148628
topics
562436

Cách ly học sinh nhỏ tại trường, lãnh đạo địa phương lên tiếng

01/11/2021 14:34

Liên quan đến hai vụ cách ly học sinh toàn trường ở Đắk Lắk và Ninh Thuận, các em học sinh phải cách ly trong điều kiện thiếu nước sạch, bữa ăn không đủ dinh dưỡng, chính quyền địa phương cho biết phải làm vậy vì cách ly F1 là học sinh tại nhà sẽ rất khó đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19…

Nhiều trường học trở thành điểm cách ly tập trung – Ảnh: TRUNG TÂN

Tại Đắk Lắk, ông L.V.T (60 tuổi, trú xã Cư Yang, Ea Kar), có cháu là F1 tại cơ sở 2 Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, cho biết mấy ngày nay cả gia đình lo lắng vì có hai cháu ngoại đang ở trong trường. Điều kiện trong trường rất thiếu thốn, không đảm bảo việc tắm rửa, nghỉ ngơi cho các cháu, nhất là các bé còn nhỏ.

“Suất cơm trắng, canh lõng bõng với một con cá nục khô. Các cháu ngày đầu vào không được tắm vì không có nước, khóc quá nhưng gia đình đâu vào được”, ông T. xót cháu.

Nói về việc này, ông Lê Đình Chiến – phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar, cho biết sau khi phát hiện 2 học sinh Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Cư Yang, Ea Kar) bị dương tính, hiện nay địa phương xuất hiện thêm nhiều điểm dịch tại các trường học, có cả trẻ mẫu giáo, phải phong tỏa, truy vết.

 

Phụ huynh lo lắng vì sợ con cái ăn uống không đảm bảo, thiếu người chăm sóc – Ảnh: TRUNG TÂN

Theo đó, sau khi tiếp nhận các trường hợp nghi dương tính, ngành chức năng tổ chức cách ly tập trung và phong tỏa khu vực trường học để tiến hành xét nghiệm, sàng lọc.

Sau khi có kết quả RT-PCR sẽ tách F0 đưa cách ly tập trung tại cơ sở y tế, tất cả F1 sẽ cách ly tại chỗ.

Theo ông Chiến, để đảm bảo công tác truy vết, dập dịch, việc cách ly tập trung tại trường là phương án tối ưu, an toàn nhất hiện nay. Theo đó, khi phát hiện các trường hợp F0, huyện giao xã khảo sát các gia đình có F1 để đánh giá việc cách ly tại nhà có đảm bảo an toàn hay không.

Tại các xã đều có bố trí hội trường thôn, điểm nhà dân (bỏ không) đủ điều kiện làm điểm cách ly tập trung nhưng với các F1 là học sinh thì cách ly tại trường là hợp lý nhất.

Địa phương đảm bảo công tác hậu cần để các cháu có nơi tắm, ăn uống, ngủ để đảm bảo mức tối thiểu. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo là F1 cũng tham gia chăm sóc sức khỏe cho học sinh của mình.

“Chúng tôi cũng vận động phụ huynh vào Ban chăm sóc sức khỏe của các trường bị cách ly để cùng với y bác sĩ, tình nguyện viên chăm sóc các cháu. Cha mẹ các cháu vào cùng con để đảm bảo tâm lý cho trẻ nhỏ nhưng cũng được tập huấn để không phát sinh những ca mắc mới, dĩ nhiên là có rủi ro”, ông Chiến nói.

 

Test nhanh sàng lọc COVID-19, cách ly ở lại Trường tiểu học Lâm Sơn A (Ninh Thuận) đối với 127 học sinh nhỏ – Ảnh: T.V

Tại Ninh Thuận, ông Đoàn Văn Hùng – chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn – cho biết từ tham mưu của ngành y tế, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Lâm Sơn quyết định cách ly tập trung ngay tại Trường tiểu học Lâm Sơn A đối với toàn bộ giáo viên, học sinh. “Đây là việc phải làm, không thể làm khác…”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, đến sáng nay, mọi hoạt động trong khu cách ly theo chuẩn quy định của ngành y tế, không còn khó khăn.

“Một số phụ huynh lo ngại con nhỏ không thể tự lo bản thân được. Phụ huynh muốn vào trường chăm sóc con thì chính quyền cũng cho vào luôn nhưng phải test nhanh sàng lọc. Vì chúng tôi không còn cách nào khác, không thể đưa trẻ em F1 đi cách ly chung với người lớn được”, ông Hùng giải thích.

Ông Hùng cũng cho biết các cô giáo đã từng chăm sóc học sinh khối lớp 1, lớp 2 rồi nên cũng có thể chăm sóc các em học sinh tương tự. Còn về vấn đề ăn ở, Trường tiểu học Lâm Sơn A rộng, nhiều phòng học, không lo quá tải. Các giáo viên, học sinh được trang bị đầy đủ mùng mền, chiếu, gối, cả máy giặt và được xã Lâm Sơn cung cấp 3 bữa ăn/ngày.

Ông Thái Quang Mận – phó chủ tịch UBND xã Lâm Sơn A – cho hay dịch bệnh COVID-19 đang lan nhanh ở xã miền núi Lâm Sơn. Ngoài nhiều khu vực dân cư bị phong tỏa, xã Lâm Sơn đã tổ chức thêm khu cách ly tập trung ở hai Trường mẫu giáo Lâm Sơn và Trường THCS Lê Lợi.

Tấn Cương

Đọc nhiều