130115
topics
599916

Cách chữa triệu chứng ‘sương mù não’ hậu Covid không cần thuốc Tây

12/04/2022 08:54

Các biểu hiện như căng thẳng, thay đổi nhận thức, mất tập trung, hay quên sau khi khỏi Covid là hiện tượng “sương mù não” (brain fog), Đông y chữa bằng cách châm cứu, thuốc uống, tập luyện…

Các triệu chứng “sương mù não” được Đông y gọi là kiện vong (hay quên), tâm quý (hồi hộp), huyễn vựng (chóng mặt), thất miên (mất ngủ)…, theo bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, TP HCM. Nguyên nhân gây ra các chứng trên thường do tình chí thất điều (tạng phủ không điều hòa), bệnh lâu ngày hoặc bệnh truyền nhiễm gây tổn thương các tạng phủ. Các tạng bị tổn thương như tâm và thận, làm tổn thương thần chí, khí huyết hư gây nên sự thiếu hụt nuôi dưỡng não tủy, dẫn đến hay quên và các triệu chứng khác kèm theo.

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, cho biết các tình huống trên thường gặp ở một số bệnh nhân hậu Covid. Biểu hiện lo lắng, căng thẳng, thay đổi nhận thức, mất tập trung, hay quên do liên quan thiếu máu não, rối loạn thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng suy nghĩ người bệnh, hay nói sai từ ngữ, khó khăn trong việc tìm vật dụng, khó biểu đạt ý nghĩ của mình. Chẳng hạn như bước vào một căn phòng tìm đồ nhưng quên mất cần tìm cái gì, khó nghĩ ra từ đúng, khó nhớ những gì vừa đọc, mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ… Ngoài ra bệnh có thể còn kèm thêm nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như nhịp tim nhanh, tay chân run, dễ hồi hộp.

Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng theo các nghiên cứu nước ngoài, đối tượng gặp tình trạng này này bao gồm cả người trẻ và người cao tuổi, người mắc triệu chứng nhẹ hoặc nặng trong lúc nhiễm nCoV. Đặc biệt “sương mù não” hay gặp ở người cao tuổi có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lo âu, trầm cảm…

Theo bác sĩ Mẫn, nCoV gây tổn hại các tế bào thần kinh, thiếu oxy do tổn thương phổi, viêm lan tỏa hay tổn thương mạch máu nhỏ làm giảm lưu thông máu não, gây ra tình trạng thiếu máu não, rối loạn thần kinh thực vật. Tâm lý lo lắng, căng thẳng, thiếu ngủ với ăn uống kém, hay suy nghĩ; một số bệnh nền kèm theo như đái tháo đường, thiếu máu, suy giáp và một số loại thuốc cũng khiến tình trạng “sương mù não” tiến triển nhanh hơn.

Vì vậy, khi có những biểu hiện bất thường về nhận thức, giảm trí nhớ, giảm tập trung và khó biểu đạt được ý nghĩa cảm xúc, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám và loại trừ các nguyên nhân bệnh cấp tính, tổn thương thực thể. Các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng và dùng tứ chẩn (bốn phương pháp khai thác triệu chứng lâm sàng của y học cổ truyền) để đưa ra các bài thuốc và các phương pháp điều trị thích hợp cho từng cá thể bệnh.

Ngoài ra, người bệnh cần tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng tuần hoàn cơ thể, giảm căng thẳng sau mỗi giờ làm việc. Ăn thực phẩm nhiều omega 3 và nhiều chất chống oxy hóa để tăng cường tuần hoàn não, hạn chế hoặc tránh uống quá nhiều rượu và caffeine. Đảm bảo ngủ đủ 8-9 tiếng mỗi đêm; tăng cường sức mạnh trí não, chẳng hạn như giải các câu đố; tham gia vào một số hoạt động thú vị giúp giải tỏa căng thẳng.

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc có thể giải quyết tình trạng này bao gồm châm cứu như: hào châm, điện châm, phúc châm (châm vùng bụng), đầu châm (châm vùng đầu), nhĩ châm (châm trên loa tai). Dựa vào các thể bệnh riêng của từng người bệnh, thầy thuốc sẽ đưa ra các bộ huyệt phù hợp hoặc có thể phối hợp nhiều phương pháp. Ngoài ra, chuyên gia có thể phối hợp xoa bóp bấm huyệt, gồm các thao tác xoa, lăn, ấn, vờn để tác động lên các huyệt, các vùng cơ hay các bộ phận trên cơ thể, làm tăng lưu thông khí huyết, tăng tuần hoàn.

Đối với các phương pháp dùng thuốc, tùy theo thể bệnh có thể cân nhắc dùng một trong các bài thuốc cổ phương (y học cổ truyền) và gia giảm các vị thuốc theo từng thể trạng người bệnh. Các vị thuốc thường sử dụng như nhân sâm, hoàng kỳ, thục địa, đương quy, bạch thược, táo nhân, lạc tiên, đinh lăng, rau đắng biển… có tác dụng bổ khí, bổ huyết, an thần. Bên cạnh dạng thuốc thang thông thường, bác sĩ có thể sử dụng thêm các dạng khác như thuốc ngâm, trà thuốc, rượu thuốc, thuốc xông để hỗ trợ điều trị cho người bệnh.

Trâm Anh 

Đọc nhiều