28
category
362351

Cái khó ló cái khôn: Bí kíp bỏ túi mua sắm thời Corona

Quỳnh Quỳnh 12/02/2020 17:40

Giữa mùa dịch Covid-19, nỗi lo lây bệnh khi phải tiếp xúc với người khác ngày càng tăng, nhất là việc đi lại chợ búa, mua sắm. Do đó, thay vì đến mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị, TT thương mại… nhiều người dân đã chuyển sang mua sắm trực tuyến.

Thực tế, phương thức mua hàng trực tuyến ở Việt Nam đã xuất hiện cách đây vài năm, với sự xuất hiện của các trang thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Shopee… và nhiều “ông lớn” trên thế giới như Lazada, Alibaba, Amazon… Đặc biệt, 2 tuần trở lại đây từ khi WHO công bố dịch chủng virus corona mới thì xu hướng này diễn ra mạnh mẽ, không chỉ ở các trang thương mại điện tử lớn mà ở tất cả trang cá nhân trên các mạng xã hội.

Cái khó ló cái khôn

Từ những ngày dịch bệnh bùng phát, hàng loạt quán xá, địa điểm ăn uống, nhà hàng ở Hà Nội không còn cảnh đông đúc thường thấy. Nhiều người đã chọn mua hàng online, hay các dịch vụ giao hàng tận nơi, để hạn chế việc đi và tiếp xúc người khác để phòng tránh virus Covid-19.

Chị Hồng Nhung (Hà Đông, Hà Nội) cho biết có hẹn hò cùng nhóm bạn đi ăn ở một quán lẩu nhưng đã hủy buổi hẹn vì lo lắng nguy cơ lây lan virus Covid-19 ở chỗ đông người. Nhóm chuyển kế hoạch về nhà một người bạn để bày biện ăn uống.

Tình trạng đìu hiu, vắng khách không chỉ diễn ra tại các quán ăn nhỏ mà tại các nhà hàng lớn, hay các khu ăn uống trong trung tâm mua sắm. Không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp khách đến ăn uống vào những buổi trưa, chiều hay ngày cuối tuần, người Hà Nội đang thay đổi thói quen một cách nhanh chóng, thay vì mua sắm trực tiếp thì sử dụng các ứng dụng mua sắm online.

“Phần lớn khách hàng đều mua hàng trực tuyến, bằng cách ứng dụng mua sắm. Chứ không trực tiếp đi mua như trước”, chủ một quán trà sữa ở quận Thanh Xuân chia sẻ

“Vì là sinh viên sống xa nhà, vừa học vừa làm, nên mình thường ăn uống ở các hàng quán bên ngoài cho tiện lợi. Từ lúc dịch Covid-19 bùng phát, được khuyến cáo hạn chế đi đến nơi đông người, tôi đã quyết định mua đồ ăn, thức uống qua các ứng dụng mua hàng trực tuyến”, bạn Ngọc Bích (đang là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) cho biết.

Mua sắm trực tuyến được ưu chuộng

Trước những bất cập trong việc đi lại, ăn uống, mua sắm trong mùa dịch Covid-19, nhiều người đã lựa chọn mua sắm trực tuyến.

Trước những bất cập trong việc đi lại, ăn uống, mua sắm trong mùa dịch Covid-19, nhiều người đã lựa chọn mua sắm trực tuyến.

Chị Lam Trần, chủ một shop Mỹ phẩm trên phố Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho biết, mặc dù buôn bán nhỏ lẻ nhưng từ thời điểm dịch nCoV bùng phát và xuất hiện ở Việt Nam, cửa hàng của chị cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, doanh thu giảm xuống rõ rệt do lượng người đi mua sắm không nhiều như trước. Để “cứu vãn” tình hình, chị đã kết hợp giữa bán trực tiếp và bán hàng online. Hàng ngày, chị đăng các sản phẩm lên trang cá nhân Facebook và Zalo. Đáng mừng, doanh thu bán hàng đã được cải thiện, mỗi ngày chị nhận được từ 10-15 đơn hàng.

