abe đã đạt được Tuyên bố chung “Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược” từ những năm 2006. Và mối quan tâm đặc biệt của ông một lần nữa được khẳng định sau khi ông tái đắc cử và hoàn thành hành trình dang dở của mình, Việt Nam và Nhật Bản chính thức trở thành “Đối tác chiến lược sâu rộng”. Dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Những con số kỷ lục như nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất, nhà đầu tư có tổng số vốn FDI nhiều thứ 2, đối tác du lịch lớn thứ 3, và đối tác thương mại lớn thứ 4, là minh chứng cho di sản đồ sộ mà Thủ tướng Abe dành cho người kế nhiệm và cho Việt Nam.

Nụ cười đáng mến của nguyên Thủ tướng Abe trong tà áo dài tại APEC Việt Nam 2019.

Suốt gần 8 năm nhiệm kỳ, ông Shinzo Abe còn được biết đến là một trong những nguyên thủ ghé thăm Việt Nam nhiều nhất trong nhiệm kỳ. Với 4 chuyến thăm chính thức, có thể thấy Việt Nam có một vị trí đặc biệt trong lòng ông. Và dường như tình cảm đặc biệt ấy không chỉ dừng lại ở Thủ tướng Abe, mà đã được truyền đến người phát ngôn và cũng phụ tá thân thiết Yoshihide Suga. Và giờ đây, trên cương vị là người kế tục những di sản vĩ đại mà ông Abe để lại, Thủ tướng Suga đã không ngần ngại bày tỏ tình cảm được “truyền lửa” từ người tiền nhiệm và người bạn thân thiết: Ông chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên cho chuyến công du của mình ngay sau khi nhậm chức. Chuyến công du của ông, trên vai trò lãnh đạo của một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam, cho thấy ông Suga đã sẵn sàng để tiếp nối “mối tình” Việt-Nhật của người tiền nhiệm.

Chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên của chuyến công du, Thủ tướng Yoshihide Suga đã sẵn sàng tiếp tục “mối tình” Việt-Nhật.

Tuy nhiên, thương mại không phải là điều duy nhất khiến Thủ tướng Suga có mối quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam. Điều khiến hai nước Việt – Nhật có thể xây dựng một tình cảm lớn lao suốt nhiều năm qua mà hiếm có một quốc gia nào có thể so sánh được còn là sự đồng lòng và chung tiếng nói của hai nước trong sự phát triển hòa bình của khu vực châu Á và thế giới. Chúng ta cũng biết, nền kinh tế của đảo quốc Nhật Bản không thể tách rời với mậu dịch hàng hải. Vì vậy, cũng như Việt Nam, hòa bình và ổn định trong hoạt động hàng hải là một trong những mối bận tâm hàng đầu của Nhật Bản. Chính sách Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) dưới thời Thủ tướng Abe đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng và toàn diện của Nhật Bản đối với hòa bình và ổn định trên biển. Khi tuyên bố tiếp tục duy trì và mở rộng chính sách của người tiền nhiệm, Thủ tướng Suga đã tái khẳng định tiếng nói chung với Việt Nam về mong muốn cho một nền hàng hải tự do, hòa bình, cùng nhau phát triển.

Và bên cạnh những yếu tố chiến lược và một tình cảm đặc biệt, còn một lý do khác không thể không kể đến và cũng không kém phần đặc biệt trong lựa chọn của Thủ tướng Suga, cũng là một nét chung nữa của hai nước. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, Việt Nam và Nhật Bản là những quốc gia hiếm hoi kiểm soát được tình trạng lây nhiễm. Khi không ít các quốc gia phải đóng cửa biên giới và hủy bỏ các chuyến bay vì nguy cơ bùng phát, Việt Nam nổi lên như là một trong những điểm đến an toàn của không chỉ người dân, mà của cả lãnh đạo các quốc gia trên thế giới. Lựa chọn điểm đến đầu tiên cũng đồng nghĩa Thủ tướng và chính phủ Nhật Bản đã công nhận Việt Nam là một trong những quốc gia an toàn nhất trong bối cảnh hiện tại.

Bước trên chính trường bằng đôi chân trần và bàn tay trắng, Thủ tướng Yoshihide Suga từ lâu đã khẳng định được tài năng và nghị lực của một người nông dân làm chính trị. Là người kế thừa di sản của Thủ tướng Shinzo Abe, chắc chắn ông sẽ không để phụ lòng người thầy và người bạn thân thiết của mình. Việt Nam, nơi đã chiếm trọn tình cảm của nguyên Thủ tướng Abe, vì thế cũng sẽ có một chỗ đứng thật đẹp, thật đặc biệt trong lòng Tân Thủ tướng Yoshihide Suga.

HẠNH VĂN

Tags :
Đọc nhiều