8
category
595733

Cãi kiên trì 2 tiếng không mệt khi bị CSGT TP.HCM thổi

11/03/2022 20:14

Một CSGT TP.HCM gần 20 năm trong nghề chia sẻ, chuyện người vi phạm tranh luận là cơm bữa, nhưng ngán nhất vẫn là gặp người say, khi đó lý lẽ, rồi tranh luận cù nhây cả tiếng với trăm ngàn lý do.

Việc CSGT TP.HCM sẽ tăng cường sử dụng các thiết bị như: hệ thống camera giám sát trên đường, hệ thống đo tốc độ tự động cùng các thiết bị kỹ thuật được cấp phát trong xử lý vi phạm để hạn chế tranh luận giữa người vi phạm với CSGT được nhiều người đánh giá hiệu quả, minh bạch, thuyết phục.

Nhậu say “nhây” 2 tiếng với CSGT Một CSGT gần 20 năm trong ngành chia sẻ, trong xử lý vi phạm, nhiều CSGT “ngán” nhất là xử lý người vi phạm nồng độ cồn.

“Nhiều người say không biết gì nữa nhưng vẫn chạy xe về, lướt khướt đứng không vững. Phải dùng từ “nhây” vì cãi kiên trì đến 2 giờ vẫn không ký biên bản”, vị CSGT mở đầu câu chuyện.

CSGT nhiều lần thổi mẫu nồng độ cồn trong các cuộc tranh luận để thuyết phục người vi phạm

Anh kể, từ khi Nghị định 46 có hiệu lực, mức phạt nồng độ cồn tăng cao, đặc biệt tới Nghị định 100 thì mức phạt tăng hơn nữa, từ đó nhiều vụ tranh luận giữa người vi phạm với CSGT xảy ra thường xuyên hơn.

Vị CSGT nhớ nhất là lần xử lý vi phạm ở tuyến đường chi chít quán nhậu ở TP.HCM. Khi ấy khoảng 22 giờ, một người đàn ông mắt đỏ ngầu, người nồng nặc mùi rượu bia dừng đèn đỏ bị CSGT yêu cầu tấp xe vào lề kiểm tra. Bước xuống xe loạng choạng, người này được cảnh sát cơ động hỗ trợ chống xe, hướng dẫn xuất trình giấy tờ.

Sau 5 lần 7 lượt ngậm ống không thổi, người này bắt CSGT thổi để làm mẫu, chứng minh CSGT không uống rượu bia trước khi làm nhiệm vụ thì mới “đủ tư cách” kiểm tra nồng độ cồn người dân.

Để tránh mất thời gian đôi co, xử lý những trường hợp khác, CSGT đã thay ống mới rồi thổi mẫu cho người này xem. Kết quả máy đo báo 0,00, người đàn ông say bét nhè vẫn chưa phục, đòi CSGT cho xem tem kiểm định máy đo, đòi xem chuyên đề. Gần 1 tiếng sau, người này mới chấp nhận thổi nồng độ cồn, máy báo 0,9mg/lit khí thở, đồng nghĩa với mức phạt kịch khung.

Vị CSGT nhớ lại: “Biết máy báo ra chỉ số vậy là bị phạt nặng, người này chuyển qua năn nỉ, giải thích làm thợ hồ, ở nhà trọ, chiếc xe mua sang tay không giấy tờ, mức phạt cao hơn lương tháng. Chúng tôi vừa kiên quyết vừa mềm dẻo thuyết phục, chừng 30 phút tiếp không được bỏ qua vi phạm, người này chuyển sang chửi bới tổ công tác. Hết 2 giờ vẫn chưa chịu ký biên bản”.

 

Nữ CSGT cũng gặp các cuộc tranh luận với người vi phạm khi xử phạt nồng độ cồn

Cùng chung ám ảnh, 1 lãnh đạo đội CSGT tại TP.HCM cũng ngán ngẩm khi xử lý vi phạm nồng độ cồn. Lãnh đạo đội CSGT cho hay, khi xử lý nồng độ cồn lực lượng tuần tra thường đi đông, có cảnh sát cơ động hỗ trợ để phối hợp xử lý hiệu quả.

“Có lần tôi vừa kiểm tra nồng độ cồn của một người ăn mặc bảnh bao, lịch sự xong báo mức phạt thì người này tới thẳng dải phân cách, kéo khóa quần đi tiểu. Xong xuôi quay qua cười nói với tổ công tác là mắc quá hết chịu nổi. Người này chấp nhận lỗi sai nhưng vẫn đôi co nói ai mà chẳng có lúc phải đi nhậu xã giao, cần được thông cảm. Tôi cũng bó tay”, bị lãnh đạo đội CSGT nói.

Nì nèo xin không giam xe Trong một đêm tuần tra sau giãn cách xã hội, một tổ CSGT đã lập biên bản phạt cô gái vì có nồng độ cồn trong hơi thở khi chạy xe. Cô gái vừa đi nhậu về, ký biên bản nhưng không ký giấy tạm giữ xe.

CSGT giải thích: “Chị đã nhậu say, chạy xe về rất nguy hiểm. Chúng tôi giữ xe rồi chị đón taxi về hoặc chúng tôi đặt xe giúp chị luôn cũng được”. Sau một hồi năn nỉ, cô gái khóc um sùm nói bị “bắt nạt”, nếu bị giữ xe thì hôm sau không có xe đi làm, đi chợ.

Nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn tranh luận với CSGT

Tổ CSGT sau đó vẫn làm quyết định tạm giữ phương tiện với sự chứng kiến của công an phường, rồi đưa xe máy lên xe tải đặc chủng về trụ sở.

“12 giờ đêm, anh em trực ban báo có cô gái vừa bị giữ xe đang chờ trước trụ sở năn nỉ được nhận lại xe. Lần đầu tôi gặp trường hợp như vậy, trời khuya vắng vẻ để phụ nữ đứng vậy không yên tâm, mà trả xe vi phạm cũng không được nên 1 CSGT đã hỗ trợ đưa cô gái về nhà, dặn sáng mai lên đội giải quyết”, một CSGT kể lại.

Không chỉ với nam CSGT, mà nữ CSGT xử phạt nồng độ cồn cũng bị người nhậu xỉn cù nhây, nì nèo xin không giam xe.

Người vi phạm dùng lý lẽ nói chuyện với nữ CSGT: “Xe này của anh nhưng vợ anh quản, chỉ đưa cho tờ giấy cà vẹt phô tô, em không chịu xem là giấy tờ hợp lý anh cũng bó tay. Nhưng anh thấy anh không sai vì giấy tờ đầy đủ”. Nữ CSGT phân tích: “Khi tham gia giao thông thì người chạy xe phải mang các giấy tờ bản chính, ngoài ra vì người đàn ông này đã vi phạm nồng độ cồn nên cũng bị giữ xe”.

CSGT TP.HCM tăng cường sử dụng các thiết bị được cấp phát trong xử lý vi phạm

Dù vậy, người đàn ông kia vẫn cố gắng thuyết phục gần 1 giờ đồng hồ để những bóng hồng CSGT cho anh được tự chạy xe về nhà. Kết cục, anh được nữ CSGT gọi xe ôm chở về nhà.

Chính vì sự nì nèo, tranh luận của những người say xỉn khi bị xử phạt nên CSGT đều khẳng định việc tăng cường sử dụng các thiết bị công nghệ để xử phạt là rất hợp lý, công bằng.

Khai Tâm

Đọc nhiều