Để lý giải điều này, chắc chắn phải nói đến sự nhanh chóng, tiện lợi mà dịch vụ này mang lại. “Không phải ra tận cửa hàng, không phải chen chúc xếp hàng thanh toán như khi shopping ở các siêu thị, trung tâm mua sắm… người tiêu dùng chỉ cần ngồi nhà, truy cập ứng dụng, lựa mặt hàng mình thích và thanh toán sẽ được giao hàng tận nơi. Đặc biệt, không tiếp xúc với mọi người, thật thích hợp để mọi người lựa chọn mùa dịch Covid-19”, theo anh Tiến Hưng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.

“Mỗi lúc giờ nghỉ trưa, tôi cùng với các bạn đồng nghiệp thường hay ăn uống, trò chuyện ở các hàng quán gần công ty. Gần đây, vì dịch bệnh nên cũng bắt đầu chuyển qua mua sắm online. Hầu hết món nào cũng có, nhất là không cần phải đi ra ngoài”, anh Võ Thành Tiến (nhân viên văn phòng, Hà Đông, Hà Nội) cũng cho hay.

Cùng với đó, các ứng dụng ngân hàng điện tử ở Việt Nam hiện rất phát triển với nhiều tính năng giúp khách hàng giao dịch mọi nơi, mọi lúc, dễ dàng, thuận tiện. Đơn cử, dịch vụ ngân hàng điện tử có thể giúp khách hàng ngồi ở nhà vẫn có thể chuyển tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán mọi loại hóa đơn hay sử dụng thẻ để mua sắm trực tuyến thay vì đến ngân hàng hoặc ra siêu thị đông đúc…

Ở góc độ người tiêu dùng, anh Đào Văn Quang ở Mễ Trì cho biết, trong bối cảnh đại dịch virus corona đang có chiều hướng gia tăng, gia đình anh rất hạn chế ra ngoài ăn uống, mua sắm, đến những chỗ đông người. Khi có nhu cầu mua mặt hàng nào đó, vợ chồng anh lên mạng tìm kiếm và đặt hàng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình và góp phần phòng chống dịch nCoV.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Hồng Hạnh ở Ngọc Hà (Ba Đình) chia sẻ, mặc dù mua hàng trực tuyến có sự hạn chế là một số mặt hàng chưa đa dạng và phải chờ 1 ngày hoặc 2,3 ngày mới được giao hàng, nhiều khi chất lượng hàng hóa không được như mong muốn nhưng trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì mua sắm online vẫn được chị và nhiều người tiêu dùng lựa chọn…

Mặt hàng được đánh giá là hot nhất trong mùa dịch bệnh

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia kinh tế thị trường nhận định, trong bối cảnh thị trường mua sắm trực tuyến đang bùng nổ và cạnh tranh, các đơn vị kinh doanh kênh mua sắm này đều “chạy đua” để chiếm lĩnh thị phần trong cuộc chiến giao hàng nhanh.

Thống kê nhanh từ GoViet trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua cho thấy, từ ngày 17/1 đến ngày 2/2 (tức từ 23 tháng Chạp đến hết mùng 9 Tết), đã có gần 900.000 đơn hàng ẩm thực được đặt qua nền tảng GoFood, mang lại cho các đối tác nhà hàng doanh thu hàng chục tỷ đồng, tăng 120% so với Tết năm 2019.

Cùng với sự nở rộ của những kênh mua sắm trực tuyến, giao hàng nhanh, người tiêu dùng ngày càng có nhiều cơ hội mua sắm trực tuyến dễ dàng hơn, tiện lợi hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian di chuyển, chọn lựa. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần thận trọng trong việc mua sắm để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Trước các khuyến cáo của chuyên gia y tế, hạn chế đến những nơi đông người như siêu thị, quán xá, nhà hàng, thì việc mua sắm trực tuyến, online cũng là một trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus Covid-19 mới (nCoV) gây ra.

Quỳnh Quỳnh

Đọc nhiều